Trồng mắc ca, chớ chủ quan
Những cuộc thảo luận xung quanh việc trồng mắc ca thật sôi nổi. Hiếm có cây mới nào mà tranh luận dữ dội như vậy.
Có lẽ vì bà con ta đã “vấp” vài lần với cây này, cây khác khi đưa vào canh tác nên việc thận trọng là điều tất yếu. Nhà quản lý, nhà khoa học và cả nông dân đều tham gia tranh luận. Khẩu khí có lúc tới dữ dội.
Tuy nhiên, mọi người đều thấy, việc đưa mắc ca vào canh tác là việc nên làm. Nó có nhiều triển vọng phát triển tốt ở VN. Một số cơ sở đi trước đã cho những kết quả đáng mừng. Hàng loạt DN đã và sẽ lao vào mặt trận này. Đấy là một tín hiệu rất đáng hoan nghênh.
Thủ tướng luôn luôn yêu cầu các DN nghiên cứu để đầu tư cho nông nghiệp. Có DN hỗ trợ, nông thôn chắc chắn sẽ có được những bước tiến dài. Riêng với cây mắc ca, có lẽ cũng đã có được 3-4 DN cỡ “bự” để mắt tới.
Ngoài ra, rất nhiều nhà đầu tư đã nhòm ngó vào đối tượng này. Vì vậy, chúng ta càng phải thận trọng đối với từng bước khi phát triển cây mắc ca. Các nhà khoa học và các nhà quản lý phải thấy rõ trách nhiệm của mình. Điều cấp bách đầu tiên là phải quản lý thật chặt khâu SX giống.
Giống như nhiều loại cây ăn quả khác, mắc ca cần được nhân giống bằng phương pháp vô tính. Nó khác việc nhân giống bằng hạt, tức là nhân giống hữu tính. Hạt của cây giống như đứa con của ta.
Nó là sự tổng hòa giữa yếu tố đực và yếu tố cái. Đứa con có thể giống mẹ hoặc giống bố vì nó tiếp nhận nguồn gen của cả 2 nơi. Cũng có trường hợp, các tính trạng mới được hình thành nên nó chả giống ai cả.
Hạt giống cũng vậy! Khi ta gieo hạt xuống, nó sẽ mọc lên một cây mang nguồn gen của cả yếu tố đực và yếu tố cái. Nó có thể mang những tính trạng tốt của cây bố hay cây mẹ.
Nhưng nó rất có thể sẽ biểu hiện ra những tính trạng mà ta không hề mong muốn (do xáo trộn các gen). Vì vậy, ta không đảm bảo được chất lượng của cây giống.
Gần đây, báo chí lên tiếng phê phán nạn làm giả cây ghép đối với mắc ca. Điều đó thật tai hại. Chúng tôi mong các cơ quan nông nghiệp ở các tỉnh sẽ tích cực quản lý việc này. Chúng ta phải xử lý nghiêm các đơn vị làm ẩu để ngăn hậu họa cho bà con. Mặt khác, bà con chớ ham rẻ mà mua phải cây rởm. Tốt nhất, địa phương nên có hướng dẫn bà con tới các cơ sở đã được kiểm tra để mua giống. |
Cây trồng từ hạt gọi là cây thực sinh có hai nhược điểm: Thứ nhất, nó không đảm bảo sẽ giữ được các tính trạng tốt của cây bố hay cây mẹ. Thứ hai, nó lâu ra quả (có cây 6 - 7 năm, cũng có cây 9 - 10 năm mới ra quả).
Trên thực tế, ở vườn của bác Nguyễn Đức Ba (xã Thạnh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng), các cây thực sinh vẫn ra quả, tuy nó ra quả chậm và quả nhỏ so với các cây ghép.
Vì vậy, ta chỉ nên nhân giống mắc ca bằng phương pháp vô tính. Phương pháp vô tính bao gồm giâm cành, chiết cành, ghép cành hoặc nuôi cấy mô. Các nước phát triển mắc ca trước ta đều dùng phương pháp này.
Để ghép cành, ta cần có cây gốc ghép và cây cho cành ghép. Cây gốc ghép được gieo từ hạt nên chọn những giống khỏe, có bộ rễ phát triển tốt, ta có thể gieo hạt ngay vào bầu hoặc gieo ra đất cho tới khi cây mọc thì cấy vào bầu.
Còn cây để lấy cành ghép phải chọn rất cẩn thận. Đó phải là những giống tốt (cả sản lượng và chất lượng của hạt). Nó phải là những cây đã trưởng thành, sai quả, chất lượng.
Ta dùng những cây đó để lấy cành và ghép với các cây gốc ghép đã chuẩn bị. Người ta gọi đó là các cây đầu dòng. Đơn vị SX giống phải có vườn đầu dòng được trồng từ trước và được kiểm tra qua các mùa ra quả.
Cây ghép sẽ mang hoàn toàn tính trạng của cây cho mắt ghép vì nó không có sự xáo trộn về gen và sớm cho quả. Đây là ưu việt của phương pháp này. Vì vậy, bà con ta chớ nên mua giống thực sinh về trồng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao