Mô hình kinh tế Trồng Mướp Hương

Trồng Mướp Hương

Publish date Friday. November 22nd, 2013

Trồng Mướp Hương

Chúng tôi có mặt tại vườn mướp hương của gia đình anh Trần Đình Đạo (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chứng kiến những trái mướp dài treo tua tủa trên giàn đang chuẩn bị thu hoạch.

Anh Đạo tâm sự: “Mới đầu mình chỉ nghĩ thử trồng giàn mướp lấy ăn, sau đó tạo thử giống mướp hương, không ngờ cây đậu trái ngoài mong đợi”.

Để có được những quả mướp hương dài, thơm như vậy, anh Đạo đã tiến hành gieo đồng thời 6 hạt mướp hương với 6 hạt mướp giống quả dài. Khi cây nảy mầm, phát triển được 15 ngày, anh cắt ngọn mướp hương ghép vào gốc mướp quả dài. Sau khi ghép được khoảng 58 ngày, cây bắt đầu ra hoa vàng và đậu trái.

Mỗi mắt của dây mướp đậu được một trái, trung bình mỗi m2 giàn có khoảng 10 trái mướp hương, trọng lượng đạt từ 1,8 - 2 kg/trái. Quy trình chăm sóc mướp hương giống các loại mướp khác. Chỉ có điều, mướp hương lai ghép năng suất cao hơn, trái dài nên cần bón tăng hàm lượng đạm, lân và phân NPK cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Để mướp ngọt và thơm, anh Đạo dùng vỏ tôm và cá nhỏ trộn với đất ủ hoai mục rồi mới trồng. Hiện, giàn mướp hương của anh đang được trồng theo hướng SX nông nghiệp tốt (VietGAP), không sử dụng thuốc trừ sâu.

Theo tính toán của anh Đạo, vụ mướp này sẽ cho thu được khoảng 500 kg trái. Với giá bán 8.000 đ/kg thu được khoảng 3,5 triệu đ/50 m2. Nếu đầu ra ổn định, loại mướp này cho thu lời cao gấp nhiều lần mướp SX truyền thống.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Thành cho biết, phòng đã xuống khảo sát mô hình trồng mướp của gia đình anh Đạo và lấy hạt về trồng thử nghiệm. Nếu thành công, thì sẽ tổ chức hội thảo, phổ biến cho nông dân biết để áp dụng, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Lê Văn Tám ở ấp 1, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) quê gốc Bến Tre, năm 1998 cùng gia đình chuyển lên Bình Phước lập nghiệp. Sẵn có vốn kiến thức trồng cây ăn trái từ vùng sông nước, lúc đầu ông chọn một số giống, nhưng chủ yếu là nhãn.

Sau nhiều năm thấy giá nhãn bấp bênh, cây lại bị già cỗi kém năng suất khiến ông phải tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua tìm hiểu thấy mô hình trồng mướp hương cho thu nhập hàng ngày, ông quyết định đầu tư trồng 1 ha.

Ông Tám tâm sự: “Gia đình tôi chọn giống mướp này trồng vì nó cho thu hoạch khá nhanh, thời gian sinh trưởng chỉ khoảng từ 40 - 45 ngày. Hơn nữa, mục đích của tôi muốn làm giàn mướp để vừa che nắng cho cây bưởi da xanh mới trồng lại vừa có thu nhập hằng ngày...”.

Để kéo dài thời gian thu hoạch thì khâu làm đất rất quan trọng, đặc biệt cần lượng phân chuồng khá nhiều. Để tạo sự thông thoáng cho cây phát triển tốt, ông thiết kế giàn cao từ 2 - 2,5 m, trên phủ lưới mắt lớn đủ để trái thả treo xuống tự nhiên. Do mướp ra trái liên tục nên để cây phát triển tốt phải đảm bảo chế độ phân bón và nước tưới thường xuyên.

"Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật thì cây mướp cho năng suất rất cao. Thực tế, có người trồng 3 sào mướp/vụ đã cho thu hoạch hơn 20 tấn, với giá bán trung bình từ 5.000 - 6.000 đ/kg cũng cho doanh thu cả trăm triệu đồng/vụ. Làm đất phải đánh sâu, trộn một lượng lớn phân hữu cơ trước khi gieo hạt. Thời gian thu hoạch nếu được chăm sóc tốt có thể kéo dài đến 6 tháng. Nếu bón nhiều phân chuồng sẽ kéo dài được tuổi thọ của cây, mướp lâu già cỗi và cho trái đồng đều hơn", ông chia sẻ.

Vườn mướp của gia đình ông Tám cho thu hoạch bình quân mỗi ngày khoảng 50 kg với giá bán 7.000 đ/kg. Đặc biệt, mặt hàng mướp bán bao nhiêu cũng hết chứ không bị ế như nhiều loại trái khác. Trồng mướp "phụ trợ" cho cây bưởi da xanh nhưng được thu tiền tươi và mức thu nhập cũng khá cao.

KS Nguyễn Văn Đạo, Trung tâm KN-KN Bình Phước cho biết, trước tình trạng nguồn phân chuồng khan hiếm, các hộ có thể tận dụng mua lại phân từ các trại chăn nuôi sử dụng hệ thống biogas để bón mướp theo luống rất hiệu quả.


Mô Hình Trồng Ớt Xuất Khẩu Cho Thu Nhập Từ 18 Đến 20 Triệu Đồng/sào Mô Hình Trồng Ớt Xuất Khẩu Cho Thu… Quay Về Giống Bản Địa Quay Về Giống Bản Địa