Tin nông nghiệp Trồng khổ qua, dưa leo, bí xanh VietGAP không lo đầu ra

Trồng khổ qua, dưa leo, bí xanh VietGAP không lo đầu ra

Author Văn Tâm, publish date Wednesday. July 17th, 2019

Trồng khổ qua, dưa leo, bí xanh VietGAP không lo đầu ra

Từ tháng 12/2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã chuyển giao 2 mô hình trồng khổ qua, dưa leo và bí xanh theo quy trình VietGAP với quy mô 10ha/19 hộ tại các xã Phước Thạnh, Trung Lượng Thượng, huyện Củ Chi.

Tham quan mô hình trồng khổ qua VietGAP tại xã Phước Thạnh.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống mới F1 đạt chất lượng và được cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật.

Mô hình áp dụng kỹ thuật xử lý hạt giống trước khi trồng bằng phương pháp 2 sôi, 3 lạnh trong vòng 2 – 4 giờ, ủ trong 24 giờ để diệt mầm bệnh trong hạt giống và tăng tỷ lệ nẩy mầm.

Mật độ trồng: Khổ qua (mướp đắng) 1.400 – 1.500 cây/1.000m2, dưa leo (dưa chuột) 1.800 – 1.900 cây/1.000m2, bí xanh 1.200 cây/1.000m2.

Bón phân lót kết hợp vun luống phủ bạt; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo thời gian cách ly và phần lớn sử dụng thuốc sinh học để trừ bệnh cho rau.

Tính toán hiệu quả kinh tế mô hình mang lại, với giá thành sản xuất 4.000 đồng/kg, giá bán cho thương lái từ đầu vụ đến hết vụ dao động từ 10.000 – 13.000 đồng/kg, giá bán qua hợp tác xã 7.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, mô hình đạt lợi nhuận trên 18 triệu đồng/1.000m2/vụ khổ qua, dưa leo đạt gần 20 triệu đồng và bí đao là 21 triệu đồng.

Trong 19 hộ đăng ký tham gia mô hình, có 8 hộ đạt giấy chứng nhận VietGAP. Những hộ còn lại đang tiếp tục làm hồ sơ. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện mô hình như nguồn phân bò trên địa bàn rất lớn nhưng chỉ có vài hộ áp dụng biện pháp ủ phân; phần lớn các hộ bón phân vô cơ thiếu định mức quy định.

Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường ở giai đoạn cây ra hoa nên có ảnh hưởng nhất định đến năng suất.

Ông Nguyễn Trung Tiến ở ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng tham gia mô hình cho biết, là thành viên mới gia nhập Tổ hợp tác rau xã Trung Lập Thượng, ông được Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đầu tư 100% giống, 30% vật tư phân bón cho hơn 5.000m2 đất trồng khổ qua.

Sau thời gian trồng và chăm sóc theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, kết quả thu lời 18.250.000 đồng cho 1.000m2/vụ. Ngoài ra, ông còn được chuyển giao kỹ thuật và tư vấn tận tình việc thực hiện sản xuất đúng quy trình để cấp giấy chứng nhận VietGAP, được thu mua với giá ổn định.

Phát biểu tại buổi tổng kết mô hình, ông Võ Ngọc Đẹp, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM nhấn mạnh: Sản lượng rau an toàn sản xuất tại thành phố hiện chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thị trường, còn 80% nhập từ các tỉnh Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang… Điều này cho thấy thị trường tiêu thụ rau an toàn tại TP.HCM còn rất lớn.

Vì vậy, đẩy mạnh phát triển sản xuất rau an toàn là mục tiêu của thành phố nói chung và bà con nông dân trồng rau ở các huyện ngoại thành thành phố nói riêng...

"Bà con nên mạnh dạn tiếp thu, áp dụng kỹ thuật gieo ươm cây con, cơ giới hóa trong sản xuất, ủ phân… góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận khá", ông Đẹp nói.


Hướng dẫn kiểm soát vận chuyển lợn an toàn Hướng dẫn kiểm soát vận chuyển lợn an… Ớt sản lượng giảm, giá cao chót vót Ớt sản lượng giảm, giá cao chót vót