Tự làm phân vi sinh, nhà nông lợi nhiều bề
Hơn 3 năm nay, Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Nam và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ gần 3.000 nông dân của 60 xã điểm xây dựng nông thôn mới tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh, giàu chất dinh dưỡng từ các phế phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn...
Dễ làm, chi phí rẻ
Ông Lê Văn Phú - Phó Trưởng ban Kinh tế-xã hội, Hội ND tỉnh Quảng Nam cho biết, qua hơn 3 năm triển khai chương trình hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh (HCVS), Hội đã tổ chức được 60 lớp tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn cho gần 3.000 nông dân của 60 xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Theo đó, chương trình đã cấp miễn phí 10.976kg chế phẩm men ủ và men vi sinh chức năng cho nông dân, bình quân mỗi hộ 4kg. Đến nay, nông dân tự sản xuất được 2.367 tấn phân HCVS để bón cho cây trồng các loại.
Quy trình để sản xuất phân HCVS đơn giản, vì nguyên liệu đều có sẵn ở mỗi gia đình như rơm rạ, lá cây, phân gia súc, gia cầm... Cách ủ phân dễ làm. Ban đầu đào hoặc xây một cái hố sâu chừng 0,9m, dài 1,2m, rộng 1m rồi bỏ nguyên liệu phế phẩm nông nghiệp đã trộn sẵn với dung dịch vi sinh vào theo từng lớp. Mỗi lớp khoảng 10-15cm rồi rải một lớp men vi sinh, sau đó dùng tấm bạt phủ kín trong khoảng 20-30 ngày là ra phân hữu cơ. Mỗi gói men là 1kg, giá 160.000 đồng, sẽ sản xuất ra 1 tấn phân HCVS. Giá thành 1kg phân HCVS sản xuất ra chi phí khoảng gần 1.000 đồng, thấp hơn từ 2,5 - 3 lần giá phân cùng loại bán ngoài thị trường mà chất lượng không hề thua kém.
"Thời gian tới, Hội ND sẽ kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thành phố tiếp tục hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình sản xuất phân HCVS tại các xã trên địa bàn tỉnh”.
Ông Lê Văn Phú - Phó Trưởng ban Kinh tế-Xã hội Hội ND tỉnh Quảng Nam
“Hầu hết nông dân tham gia các lớp tập huấn hưởng ứng tích cực, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng chế phẩm vi sinh tự sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng, góp phần tạo ra nông sản an toàn…” - ông Lê Văn Phú khẳng định.
Nông dân phấn khởi
Anh Nguyễn Hồng Hà ở xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ là người được tập huấn và hỗ trợ men vi sinh để sản xuất phân HCVS để trồng lúa, lạc. Việc sử dụng phân HCVS tự làm đã giúp cây lúa, lạc của gia đình anh Hà ít bị sâu bệnh, tỷ lệ ra hạt nhiều, chắc cao hơn so với sử dụng phân thông thường hay dùng. “Việc nông dân chúng tôi tự tay làm được phân HCVS là hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững. Nhờ được tập huấn sản xuất phân HCVS mà 3 năm nay lúa, lạc của gia đình tôi cho năng suất, chất lượng cao hơn…” – anh Hà thổ lộ.
Ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội ND xã Tam Thăng cho biết: “Hiện xã có 30 hộ nông dân tự sản xuất phân HCVS để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua các đợt khảo sát, thấy phân HCVS mà nông dân sản xuất ra rất có lợi, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, cải tạo đất tốt, cây trồng hấp thụ dễ dàng và cho năng suất, sản lượng cao. Đối với các cây công nghiệp, lúa hoặc cây ăn quả, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân HCVS. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn thêm cho nông dân để có nhiều hộ tự sản xuất phân HCVS…”.
Theo ông Lê Văn Phú, với việc sử dụng phân HCVS, người nông dân vừa tiết kiệm tiền từ việc đầu tư phân bón, vừa thu gom lượng rơm, rạ, phân chuồng, các loại phế phụ phẩm có sẵn khác trong nông nghiệp và giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm cho vùng nông thôn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao