Mô hình kinh tế Trồng Nhãn Xuồng Cơm Vàng Theo Quy Trình VietGap

Trồng Nhãn Xuồng Cơm Vàng Theo Quy Trình VietGap

Publish date Monday. December 9th, 2013

Trồng Nhãn Xuồng Cơm Vàng Theo Quy Trình VietGap

Tại hội nghị tổng kết dự án “Ứng dụng hệ thống chất lượng xây dựng vùng sản xuất nhãn xuồng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc” diễn ra hôm 4-12, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, nếu dự án này được triển khai rộng rãi thì người dân sẽ được lợi nhiều mặt.

Sau khi áp dụng mô hình VietGAP vào vườn nhãn, môi trường đất và nước không bị ô nhiễm, độ an toàn thực phẩm cho người sử dụng được bảo đảm. Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng nhãn trước khi thu hoạch. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Theo thống kê của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, diện tích trồng nhãn xuồng cơm vàng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay là 265ha, trong đó có 241ha đã cho trái với năng suất gần 50 tạ/ha. Hai huyện Xuyên Mộc và Tân Thành được xem là những vùng trồng nhãn tập trung. Chỉ tính riêng tại huyện Xuyên Mộc đã có 79 ha, trong đó xã Hòa Hiệp có khoảng 60ha.

Qua khảo sát của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, các vườn nhãn tại xã Hòa Hiệp có quy mô trên 1ha chiếm hơn 40% và nhiều hộ có từ 3ha trở lên nên nhu cầu sản xuất và tiêu thụ ổn định là rất cần thiết. Vì vậy, Hòa Hiệp là địa phương được lựa chọn để xây dựng và chuyển giao mô hình sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo tiêu chuẩn VietGAP - một xu thế canh tác cây ăn quả phát triển bền vững.

Quy trình VietGAP cho rau quả tươi theo Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN gồm 12 nội dung: Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất; Giống và gốc ghép; Quản lý đất và giá thể; Phân bón và chất phụ gia; Nước tưới; Hóa chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật); Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; Quản lý và xử lý chất thải; Người lao động; Ghi chép lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; Kiểm tra nội bộ; Khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Sau 3 năm triển khai (2011-2013) mô hình sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo tiêu chuẩn nàytại xã Hòa Hiệp cho thấy: Trước khi áp dụng VietGAP, chất lượng và an toàn sản phẩm chưa được đa số nhà vườn quan tâm, tổn thất sau thu hoạch lớn và tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái trung gian... Sau khi áp dụng mô hình VietGAP vào vườn nhãn, những tồn tại trên đã được khắc phục.

Đất và nước khu vực trồng nhãn không bị ô nhiễm, sức khỏe người nông dân được bảo vệ và độ an toàn thực phẩm cho người sử dụng được bảo đảm. Việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thục vật theo VietGAP đúng cách và hiệu quả, tránh được lãng phí vật tư đầu vào, đồng thời góp phần hạ giá sản phẩm.

Về mặt xã hội, chương trình này đã nâng cao kiến thức của người nông dân và tiêu thụ an toàn thực phẩmtrong sản xuất. Đời sống nhà vườn ổn định hơn do hệ thống sản xuất và tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, người tiêu dùng được lợi rất lớn về sức khỏe khi sử dụng sản phẩm trái cây theo quy trình VietGAP.

“VietGAP được coi là chìa khóa để đưa nông sản của tỉnh nói chung và mặt hàng nhãn xuồng cơm vàng nói riêng ra thị trường với giá cao hơn. Chương trình sản xuất theo quy trình VietGAP không chỉ là tấm giấy chứng nhận phòng trào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà đây là cơ hội để thay đổi quy trình sản xuất hiệu quả bền vững hơn”- bà Phạm Thị Thúy Yến, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật khẳng định.

ÔNG ĐÀO VĂN HIẾU, CHỦ NHIỆM HTX DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP NHÂN TÂM, HUYỆN XUYÊN MỘC:

Canh tác theo xu hướng VietGAP là tất yếu

HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm đã thực hiện thành công mô hình VietGAP với nhãn xuồng cơm vàng và đang tiếp tục triển khai cho một số loại cây ăn trái khác. Cùng với thương hiệu “nhãn xuồng cơm vàng” và quy trình sản xuất VietGAP, sản phẩm của Nhân Tâm đã gia nhập được vào hệ thống phân phối quản lý rất chặt chẽ về nguồn gốc sản phẩm, độ an toàn cho người tiêu dùng cao như Metro, Big C, Co.opMart…Lợi ích từ việc canh tác theo hướng VietGAP là rất rõ ràng: Sức khỏe của người sản xuất, môi trường không khí, nguồn nước ngầm được bảo vệ an toàn.

Về hiệu quả kinh tế, mô hình này cũng cho hiệu quả cao hơn sản xuất thông thường, đầu ra của sản phẩm ổn định và không bị ép giá. Băn khoăn của người nông dân hiện nay chính là phần lớn người tiêu dùng chưa nhận biết được loại trái cây sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất thông thường nên giá thường bị cào bằng, dù chất lượng cũng như vấn đề an toàn thực phẩm không bảo đảm.

BÀ VŨ THỊ QUỲNH TRANG, CÁN BỘ CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT:

Nhiều nông dân muốn thử nghiệm

Khi thực hiện dự án “Ứng dụng hệ thống chất lượng xây dựng vùng sản xuất nhãn xuồng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc” người dân ở đây đã đồng tình ủng hộ và hăm hở thực hiện thử nghiệm. 6 hộ dân tham gia trực tiếp dự án này đều thực hiện đồng bộ các quy trình sản xuất nhãn VietGAP.

Tuy nhiên, người dân vẫn gặp trở ngại bởi việc sản xuất nông nghiệp VietGAP còn quá mới, đòi hỏi người nông dân phải thực hiện quy trình chăm sóc đồng bộ từ phân bón, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, đóng gói. Và quy trình này đều phải được ghi chép nhật ký và lưu thành hồ sơ.

Để nhân rộng mô hình này, trước mắt Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật đề nghị những hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP tiếp tục duy trì và thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định theo VietGAP; bảo đảm các điều kiện thực hiện mô hình và chủ động trong việc tái chứng nhận sản phẩm liên tục đạt tiêu chuẩn VietGAP.


Dâu Tây Rớt Giá Thê Thảm Vì Dâu Tây Trung Quốc Dâu Tây Rớt Giá Thê Thảm Vì Dâu… Hiện Trạng Và Triển Vọng Phát Triển Của Cây Sơ Ri Gò Công (Tiền Giang) Hiện Trạng Và Triển Vọng Phát Triển Của…