Mô hình kinh tế Trồng Cây Bời Lời Đỏ, Hướng Giảm Nghèo Bền Vững Ở A Vao (Quảng Trị)

Trồng Cây Bời Lời Đỏ, Hướng Giảm Nghèo Bền Vững Ở A Vao (Quảng Trị)

Publish date Tuesday. January 7th, 2014

Trồng Cây Bời Lời Đỏ, Hướng Giảm Nghèo Bền Vững Ở A Vao (Quảng Trị)

Từ nhiều năm nay người dân xã A Vao, huyện Đakarông (Quảng Trị) đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả trên một diện tích đất sản xuất. Trong đó, mô hình phát triển, trồng và khai thác cây bời lời đỏ được triển khai ban đầu đã cho hiệu quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc giảm nghèo bền vững.

Xã A Vao có diện tích 7.712,7 ha, đa phần là đồi núi, toàn xã có 542 hộ, trong đó có 42,9% là hộ nghèo, thu nhập của người dân hoàn toàn dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Theo anh Hồ Phương Nam, Phòng địa chính xây dựng phụ trách nông nghiệp xã A Vao thì diện tích đất của xã rất phù hợp với cơ cấu các cây trồng lâu năm như bời lời đỏ, quế, keo..., đặc biệt là cây bời lời đỏ.

Từ những năm 2004 người dân ở A Vao đã phát triển loại cây này, nhưng đa số trồng tự phát, không tập trung, vì thiếu kỹ thuật trong mua giống cũng như chăm sóc nên số lượng cây bị chết rất lớn, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Trước thực trạng đó, tháng 8/2012, được sự chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp huyện, Trạm Khuyến nông- Khuyến ngư cũng như sự hỗ trợ của dự án trồng cây bời lời đỏ do Oxfam - Hồng Kông tài trợ, xã A Vao đã triển khai dự án đầu tư mở một vườn ươm giống cây bời lời đỏ trên diện tích 500 m2 tại thôn Ró Ró 1, với số vốn đầu tư bước đầu là 120 triệu đồng.

Mục đích của việc triển khai dự án là làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc trồng, phát triển và khai thác diện tích cây bời lời đỏ trên địa bàn xã một cách bền vững. Theo đó, ban quản lý dự án đã kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, UBND xã tiến hành chọn địa điểm, làm vườn ươm giống cây bời lời đỏ, song song với việc triển khai mở lớp đào tạo, trang bị kỹ thuật về cách ươm cây giống cho người dân trong thôn cũng như cung cấp giống, phân bón để triển khai vườn ươm.

Theo anh Nam thì trước đây trong rừng vẫn có cây bời lời đỏ. Khi giá vỏ cây lên cao người dân thường tự ý vào rừng đốn cây để khai thác, điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh thái rừng, cây bời lời vì thế ngày càng vắng bóng. Nhưng hiện nay, việc triển khai dự án đã trang bị kiến thức cho người dân trong việc trồng bảo vệ và khai thác rừng một cách hiệu quả.

Từ chỗ trồng cây không bón phân, trồng mật độ quá dày và không đúng kỹ thuật, đến nay bà con đã được trang bị kiến thức trồng, khai thác mới có hiệu quả cao hơn như phát triển những diện tích trồng cây bời lời đỏ kết hợp trồng xen các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả cao như dứa, sắn, ngô, chuối…

Việc khai thác bền vững từ nhiều loại cây trên cùng một diện tích đất không những cho hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần không nhỏ trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn cũng như cải tạo đất đai.

Anh Nam cho biết: “Xây dựng mô hình thâm canh trồng cây bời lời đỏ đã thay đổi nhận thức của người dân, giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt nói chung và trồng cây lâm đặc sản nói riêng, tạo hướng đi mới bền vững hơn trong phát triển lâm nghiệp”.

Tìm đến đồi trồng cây bời lời đỏ được triển khai trồng theo chương trình của dự án của gia đình ông Hồ Văn Việt, thôn Ró Ró 1, xã A Vao, trước mắt chúng tôi là hơn 2 ha cây bời lời đỏ xanh tốt, trên cây chưa thấy xuất hiện bất cứ một loại sâu bệnh nguy hiểm nào, tỷ lệ sống bình quân đạt 90%, chiều cao cây đã gần 1 m, đường kính gốc trung bình 3,5 cm, đường kính tán lá trung bình gần 1 m.

