Tin nông nghiệp Trồng sen trên đất lúa

Trồng sen trên đất lúa

Author Trần Đăng - Trọng Ân, publish date Wednesday. July 3rd, 2019

Trồng sen trên đất lúa

Mô hình xuất hiện khá lâu, nhiều nông dân canh tác “1 vụ lúa + 1 vụ sen” trên đất gò hoặc “2 vụ sen” ở đất lung, đồng trũng trồng lúa còn khó khăn. Song, khi ứng dụng, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, chọn sản phẩm đáp ứng thị trường, thu hoạch hiệu quả mới cao, lợi nhuận gấp 2 – 3 lần so với lúa. 

Cánh đồng sen ở Tây Huề 1

Thu hoạch “1 trong 4”

Cánh đồng bờ Đông sông Hậu (An Phú) là nơi “phát pháo” đầu tiên trồng sen trên đất lúa, nông dân có rất nhiều kinh nghiệm trong việc canh tác loài cây “đa sản phẩm” này, như: Lá, bông, gương, ngó… cung cấp thị trường huyện nhà, chợ Châu Đốc, thậm chí đưa xuống tới Long Xuyên. “Trong mấy thứ đó, mình chọn một để tập trung chăm sóc, năng suất mới cao, lợi nhuận thu hoạch cũng tốt”- anh Lý Thanh Hùng (xã Vĩnh Lộc) chia sẻ. Có thể dựa vào nhu cầu thị trường, tạo ra sản phẩm “độc quyền”, tránh sự canh tranh nghề nghiệp, rồi phát sinh lựa chọn và giá cả lên xuống từng lúc.

Nông dân vùng đầu nguồn cho biết, cây sen ở đây “trị thủy” hiệu quả, thu hoạch quanh năm không sợ ngập lụt. Còn đối với Tứ giác Long Xuyên, cây sen lại “thắng” được phèn, nhất là vụ hè thu và mấy năm nước nổi tràn đồng. Đó là cánh đồng Cô Tô, diện tích đỉnh điểm lên đến hàng trăm công đất ở các ấp: Tô Phước, Tô Bình, Huệ Đức… Theo ông Huỳnh Văn Nhựt (ấp Huệ Đức), cánh đồng giáp Tân Tuyến hồi đó toàn là sen và chủ yếu thu hoạch lấy gương, tạo công ăn việc làm đáng kể cho số lao động vùng sâu, vùng xa, giúp nông dân sản xuất ổn định và không bỏ đất hoang hóa.

Hơn 5 năm trước, Định Thành phát triển mạnh việc trồng sen trên đất lúa, cánh đồng 2 bên Tỉnh lộ 943 có trên 600 công đất chuyên canh và luân canh, xem như vùng nguyên liệu cây sen lớn nhất ở Thoại Sơn, với cây giống thuộc loại sen hồng được mua từ miệt Tháp Mười, Cao Lãnh. Nông dân thu hoạch 2 loại sản phẩm chủ lực là gương và ngó. Tất nhiên, người canh tác phân chia khu vực để khai thác sản phẩm, chọn lựa “1 trong 4” để đầu tư kỹ thuật chăm sóc và giành thắng lợi nhiều năm liền. Rốt cuộc, đụng phải thị trường, giá cả lúc vầy lúc khác, khiến nông dân trồng sen ngao ngán.

Lợi nhuận cao

Nông dân trồng sen trên đất lúa, ai cũng nhận ra hiệu quả kinh tế từ trồng sen. Anh Thái Hữu Trí (xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) khoe, đang trồng 5 công sen lấy gương ở ven kênh Vĩnh Tế, thử nghiệm để ứng dụng chuyên canh. Hiện tại, gia đình tập trung chăm sóc 2,5 công sen lấy ngó, thu nhập ổn định 300.000đ-500.000đ/ngày, trừ chi phí còn lãi hơn 50%/ ngày. Đặc biệt, ruộng sen lấy ngó của anh Trí thu hoạch quanh năm, không phải thay giống sau chu kỳ nhất định như nhiều nhà nông thường canh tác. Đây cũng là “bí quyết” qua những lần tham quan, học tập kinh nghiệm từ thực tế của bạn nhà nông.

Vụ hè thu năm nay, cánh đồng khóm Tây Huề 1 (ven Tỉnh lộ 943, phường Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên) có hàng chục công đất trồng sen, đây là mô hình mới xuất hiện và có chiều hướng phát triển tốt ở ngoại thành Long Xuyên. Bởi, người trồng biết lựa giống thích hợp, kỹ thuật chăm sóc tốt, chọn sản phẩm thu hoạch phù hợp nhu cầu thị trường, lợi nhuận khá. “Với giá bán hiện tại, trồng sen lấy gương, lãi nhiều hơn trồng lúa. Song, công chăm sóc và thu hoạch cũng không đơn giản, nhất là phòng trị các loại sâu bệnh và diệt chuột"- anh Thái Bá Đương (khóm Tây Huề 1) cho biết. 

Cây sen lấy gương cao điểm trong vòng 2 tháng, anh Võ Thành Nguyên (khóm Tây Huề 1, phường Mỹ Hòa) trồng được 12 công, cách 2 ngày thu hoạch trên 400kg/đợt, giá bán hiện tại 10.000đ/kg. “Có được giá bán như vậy, người trồng sen lấy gương có hiệu quả kinh tế cao. Thay vì, đất gieo sạ lúa đông xuân, sang vụ hè thu mình trồng sen và để kéo dài đến thu đông. Tính ra, canh tác được 3 vụ/năm mà không cần đê bao triệt để”- anh Nguyên nói. Đó là sản xuất theo phương pháp “1 vụ lúa + 1 vụ sen”, còn dành thời gian làm đất và chọn giống mới, đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế hơn.


Trồng mè trên nền đất lúa Trồng mè trên nền đất lúa Luân canh sen trên đất lúa Luân canh sen trên đất lúa