Nấm rơm Trồng Nấm Rơm Theo Quy Trình Mới

Trồng Nấm Rơm Theo Quy Trình Mới

Publish date Wednesday. January 26th, 2011

Trồng Nấm Rơm Theo Quy Trình Mới

Long Mỹ là “cái nôi” trồng nấm rơm của tỉnh, hàng năm cung ra thị trường hàng ngàn tấn nấm, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Dù được xem là nghề phụ, nhưng trồng nấm có mức thu nhập khá cao so với làm lúa, nhất là từ khi áp dụng quy trình trồng theo kỹ thuật mới.

Bà Trần Thị Bé, ở ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ gắn bó với nghề trồng nấm rơm được 8 năm. Trước đây, bà Bé chỉ trồng theo tập quán cũ là mua rơm về chất đống, tưới nước ủ rồi đem ra chất nên năng suất mang lại không cao. Từ khi được tiếp cận kỹ thuật mới do ngành nông nghiệp tỉnh, Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao từ năm 2008 thì năng suất tăng vượt trội, từ đó lợi nhuận cũng không ngừng tăng thêm. Theo bà Bé, điểm mới của quy trình này là khi ủ rơm phải được kê kích lên để tận dụng được hết, không lãng phí phần rơm sát đất dễ bị hoai mục; rải vôi sau khi ủ để diệt vi khuẩn, dùng ống thông hơi để rơm không bị chua; ngoài ra còn dùng cao su trùm kín không để rơm bốc hơi ra bên ngoài. Nhờ vậy, nấm được chất ra chất lượng rất tốt, không bị èo uột như lúc trước.

Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa Hè thu thì gia đình bà Bé bắt tay vào làm nấm. Trung bình làm từ 15-20 ghe/vụ (khoảng 20 công rơm/ghe) và mỗi ghe lời khoảng 2 triệu đồng. Bà Bé nói: “Nếu trồng nấm rơm trong một vụ, thì lợi nhuận mang về tương đương làm 2 ha lúa trong vụ Thu đông, nên hầu hết bà con ở đây đổ xô nhau đi mua rơm về chất nấm. Giá nấm ổn định mức 11.000-12.000 đ/kg, được lái vào tận điểm thu mua, không còn cảnh ép giá nấm vì hầu hết các thành viên ở đây đều trong câu lạc bộ”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó trưởng Bộ môn cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ: Trồng nấm rơm theo kỹ thuật mới là phải có vỉ lót đáy để lượng rơm sát đất không bị hư. Ngoài ra, còn rải vôi diệt khuẩn để ngừa nấm dại tấn công; trùm cao su và ống hơi phần rơm ủ để giữ nhiệt độ, ẩm độ để rơm không bị khô do nắng bốc hơi và bị đọng nước ở giữa đống. Qua thực tế, kỹ thuật ủ mới này, năng suất nấm có thể tăng lên từ 70-75%. Cái lợi của người dân trồng nấm ở đây còn được chuyển giao kỹ thuật, kết nối thị trường tiêu thụ với các thương lái đầu mối nên giá bán ra cao hơn. Biết lựa chọn meo có chất lượng, năng suất ổn định, được hỗ trợ vốn sản xuất nên người trồng nấm cũng yên tâm. Thời gian qua, dự án đã đào tạo được 18 cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện, xã về kỹ thuật mới này để tiếp tục chuyển giao mô hình hiệu quả này đến người dân trong tỉnh.

Ông Năm Hung (Nguyễn Văn Hung), ở ấp Long Trị 1, xã Tân Phú là người có thâm niên trong nghề trồng nấm khoảng chục năm và vụ nấm này cũng không ngoại lệ. Ông Hung vừa chất được 2 ghe rơm, lợi nhuận thu về khoảng 4 triệu đồng. Do ít đất sản xuất, gia đình ông làm nấm quanh năm, hết rơm trong vùng, thì mua các huyện khác. Vào thời điểm trái vụ, ông xuống tận Sóc Trăng mua rơm. Ông Năm Hung cho biết: “Rơm sau khi chất khoảng 15-20 ngày thì thu hoạch, nhờ lấy công làm lời nên cuộc sống của gia đình rất ổn định. Hiện tại đang làm thí điểm theo quy trình mới, nếu năng suất, chất lượng đạt sẽ bỏ đi cách làm truyền thống”.

Chị Nguyễn Thị Bé, thành viên CLB trồng nấm rơm ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, trước đây chị Bé là hộ nghèo, không đất canh tác, nhưng nhờ làm nấm rơm mà có cuộc sống ổn định. Chị Bé tâm sự: “Thay vì phải đi làm thuê, làm mướn cho người khác, chi bằng mua rơm về rồi mướn đất chất nấm sẽ không bị phụ thuộc lại có việc làm quanh năm, thu nhập cũng khá hơn”. Từ đầu vụ lúa Hè thu đến nay, chị mua được 3 ghe rơm về chất, lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Chị Bé bộc bạch: “Nhờ vào CLB, nhất là khi có dự án VIE/020 bèo lục bình đầu tư tại đây, được hỗ trợ vốn sản xuất xoay vòng, được hướng dẫn kỹ thuật mới, nên nấm bán ra không bị ép giá. Trước đây, do thiếu vốn, thương lái ứng trước cho nên họ thu mua giá thấp hơn bên ngoài, mình cũng phải bán vì đã nhận tiền trước. Bây giờ, lái nấm chạy dập dìu dưới kênh không sợ ế vì mùa rơm đã sắp hết”.

Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trần Văn Kiệt cho biết, toàn xã có khoảng 1.000 hộ trồng nấm rơm, cung cấp thị trường hơn 1.000 tấn nấm mỗi năm. Đây là mô hình rất dễ thực hiện. Những hộ ít vốn, ít đất có thể trồng vì cho thu nhập cao, thậm chí còn lợi nhuận hơn nhiều so với làm lúa Thu đông, Hè thu. Từ mô hình này, đã góp phần rất lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo của xã. Tuy nhiên, những hộ trồng nấm ít đất, thiếu vốn sản xuất rất cần được sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, hỗ trợ kinh phí phát triển nghề trồng nấm rơm từ huyện, tỉnh. Hiện tại, địa phương đã thành lập CLB trồng nấm rơm, nếu sản xuất ổn định tới đây sẽ liên kết với các cơ sở chế biến nấm rơm xuất khẩu trong huyện tiến tới bao tiêu sản phẩm để đảm bảo đầu ra cho người dân.


Kỹ Thuật Trồng Nấm Rơm Bằng Khuôn Gỗ Kỹ Thuật Trồng Nấm Rơm Bằng Khuôn Gỗ Trồng Nấm Rơm Trong Nhà Phủ Nilon Trồng Nấm Rơm Trong Nhà Phủ Nilon