Mô hình kinh tế Trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa lớn tăng mạnh

Trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa lớn tăng mạnh

Publish date Saturday. July 25th, 2015

Trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa lớn tăng mạnh

Tại Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, diễn ra ngày 22/7, tại Hà Nội, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, năng suất lúa đã tăng từ 56,4 tạ/ha lên 57,6 tạ/ha; ngô tăng từ 43 tạ/ha lên 44,1 tạ/ha; hồ tiêu từ 25 tạ/ha lên 26 tạ/ha, đặc biệt năng suất điều đã tăng từ 9,7 tạ/ha lên 12 tạ/ha...

Cùng với đó, cả nước đã xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; duy trì và mở rộng nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hoá tập trung quy mô lớn như vùng cao su-cà phê-điều-hồ tiêu (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên); vùng chè (Trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng); vùng cây ăn quả Nam Bộ, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Bắc Giang...

Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu đã chiếm lĩnh thị trường thế giới với giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng bình quân 42,8%/năm, hồ tiêu tăng 23%/năm, hạt điều tăng 16,5%/năm... đã góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, giảm tỷ lệ đói nghèo cho nông dân.

Tuy nhiên, với diễn biến thị trường hiện nay, có thể thấy rõ tốc độ tăng trưởng lĩnh vực trồng trọt chưa ổn định và đang có dấu hiệu sụt giảm với mức tăng 6 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt gần 2% so với mức tăng 3% và 3,2% của năm 2013, 2014.

Bên cạnh đó, do công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn hạn chế cùng với an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm còn nhiều bất cập đang là những nguyên nhân chính khiến sản phẩm trồng trọt gặp khó khăn tại thị trường nội địa và vấp phải nhiều rào cản khi thâm nhập vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản...

Riêng đối với tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, Cục Trồng trọt nhận định, sau quá trình triển khai, đến nay nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc đã tăng được tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao để phục vụ tiêu dùng trong nước, còn tại ĐBSCL cũng đã sử dụng khoảng 41% giống chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.

Cùng với đó, nhiều địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến; giảm lượng giống gieo sạ; giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới cũng như chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ngoài ra, đã có nhiều doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu gạo liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng tiêu thụ, cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật. Kết quả là từ năm 2013 đến hết vụ Đông Xuân năm 2015 đã có hàng ngàn mô hình cánh đồng lớn được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000 ha.

Ghi nhận những kết quả đạt được bước đầu nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thẳng thắn cho biết: “Nhìn chung, tỷ lệ gạo có chất lượng cao còn thấp đặc biệt là vùng ĐBSCL, giá thành sản xuất tương đối cao nên sản phẩm khó cạnh trạnh trên thị trường. Do đó tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo cần phải tiến tới tổng rà soát, thay đổi và điều chỉnh căn cơ các giải pháp, tăng tỷ lệ diện tích liên kết sản xuất theo chuỗi để xâm nhập mạnh hơn vào phân khúc gạo phẩm cấp cao của thị trường thế giới”.


Lâm Đồng nhập khẩu gần 30 triệu giống cây trong 6 tháng Lâm Đồng nhập khẩu gần 30 triệu giống… Bảo Yên (Lào Cai) có hơn 200 ha ngô phải chặt bỏ do nắng hạn Bảo Yên (Lào Cai) có hơn 200 ha…