Tin nông nghiệp Trồng thanh long ruột đỏ ở xứ nhút thu lãi trên 250 triệu đồng/ha

Trồng thanh long ruột đỏ ở xứ nhút thu lãi trên 250 triệu đồng/ha

Author Hữu Thịnh, publish date Saturday. July 21st, 2018

Trồng thanh long ruột đỏ ở xứ nhút thu lãi trên 250 triệu đồng/ha

Hiện nay, toàn huyện Thanh Chương có 30 mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, với tổng diện tích khoảng 20 ha. Thanh Long là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; mỗi ha thu lãi trên 250 triệu đồng.

Chị Trần Thị Hòa (xóm Bắc Sơn, xã Thanh Mai) thu hoạch thanh long ruột đỏ. Ảnh: Hữu Thịnh

Sau 4 năm chuyển đổi 1 ha diện tích đất trồng chè công nghiệp sang trồng cây thanh long ruột đỏ, gia đình chị Trần Thị Hòa ở xóm Bắc Sơn,  xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương có được nguồn thu cao hơn hẳn.

Chị Hòa cho biết: Thanh Long ruột đỏ là cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên năng suất cao và chất lượng tốt.  Với 600 gốc cho thu hoạch, năm nay, mỗi lứa hái gia đình tôi thu được gần 1 tấn, với giá bán tại vườn là 25.000 - 30.000 đồng/kg; thu nhập đạt trên 250 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Nhâm là nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng cây thanh Long ruột đỏ ở xã Thanh Mai, Thanh Chương. Anh cho biết: Mỗi năm, cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch khoảng 8 lứa quả, tập trung từ tháng 4 - 10 trong năm. Trong đó có 5 lứa nhiều quả và 3 lứa ít quả. Bình quân mỗi gốc thanh long thường cho thu hoạch từ 15 - 20kg.

Bình quân mỗi gốc thanh long thường cho thu hoạch từ 15 - 20kg. Ảnh: Hữu Thịnh

Theo anh Nhâm, để cây thanh long ruột đỏ cho năng suất cao, chất lượng tốt cần thực hiện đúng các kỹ thuật chăm sóc. Trồng thanh long cần có các cột trụ bê tông để cây leo, mỗi trụ trồng 3 - 4 cành giống. Khoảng cách giữa các cây là 2,5m và nên trồng nơi khô ráo có nhiều ánh nắng.

Đây cũng là loại cây ưa độ ẩm cao nhưng lại không chịu úng nên phải làm rãnh chống ngập, thường xuyên tưới nước, tủ gốc. Cây thanh long cần được chăm sóc làm cỏ, bón phân thường xuyên (sử dụng phân chuồng, hạn chế phân đạm); cắt tỉa cành và hoa đúng thời điểm.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, người dân xã Thanh Mai đã đưa vào trồng nhiều giống cây ăn quả mới như cam, bưởi... nhưng thanh long ruột đỏ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ông Hà Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương cho biết: Hiện nay toàn xã có 2 mô hình trồng thanh long ruột đỏ có diện tích 1ha trở lên. Quả thanh long ruột đỏ có vị ngọt thanh mát, màu sắc bắt mắt và tác dụng giải nhiệt trong những ngày nắng nóng được khách hàng ưa chuộng nên bán được giá hơn giống thanh long ruột trắng từ 5 - 7 nghìn. Thương lái thường đến tận các hộ trồng để thu mua, nông dân không phải mang ra chợ bán.

Thanh long ruột đỏ có vị ngọt thanh mát, màu sắc bắt mắt và tác dụng giải nhiệt trong những ngày nắng nóng, được khách hàng ưa chuộng. Ảnh tư liệu

Hiện nay, toàn huyện Thanh Chương đã có 30 mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ với tổng diện tích khoảng khoảng 20 ha; tập trung ở một số xã: Thanh Phong, Thanh Mai, Thanh Thủy, Thanh Liên…

Hiện các vườn thanh long ruột đỏ ở Thanh Chương đang nhộn nhịp vào mùa thu hoạch. Thanh long năng suất cao, được giá, đầu ra khá ổn định. Từ hiệu quả kinh tế bước đầu, mô hình trồng thanh long ruột đỏ đang mở ra cho nông dân Thanh Chương hướng phát triển kinh tế hiệu quả.


Trồng chanh trên đất ruộng thiếu nước Trồng chanh trên đất ruộng thiếu nước Ở Ấn Độ, việc thay đổi cây trồng có thể giúp tiết kiệm nước và cải thiện dinh dưỡng Ở Ấn Độ, việc thay đổi cây trồng…