Mô hình kinh tế Trỗi dậy một vùng tiềm năng

Trỗi dậy một vùng tiềm năng

Publish date Tuesday. August 4th, 2015

Trỗi dậy một vùng tiềm năng

Bứt phá từ kinh tế biển

Huyện Giao Thuỷ (Nam Định) có 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4 nghìn ha đất ngập triều với nhiều hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Những năm gần đây, thế mạnh này đang được khai thác, phát huy và đã tạo ra bước đột phá mới đáng ghi nhận. Xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, BCH, Ban Thường vụ huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển giai đoạn 2011 - 2015”.

Phát huy lợi thế kinh tế biển của huyện là nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), Giao Thủy đã tập trung vốn, nhân lực, tiếp thu công nghệ mới để mở rộng và sử dụng có hiệu quả diện tích NTTS theo hướng giữ vững diện tích nuôi hiện có, tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa và sản xuất muối kém hiệu quả sang NTTS bán công nghiệp, công nghiệp; cải tạo hệ thống thủy lợi để tăng năng suất ở các vùng nuôi sinh thái; giải quyết đồng bộ về sản xuất và nhập giống, thức ăn công nghiệp, phòng trừ dịch bệnh; mở rộng các đối tượng nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao...

Huyện huy động hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi - điện - đường giao thông phục vụ sản xuất thủy sản theo hướng bền vững. Xây dựng cơ chế ưu đãi khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển kinh tế biển ở địa phương. Đồng thời, huyện đã hoàn thành, đưa vào sản xuất Dự án nuôi tôm công nghiệp Giao Thủy vùng Giao Phong - Bạch Long, Dự án nuôi thủy sản tổng hợp Giao Long và đang thực hiện Dự án cải tạo hệ thống thủy lợi Cồn Ngạn, Dự án chuyển đổi của xã Giao Thịnh… Các dự án về NTTS đã và đang thực hiện từng bước hình thành các vùng nuôi chuyên canh, nuôi xen canh, nuôi tổng hợp tập trung với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đưa Giao Thủy trở thành huyện trọng điểm của tỉnh về NTTS.

Toàn huyện đã quy hoạch và đưa trên 5.200ha bãi bồi ven biển vào NTTS, trong đó diện tích nuôi mặn lợ 4.090ha. Xác định con ngao là đối tượng chủ lực vùng mặn lợ, Giao Thủy đã xây dựng vùng nuôi ngao chung chiếm gần 30% diện tích NTTS mặn lợ, tập trung ở 4 xã có bãi bồi ven biển: Giao Xuân, Giao Long, Giao Hải và Giao Lạc. Năng suất ngao luôn ổn định khoảng 60 tấn/ha/năm, giá trị thu nhập gấp hàng chục lần so với trồng lúa, nhiều hộ đạt doanh thu 300 - 800 triệu đồng/năm. Hiệu quả của nghề nuôi ngao trong những năm qua cho thấy đây là chủ trương đúng, trúng và tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở những xã vùng chân sóng vốn còn nhiều khó khăn; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 3.000 lao động thường xuyên và hàng chục nghìn lao động thời vụ.

Các hộ nuôi ngao ở Giao Thủy đang chuyển từ làm ăn riêng lẻ sang hợp tác theo nhóm, nhằm hỗ trợ nhau về tài chính, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, áp dụng chung quy tắc sản xuất an toàn, hỗ trợ nhau nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng. Sản phẩm ngao Giao Thủy chiếm hơn 44% sản lượng ngao thương phẩm của các tỉnh ven biển phía Bắc. Cùng với con ngao, con tôm thẻ chân trắng cũng là một đối tượng nuôi chủ lực, chỉ tính từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 83ha sản xuất muối kém hiệu quả ở xã Giao Phong, Thị trấn Quất Lâm và 32ha vùng nuôi quảng canh ở xã Giao Thiện sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương thức nuôi bán công nghiệp và công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.

Bình quân năng suất mỗi vụ nuôi tôm thẻ chân trắng tại các vùng công nghiệp của huyện đạt 5 - 7 tấn/ha, một số hộ đạt năng suất 10 tấn/ha cho thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng/ha. Xác định con giống là khâu then chốt, quyết định thành công cho sản xuất nên Giao Thủy đã tập trung xây dựng các cơ sở sản xuất giống quy mô lớn. Hiện trên địa bàn huyện có 43 cơ sở sản xuất giống thủy sản, tập trung vào các đối tượng nuôi: tôm sú, ngao, hàu, tu hài, cua biển, cá bống bớp… Với hệ thống sản xuất con giống đa loài, Giao Thủy trở thành đơn vị sản xuất giống mạnh nhất Nam Định, sản xuất giống ngao lớn nhất miền Bắc, không chỉ giúp huyện chủ động nguồn giống, đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi tại địa phương mà còn cung ứng giống cho các hộ trong và ngoài tỉnh.

