Trồng vải thiều cho thu nhập cao ở Trường Xuân (Đắk Nông)
Thời gian đầu do thiếu kiến thức chăm sóc nên vườn cây cho trái ít. Song nhờ kiên trì tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên 2 năm nay vườn vải thiều đạt năng suất cao.
Ông Nuôi cho biết, qua tham quan vườn rẫy trồng cây ăn trái của nông dân các miền quê, thấy cách làm ăn này đem lại thu nhập cao, ổn định nên ông rất thích. Sẵn có vườn cà phê già cỗi, ông bàn với gia đình chặt bỏ để trồng vải thiều. Trong quá trình chăm sóc, cây vải thiều tỏ ra thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Cây sinh trưởng tốt và sang năm thứ 4 bắt đầu cho quả nhưng hiệu quả kinh tế không đạt như mong đợi. Vườn vải ra hoa không đều, trái ít, năm thứ 4 trở lên rồi nhưng chỉ đạt 5 - 6 tấn.
Ông cũng tìm hiểu các hộ dân trồng vải ở trên địa bàn xã thì thấy tình trạng này cũng xảy ra tương tự với tất cả các vườn vải của bà con trong bon. Ông cũng định phá bỏ nhưng nghĩ cây vải đã cho quả tức chất lượng giống đảm bảo, nguyên nhân năng suất thấp có thể là do khâu kỹ thuật của mình chưa đạt.
Do đó, năm 2013, ông đã trực tiếp xuống tận thành phố Hồ Chí Minh mời các kỹ sư chuyên ngành trồng cây ăn trái về tận vườn hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, bón phân, đồng thời tham quan các mô hình trồng vải hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm. Sau 1 năm áp dụng phương pháp kỹ thuật mới, năm 2014, năng suất vườn vải của ông Nuôi tăng cao hẳn, đạt năng suất 17 tấn.
Trong những ngày đầu tháng 6 này, gia đình ông Nuôi đang vào vụ thu hoạch vải. Ông Nuôi cho biết: “Năm nay, tôi đã nắm vững kỹ thuật nên cây nào cây nấy đều sai trĩu quả. Mỗi cây đều đạt từ 1 - 1,5 tạ, dự kiến năng suất cả vườn trên 18 tấn. Quả vải to, ngọt hơn và không bị sâu ở cuống nên thương lái thu mua rất hài lòng. Năm nay, giá vải 20 triệu đồng/tấn, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi được trên 300 triệu đồng”.
Rút kinh nghiệm sau những lần thất bại, hiện nay, ông Nuôi đã xử lý kỹ thuật cho vải ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Từ thực tiễn sản xuất và kỹ thuật nắm bắt được, ông chia sẻ kinh nghiệm rằng trồng được cây vải ở hướng gió và đất cằn vẫn đậu nhiều quả. Ở Tây Nguyên, cây vải thường ra hoa vào khoảng dịp tháng 11, 12 âm lịch và cho thu hoạch sau 4 tháng.
Mỗi năm, cây vải chỉ cho thu hoạch 1 lứa nhưng tuổi thọ có thể lên tới vài chục năm, có khi cả trăm năm và thời gian cho kinh doanh kéo dài, năng suất ổn định. Trong quá trình trồng, gia đình ông đã xử lý cho cây ra hoa đều, quy trình bón phân và tưới nước đầy đủ.
Ông Nguyễn Ngọc Kính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân cho biết: “Ông Nuôi là một nông dân rất cần cù, chịu khó lao động và chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mô hình vườn vải của gia đình ông Nuôi được địa phương đánh giá cao, góp phần chuyển đổi cây trồng ở địa phương và đang được nhiều người dân tham khảo, học tập kinh nghiệm”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao