Mô hình kinh tế Trồng na dai vừa nhàn lại tránh bị thương lái ép giá

Trồng na dai vừa nhàn lại tránh bị thương lái ép giá

Publish date Wednesday. July 22nd, 2015

Trồng na dai vừa nhàn lại tránh bị thương lái ép giá

Cây trồng truyền thống được xem là thế mạnh của nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là vải thiều. Tuy nhiên, một số xã đã phá thế độc canh vải thiều để trồng na dai, cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Văn Huấn, 43 tuổi ở xã Tân Quang, chủ nhân 1 mẫu na dai đang cho thu hoạch kể rằng, sở dĩ anh “làm bạn” với cây na là do nhiều năm, vải quả rớt giá thê thảm, bán rẻ như cho.

Thế là anh quyết định chặt bỏ gần 100 gốc vải để chuyển sang trồng na dai. Vợ chồng anh lên thị trấn Đồng Bành (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) để mua giống na và "tầm sư học đạo" kỹ thuật trồng, chăm bón na.

Việc phá vải để trồng na khiến những năm đầu, khi cây na còn nhỏ, cuộc sống của gia đình rất chật vật. Dẫu cây na chưa cho trái, nhưng mấy năm sau cũng đã đỡ hơn nhờ thu nhập từ việc trồng xen các loại rau màu.

Khi cây na bắt đầu bói và cho quả thì kinh tế gia đình anh thực sự đổi đời, bởi nguồn thu từ đồi na mỗi năm mang tới cho anh hơn trăm triệu đồng, một số tiền mà khi trồng vải vợ chồng anh có mơ cũng không thấy.

Anh Huấn kể, mấy năm gần đây, khi cây na cho quả thì mức thu nhập năm sau đều cao hơn năm trước, do số lượng quả nhiều hơn.

Vì na thu rải rác trong khoảng vài tháng, không như vải chỉ vài chục ngày, nên công việc không chỉ nhàn hạ hơn mà còn tránh bị thương lái ép giá.

Nếu như vải lúc rộ mùa chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg, thì na lúc rẻ nhất cũng không có giá dưới 10.000 đồng/kg, đó còn chưa kể quả na hầu như luôn bán với mức giá ổn định, bởi ưu thế diện tích na chưa quá nhiều, người dân không ồ ạt trồng như cây vải...

Nhờ trồng na mà gia đình anh Huấn đã xây được ngôi nhà mái bằng hai tầng khang trang rộng rãi, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Hai đứa con, một trai một gái của anh chị cũng được đầu tư cho việc học hành một cách chu đáo. Hiện tại đứa con trai lớn của anh Huấn đang học năm thứ 2, ĐH Bách khoa Hà Nội , còn cô con gái út đang học cấp 3.

Cùng ở xã Tân Quang và cũng cùng đợt phá vải để trồng na như anh Huấn, là gần chục gia đình khác, trong đó phải kể tới nhà chị Lê Thị Lan (39 tuổi).

Được thừa kế từ bố mẹ chồng đồi vải gần 300 cây hơn chục năm tuổi, mỗi năm cho nguồn thu trăm triệu, nhưng chị Lan vẫn thuyết phục gia đình chặt bỏ vải để trồng na dai.

Học hỏi gương làm kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ anh Huấn, chị Lan và nhiều gia đình khác, không ít hộ dân ở huyện Lục Ngạn đã đưa cây na dai vào canh tác trên vùng đất gò đồi, nhằm thay thế vườn vải già cỗi.

Chị Lan nghĩ rằng với diện tích trồng vải cho thu nhập trăm triệu một năm, khi trồng na sẽ cho thu mấy trăm triệu. Chi li tính toán thu nhập từ cây vải, chia ra 12 tháng cũng chẳng còn bao nhiêu.

Và rồi chị Lan đã cũng chồng đi đến quyết định chặt toàn bộ số cây vải để trồng na. Những năm đầu, khi cây na còn nhỏ, chưa có thu nhập vợ chồng chị Lan cũng khá vất vả về kinh tế.

Quả là trời không phụ công, khi cây na cho trái, dẫu chỉ là những bói thôi mà tổng thu từ na đã hơn hẳn nguồn thu của cây vải trước đó. Những năm sau, sản lượng na tăng cao đem lại thu nhập cho gia đình chị mấy trăm triệu đồng/năm.

Chị Lan cho biết, tính đến nay mới là năm thứ 5 cây na cho quả vậy mà kinh tế gia đình tôi đã thay đổi hẳn lên. Xây được nhà, mua được nhiều vật dụng sinh hoạt, lo cho con cái học hành, lại có vốn tiết kiệm gửi ngân hàng.


Tận dụng bã mía nuôi tôm an toàn sinh học giúp cải thiện năng suất Tận dụng bã mía nuôi tôm an toàn… Nhiều triển vọng xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc Nhiều triển vọng xuất khẩu tôm sang Hàn…