Ông Việt cho biết, trước đây (năm 2004), gia đình ông có triển khai trồng tự phát gần 1.000 cây bời lời đỏ. Vào thời điểm đó, một cây giống có giá 1.500 đồng, muốn mua phải đặt hàng trước ở thị trấn Khe Sanh, nhưng ban đầu do giống cây yếu, lại trồng vào mùa hạn nên chết gần hết. Năm 2012, được sự hỗ trợ của UBND xã và dự án Oxfam- Hồng Kông, gia đình ông đã được trang bị kiến thức về kỹ thuật trồng và khai thác cây bời lời đỏ, sau khi nhận được 2.000 cây giống, kết hợp với diện tích đã trồng trước đây, đến nay gia đình ông đã có hơn 2 ha bời lời, bên cạnh đó gia đình cũng thực hiện trồng xen với măng bát độ, chuối, sắn…

Do áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc và khai thác nên diện tích bời lời đỏ của gia đình phát triển rất tốt. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, ông Việt thu lãi từ vườn cây không dưới 50 triệu đồng.

Ông Việt vui vẻ nói: “Nhờ phát triển diện tích rừng bời lời bền vững mà tôi nuôi được 6 người con ăn học nên người”.

Từ diện tích vài héc ta manh mún, đến nay toàn xã A Vao đã trồng tập trung được gần 10 ha cây bời lời đỏ. Theo anh Nam thì việc trồng tập trung trên một diện tích lớn tiện cho việc chăm sóc, quản lý nên cây phát triển rất tốt, bước đầu đã cho hiệu quả rõ rệt.

Cây bời lời đỏ trồng sau 7 đến 8 năm là cho thu hoạch. Vỏ, lá cây được thương lái mua để làm bột nhang, nấu keo dùng trong công nghiệp; thân cây được dùng trong công nghiệp chế biến gỗ, đồ gia dụng, cây bời lời đỏ được tận dụng hầu như từ cành đến gốc. Thời điểm hiện nay vỏ tươi có giá 6.000 đồng/kg, giá 1m3 gỗ khoảng 400.000 đồng, mỗi héc ta trồng bời lời đỏ trung bình thu được khoảng 40 triệu đồng/năm và nếu khai thác hợp lý sẽ cho thu hoạch trong nhiều năm.

Trồng cây bời lời đỏ đã và đang cho hiệu quả rõ rệt, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi. Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã A Vao cho biết: Người dân xã A Vao trước đây chỉ trồng cây sắn, cây lúa trên rẫy, hiệu quả kinh tế rất thấp, nhưng hiện nay nhờ trồng, phát triển diện tích cây bời lời đỏ đã giúp người nghèo có công ăn việc làm, giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi, lao động phụ ở nông thôn. Người dân trồng cây bời lời đỏ cũng là phát triển rừng, nhờ hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng mà xã A Vao giảm được tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Cửu Tuấn, Phó Trạm Khuyến nông- Khuyến ngư huyện Đakrông thì việc trang bị cho người dân kỹ thuật trồng cây bời lời đỏ kết hợp với các loại cây trồng khác không những thu lợi nhuận cao hơn mà còn tạo điều kiện cho cây bời lời đỏ sinh trưởng phát triển tốt. Hiện nay, tại xã Tà Rụt, người dân cũng đang phát triển trồng và khai thác cây bời lời đỏ cho hiệu quả cao. Việc phát triển cây bời lời đỏ rất thuận lợi ở những vùng đồi núi, quỹ đất hoang hóa còn nhiều.

Trong thời gian tới theo ông Tuấn thì diện tích cây bời lời đỏ trên địa bàn toàn huyện sẽ phát triển nhiều, bởi giống cây bời lời đỏ đã và đang cho thấy hiệu quả hơn so với các giống cây trồng khác. Người dân nay đã được trang bị kỹ thuật ươm giống cây nên đã chủ động được nguồn giống có chất lượng. Việc phát triển trồng cây bời lời đỏ trong thời gian tới hứa hẹn là một loại cây giúp cho huyện Đakarông thoát nghèo bền vững.


Đất Sản Xuất Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Phù Hợp 19 Loại Cây Trồng Đất Sản Xuất Nông Nghiệp Trên Địa Bàn… Chè VietGap Hướng Phát Triển Bền Vững Chè VietGap Hướng Phát Triển Bền Vững