Mô hình kinh tế Trồng Cây Dược Liệu Dưới Tán Rừng

Trồng Cây Dược Liệu Dưới Tán Rừng

Publish date Saturday. June 8th, 2013

Trồng Cây Dược Liệu Dưới Tán Rừng

Tháng 4 năm 2011, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên (An Giang) triển khai dự án “Xây dựng mô hình phát triển dược liệu vùng núi Cấm” trên diện tích 5 héc-ta (gồm 3 loài cây: Nghệ xà cừ, đinh lăng và xuyên tâm liên), với tổng vốn đầu tư 2,9 tỷ đồng do Bộ Khoa học – Công nghệ tài trợ trên 1,260 tỷ đồng và phần còn lại là vốn đối ứng của chủ dự án.

Dự kiến quý 1 năm 2014, dự án sẽ kết thúc và đánh giá kết quả thực hiện. Ông Dương Ánh Đông, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Tịnh Biên – Chủ nhiệm dự án cho biết, cơ sở hạ tầng phục vụ cho dự án đã hình thành và xây dựng mô hình phát triển theo tiêu chuẩn GAP cơ bản đạt thắng lợi bước đầu, với 3 loài cây trồng khảo nghiệm trên nhiều khu vực khác nhau ở độ cao 700m, 300m và đất ven triền núi. “Sau cùng, chúng tôi quyết định chọn khu vực Tà Lọt làm trung tâm để triển khai dự án và định hướng cho mô hình phát triển lâu dài” – ông Đông nói.

Bởi lẽ, 3 loài cây dự án đặt ra đều thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở đây, vả lại công lao động chăm sóc và chi phí vận chuyển giảm nhiều hơn so với trên đỉnh núi. Chẳng hạn, như nghệ xà cừ nếu trồng trên đỉnh núi Cấm vượt trội 1.500 kg/công, còn trồng dưới đất ven triền núi bình quân 1.000kg/công nhưng chi phí sẽ nhẹ hơn và người lao động khỏi phải đi xa chăm sóc.

Triển khai được 2/3 đoạn đường, dự án cũng đã khảo sát, xác định vùng trồng dược liệu cho vùng núi Cấm, phục vụ công việc “chỉ dẫn địa lý” lâu dài, như: vách Ô Tứk Sa vòng qua Tà Lọt và Latina với hơn 2.000 héc-ta. Đó là chưa kể cánh bên núi Dài, như: Vách Rò Leng, chân vồ Đá Bạc, khu vực Chót Ông Còn, bến chuối Bà Chi… Mùa mưa năm 2012, ông Trần Văn Đổng (thị trấn Ba Chúc) trồng nghệ xà cừ ở đây, cho hay, nhờ có chút ít kinh nghiệm trồng gừng, sau khi tham khảo kỹ thuật trồng nghệ thì ứng dụng được ngay, năng suất cao và chất lượng đạt yêu cầu.

Ví như: Nghệ giống do Domesco cung cấp trên diện tích đăng ký và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng 10.000đ/kg, chăm sóc phải từ 8 tháng và năng suất cầm chắc 1.000kg/công, sau khi trừ chi phí thì nông dân còn lãi được 50% so với giá bán. “Cái hay là nghệ trồng được dưới tán rừng, hiệu quả mang lại nhiều thứ. Rừng vẫn được bảo vệ, mà người chủ rừng cũng có lợi” – ông Đổng khẳng định.

Mùa mưa năm 2013 này, 71 hộ tại khu vực Chót Ông Còn, Tà Lọt và bến chuối Bà Chi (các xã An Hảo, An Cư, Lương Phi, Lê Trì, Châu Lăng) tham gia trồng 30 héc-ta nghệ xà cừ. Trong đó, có hơn 20 hộ nghèo và ngưỡng cửa nghèo. Anh Huỳnh Văn Xem (ấp Tà Lọt) lần đầu tiên tham gia trồng 3 công (3.000m2) cho hay, nghệ đã xuống giống hơn 30 ngày tuổi và đang trong giai đoạn đâm lá 2, lá 3 cần khâu dọn cỏ để cây phát triển tốt. “Với 3 công nghệ này, năng suất đạt 3.000kg, bán giá hợp đồng 10.000đ/kg. Trừ chi phí 50%, tui lời thủ 15 triệu đồng” – anh Xem hớn hở.

Với mặt đất hiện tại, anh trồng khoai mì công nghiệp, đậu phộng, khoai lang… chưa chắc được như vậy. Do đất gò cao, triền núi, đâu ai muốn trồng cây gì cũng được, mà phải tùy theo mùa và “chẩn đoán” thị trường, giá cả từng lúc nữa. Cây nghệ xà cừ phát triển thuận lợi, anh Xem sẽ hướng tới trồng cây xuyên tâm liên (chu kỳ 4 tháng) và cây đinh lăng lấy củ (sinh trưởng 5 năm) nhưng trước mắt vẫn bán được lá và cây. Bởi lẽ, 2 loài này đều thích hợp bóng râm, bóng mát dưới tán rừng.

Với vườn ươm cây giống 1.000m2 và diện tích nhà lưới 800m2 do Trường đại học Cần Thơ chuyển giao kỹ thuật, dự án “Xây dựng mô hình phát triển dược liệu vùng núi Cấm” đảm bảo lượng giống đinh lăng và xuyên tâm liên trồng theo yêu cầu của mô hình trong mùa mưa năm nay. Như vậy, hiện tại trên vùng Bảy Núi có tổng cộng 3 dự án về cây dược liệu: 1 dự án do Chi cục Kiểm lâm An Giang triển khai tại Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn); 1 dự án do Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn triển khai tại núi Dài; 1 dự án do Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên triển khai tại núi Cấm.

Đồng thời, có sự tham gia của Domesco trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng. Thực tế cho thấy, mô hình sưu tập, bảo tồn, phát triển sản xuất và tiêu thụ cây dược đều mang lại lợi ích cho nguồn tài nguyên rừng vùng Bảy Núi, trong đó có người trực tiếp chăm sóc và bảo vệ rừng. Trước mắt, là sinh lợi từ việc sản xuất nông – lâm kết hợp và trồng trọt dưới tán rừng để rừng ngày càng phát triển bền vững.


Cây Dâu Tằm Đang Hồi Sinh Cây Dâu Tằm Đang Hồi Sinh 70% Đàn Vịt Mang Máu Vigova 70% Đàn Vịt Mang Máu Vigova