Mô hình kinh tế Tự Sản Xuất Khoai Tây Giống, Tiết Kiệm Tiền Tỷ

Tự Sản Xuất Khoai Tây Giống, Tiết Kiệm Tiền Tỷ

Publish date Saturday. February 15th, 2014

Tự Sản Xuất Khoai Tây Giống, Tiết Kiệm Tiền Tỷ

Hằng năm, ngành nông nghiệp nước ta bỏ ra một lượng ngoại tệ không nhỏ chỉ riêng cho việc nhập khẩu giống khoai tây. Có một dự án đang được triển khai không những có thể giúp giảm thiểu chi phí này mà còn hứa hẹn thúc đẩy ngành sản xuất khoai tây theo hướng hàng hóa.

Đó là Dự án "Nghiên cứu hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất củ giống khoai tây chế biến bắt nguồn từ công nghệ nuôi cấy mô kết hợp với công nghệ khí canh", do các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tiến hành.

Tiết kiệm hàng chục tỷ đồng

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam phải nhập hàng nghìn tấn giống khoai tây cấp xác nhận (giống được nhân từ hạt giống nguyên chủng, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định) từ các nước Hà Lan, Đức, Australia với giá xấp xỉ 0,8 USD/kg. Như vậy, ít nhất chi phí mỗi năm là 800.000 USD cho chỉ 100.000 tấn khoai giống. Chưa kể, có tới 70% lượng giống đang sử dụng được nhập nội chủ yếu theo con đường không chính thức, có chất lượng kém.

Trong khi đó, hệ thống sản xuất trong nước theo hướng của dự án nói trên có thể cho ra đời khoảng 2 triệu củ giống gốc mỗi năm, 150 tấn giống nguyên chủng và 1.000 - 1.200 tấn giống xác nhận có chất lượng tương đương nhập nội, sẽ tiết kiệm khoảng 1 triệu USD tiền nhập giống (tương đương 20 tỷ đồng).

GS.TS. Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh học nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết: Xuất phát từ kết quả của một số đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học của Viện đã nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống khoai tây sạch bệnh.

Kết quả nghiên cứu khẳng định việc tổ chức sản xuất tại chỗ củ giống sạch bệnh là hoàn toàn khả thi, đồng thời đã đề xuất được quy trình. Mục tiêu của Dự án là làm tiền đề cho việc hình thành hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tại Việt Nam. Trên cơ sở công nghệ đã được hoàn thiện và chuyển giao thành công, Dự án đề xuất với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hình thành chương trình giống khoai tây, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất một cách chủ động và bền vững.

Sau gần hai năm thực hiện, Dự án đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tính đến tháng 6/2013, các nhà khoa học đã lựa chọn được bộ giống khoai tây thích hợp cho chế biến. Đó là các giống khoai tây Atlantic, Megechip, Beacon chipper.

Hàm lượng chất khô của các giống từ 21-23%, tinh bột từ 18-21%, đường khử 0,025-0,035%, phù hợp với tiêu chuẩn cho chế biến. Cũng trong thời gian qua, nhóm dự án đã tìm ra điều kiện khử trùng tốt nhất đối với mầm cây khoai tây, nền môi trường thích hợp nhất đối với sinh trưởng của mầm mẫu, điều kiện xử lý ra củ, độ tuổi cây thích hợp cho việc xử lý ra củ...

Tiến tới sản xuất theo hướng hàng hóa

Các nhà khoa học đã tiến hành điều tra xác định vùng cách ly để sản xuất củ giống khoai tây và lựa chọn nơi thích hợp nhất là Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Đây là vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp với khoai tây, nguồn nhân lực dồi dào, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, địa phương có chính sách rõ ràng cho việc định hướng phát triển sản xuất cây khoai tây theo hướng hàng hóa nói chung, cho công nghiệp chế biến nói riêng và rất chú trọng đến việc xây dựng hệ thống sản xuất giống tốt.

Với mô hình sản xuất củ giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận giống khoai tây chế biến đã được xây dựng, nhóm dự án đã triển khai ứng dụng kết quả vào thực tế. Kết quả thu được rất khả quan với 9,8 vạn cây giống gốc phục vụ cho sản xuất củ siêu nguyên chủng; 1 triệu củ mini sạch bệnh để sản xuất củ giống nguyên chủng; 90 tấn củ giống nguyên chủng dành cho sản xuất củ giống cấp xác nhận; 200 tấn củ giống xác nhận đã ra đời.

Nói về khả năng ứng dụng của kết quả nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Thị Lý Anh, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp cho biết: Với khả năng góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc về giống khoai tây tại không ít địa phương, công nghệ sản xuất khoai tây giống sạch bệnh này đã thu hút sự quan tâm, đón đợi của nhiều đơn vị nghiên cứu, sản xuất như các Sở KH&CN Lạng Sơn, Thái Bình, Trung tâm Giống cây trồng Quảng Ninh…

Hiện các đơn vị này đang đợi được chuyển giao công nghệ. Bên cạnh các địa phương, nhiều doanh nghiệp như Công ty Cường Tân, Nam Định, Công ty Đà Lạt GAP, Công ty ORION đang đề nghị phối hợp để sản xuất kinh doanh củ giống khoai tây chế biến. Trước mắt, dự án đã chọn Công ty Cường Tân và Công ty Đà Lạt GAP làm thành viên của Dự án. Theo tính toán của các nhà khoa học, sau khi giải quyết được nhu cầu về giống, khoai tây sẽ trở thành cây trồng chính ở vụ đông tại Đồng bằng Bắc bộ và là ngành sản xuất hàng hóa quan trọng.

Với tiềm năng thực sự có thể đạt đến 200.000 ha, năng suất 15 tấn/ha, trong vòng 3 tháng của vụ đông ngắn ngủi, chúng ta đã có thể thu được 3 triệu tấn củ. Về lâu dài, nguồn lương thực này sẽ thúc đẩy ngành sản xuất khoai tây hàng hóa phục vụ cho công nghiệp chế biến, giữ khoai tây là cây trồng chiến lược quan trọng trong cơ cấu cây trồng vụ đông ở Việt Nam.


Nông Dân Phú Yên Vất Vả Diệt Chuột Nông Dân Phú Yên Vất Vả Diệt Chuột Đàn Bò Ở Thái Nguyên Tăng Gần 1.400 Con So Với Cùng Kỳ Đàn Bò Ở Thái Nguyên Tăng Gần 1.400…