Đẩy mạnh và nâng cao sản lượng đánh bắt, Giao Thủy tập trung đầu tư chuyển mạnh sang khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Giảm tàu khai thác công suất nhỏ, tăng tàu công suất lớn gắn với đổi mới kỹ thuật đánh bắt, công nghệ bảo quản sản phẩm; đồng thời tăng cường quản lý việc đánh bắt xa bờ bằng việc tổ chức các tổ, đội sản xuất trên biển nhằm phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tổng sản lượng khai thác của huyện năm 2014 đạt 12.500 tấn, cao hơn 2.000 tấn so với năm 2010.

Ngư dân Giao Thủy sẽ được hỗ trợ đóng mới 10 tàu đánh cá xa bờ, 1 tàu hậu cần dịch vụ nghề cá công suất lớn và cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi vùng nuôi tôm công nghiệp tại xã Giao Phong theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ “Về một số chính sách phát triển thủy sản”, có tác động tích cực tới sự ổn định, bền vững kinh tế biển của huyện. Cùng với việc đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt, nghề chế biến hải sản của huyện đang được duy trì và phát triển trong các hộ dân, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô, sứa mặn, sứa ăn liền… tập trung ở các xã Giao Châu, Giao Yến, Giao Hải, Giao Thiện...

Trong đó, các sản phẩm “Ngao Giao Thủy”, “Chả cá Hùng Vương” đạt giải thưởng “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam” năm 2014; sản phẩm “Nước mắm cao đạm Sa Châu” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp giấy chứng nhận bản quyền ngon nổi tiếng, được tiêu thụ trong cả nước… Tổng giá trị sản xuất thủy sản 5 năm (2010 - 2015) của huyện đạt khoảng 784 tỷ đồng (trong đó: nuôi trồng đạt hơn 523 tỷ đồng, khai thác đạt gần 235 tỷ đồng), tăng 1,75 lần so với giai đoạn trước.

Hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững

Mặc dù những năm gần đây, huyện Giao Thuỷ đang từng bước chuyển nền nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa vừa để đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) vừa có nông sản xuất khẩu, song nhìn chung kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là kinh tế hộ, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa rõ nét. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy tập trung thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường.

Trọng tâm là chuyển mục tiêu sản xuất từ sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng cao và bền vững. Nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn; đảm bảo ANLT, an ninh dinh dưỡng trước mắt và lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng NTM và tăng trưởng kinh tế. Quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với BĐKH. Huyện phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 đạt 3,38%/năm; trong đó: trồng trọt 0,12%, chăn nuôi 3,51%, thủy sản 5,81%.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện phát triển mạnh sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tập trung phát triển 4 cây, 4 con chủ lực là: lúa chất lượng cao, lạc, ngô, khoai tây; lợn (lợn thịt siêu nạc, lợn sữa), gia cầm (gà, vịt), ngao và tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú). Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành NN và PTNT của huyện, xã, gắn với quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch các vùng chuyên trồng lúa: lúa lai, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản và lúa giống; các vùng trồng màu: ngô, lạc, khoai tây và cây ăn quả và vùng sản xuất rau an toàn VietGAP ở Giao Phong với diện tích khoảng 50ha. Hình thành 19 điểm chăn nuôi tập trung tại các xã, thị trấn; cả huyện thành lập 1 - 2 trang trại hạt nhân làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp, sản xuất, cung ứng con giống, bao tiêu sản phẩm cho các trang trại và gia trại.

Xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch, đảm bảo VSATTP gắn với truy suất nguồn gốc sản phẩm. Trên cơ sở quy hoạch, phát triển mạnh NTTS, hình thành các khu nuôi tập trung, các trại sản xuất giống, các giống nuôi có giá trị cao: ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá bống bớp, cá trắm đen, cá diêu hồng, cá lóc bông, cá hồng mỹ… Thực hiện sản xuất có hiệu quả diện tích NTTS nước ngọt đã được quy hoạch, những diện tích trũng trồng lúa năng suất thấp sang NTTS và làm trang trại tổng hợp của các xã Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hà, Giao Hải, Bình Hoà… tiếp tục đưa các giống cá có giá trị kinh tế cao như: cá chuối ta, cá trắm đen, lươn, ếch, ba ba… vào sản xuất. Phát triển các làng nghề khai thác thủy sản, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền…

Tiếp thu, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ tế bào trong sản xuất giống và các giải pháp công nghệ tiên tiến trong thâm canh để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Xây dựng bộ giống cây trồng, con nuôi chủ lực đặc trưng của huyện có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với BĐKH cho 8 sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường ứng dụng VietGAP, GlobalGAP… và các chế phẩm sinh học trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh, có cơ chế ưu đãi mời, gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chuyển đổi toàn diện HTX theo Luật HTX năm 2012; phát triển mạnh trang trại, gia trại sản xuất hàng hóa, phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp ở nông thôn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản. Quản lý Nhà nước về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp. Kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ các nguồn lợi thủy sản và nguồn lợi tự nhiên từ rừng, biển. Tổ chức tốt đào tạo nghề cho nông dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thị trường. Tiếp tục đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn…


Ninh Bình hỗ trợ 120 nghìn con cá giống cho mô hình chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản Ninh Bình hỗ trợ 120 nghìn con cá… Thành tỷ phú nhờ nuôi tôm Thành tỷ phú nhờ nuôi tôm