Tin nông nghiệp Tưới tiết kiệm, lợi nhuận tăng 2,3 - 4 triệu đồng/ha

Tưới tiết kiệm, lợi nhuận tăng 2,3 - 4 triệu đồng/ha

Author Lê Hoàng Vũ - Hữu Đức, publish date Saturday. November 20th, 2021

Tưới tiết kiệm, lợi nhuận tăng 2,3 - 4 triệu đồng/ha

Dự án VnSat phổ biến, hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ tưới tiết tiệm, kỹ thuật canh tác "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng", giúp giảm chi phí sản xuất.

Đến nay, VnSat An Giang đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” cho 23.000 lượt nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chủ động bơm, giám sát nước bằng IoT

Từ vụ lúa đông xuân (ĐX) 2018 - 2020, Dự án VnSat An Giang đã hỗ trợ HTX Tân Lợi, huyện Tịnh Biên (An Giang) triển khai mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ IoT (internet vạn vật) cho 3 ha sản xuất lúa. Qua nhiều vụ áp dụng công nghệ IoT, đều được nông dân hài lòng vì hiệu quả mang lại tốt, giúp tiết kiệm được chi phí bơm tưới và bảo đảm cuối vụ lúa cho năng suất cao.

Ông Lê Thanh Long, Giám đốc HTX Tân Lợi (xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên) nhận xét: Có hơn 25 trong nghề canh tác lúa, đặc biệt từ khi được VnSat An Giang hỗ trợ canh tác lúa theo công nghệ IoT, nông dân khỏe ở nhiều mặt và giảm chi phí như công lao động, giảm tiền thuê máy bơm nước vào ruộng, quản lý được cỏ dại hiệu quả. Đặc biệt, canh tác lúa theo sự quản lý của IoT có thể giúp nông dân giảm cả phân bón và thuốc BVTV...

Theo ông Long, trước đây, HTX làm lúa thấy nước trong đồng thấp là mang máy ra bơm vào ruộng hay đến cữ bón phân là cho nước vào ruộng nhưng nông dân phải thường xuyên ra đồng để kiểm tra mực nước cao hay thấp, và cũng không biết mực nước bao nhiêu là phù hợp, nhất cho cây lúa ở từng giai đoạn.

Từ khi áp dụng IoT, nông dân chỉ cần ở nhà hay bận đi công chuyện xa hàng trăm cây số, chỉ cần mở điện thoại ra mọi lúc mọi nơi là có thể kiểm tra được và kích hoạt máy bơm nếu cần. Từ đó, có thể điều tiết mực nước trong ruộng một cách hợp lý nhất.

Cảm biến đo mực nước cũng chính xác hơn bằng mắt thường. Với công nghệ IoT, người làm lúa tiết kiệm được chi phí bơm nước mà lúa vẫn cho năng suất cao hơn so với cách sản xuất truyền thống trước đó.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSat An Giang cho biết: Bước đầu ở HTX Tân Lợi, sản xuất lúa ứng dụng IoT đã mang lại hiệu quả tốt. Để ứng dụng IoT trong tiết kiệm nước được áp dụng rộng rãi, VnSat An Giang cùng Trung tâm Khuyến nông An Giang đã tranh thủ được kinh phí từ Chương trình Nông thôn mới của tỉnh để thực hiện tiểu dự án mở rộng áp dụng IoT trong tưới ướt - khô xen kẽ với quy mô lớn hơn.

Tiểu dự án này đã tổ chức tập huấn cho trên 30 nông dân và trình diễn 5 mô hình ở HTX Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn) trong 2 vụ lúa thu đông và ĐX từ 2019 - 2020. Kết quả, lượng nước bơm tưới giảm trung bình 30%, năng suất lúa cao hơn 0,4 tấn/ha và lợi nhuận tăng 2,3 - 4 triệu đồng/ha so với đối chứng tưới ướt - khô xen kẽ thông thường.

Giảm mạnh chi phí vật tư

An Giang là một trong 8 tỉnh ở ĐBSCL tham gia hợp phần lúa gạo của Dự án VnSat tại với vốn đầu tư 16,218 triệu USD, trong đó, vốn ODA 9,647 triệu USD và ngân sách nhà nước tỉnh 2,365 triệu USD, còn lại là đối ứng của tư nhân 4,2 triệu USD.

Dự án VnSat tỉnh An Giang được thực hiện tại 5 huyện (45 xã) bao gồm: Châu Phú (8 xã), Thoại Sơn (13 xã), Tịnh Biên (11 xã), An Phú (7 xã) và Tri Tôn (6 xã) với tổng số 26.018 hộ tham gia, trên diện tích 38.602 ha. Tỉnh An Giang được phân bổ vốn thực hiện dự án với nguồn ODA 9,6 triệu USD (208 tỉ đồng) và vốn đối ứng ngân sách nhà nước tỉnh 50,8 tỷ đồng.

Ở An Giang, dự án triển khai từ vụ thu đông năm 2016 tại 45 xã thuộc 5 huyện gồm Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú và Tri Tôn với 26.000 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi trên địa bàn với diện tích 38.600 ha.

Tính đến năm 2020, VnSat An Giang đã có 17.000 ha được áp dụng thành công các giải pháp canh tác tiên tiến, diện tích canh tác có liên kết tiêu thụ sản phẩm là 5.600 ha, từ đó tăng thu nhập cho người trồng lúa lên 30%. Đến nay, tỉnh An Giang cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu phát triển của dự án, tuy nhiên, Ban Quản lý Dự án vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cho giai đoạn gia hạn để hoàn thiện dự án sớm trước tháng 6/2022.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSat An Giang cho biết: Từ đầu dự án đến nay, Ban Quản lý Dự án VnSat An Giang đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” cho 23.000 lượt nông dân thông qua 750 lớp đào tạo tập huấn trên diện tích 35.500 ha.

Song song đó, thực hiện 100 điểm trình diễn phục vụ các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa. Các xã tham gia Dự án VnSat đã giúp nông dân giảm đáng kể lượng lúa gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó thu nhập từ sản xuất lúa của bà con vùng dự án tăng 22,3%.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án VnSat An Giang cũng tăng cường các điểm trình diễn “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để nông dân chứng kiến kết quả thực tế của kỹ thuật mới. An Giang đã tổ chức 100 điểm trình diễn “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” với gần 6.000 người tham dự, tăng 30 điểm so kế hoạch.

Đồng thời, Dự án còn đưa những kỹ thuật mới này đến cộng đồng nông dân sâu rộng, thông qua tổ chức các hội thảo truyền thông về Dự án để thúc đẩy sự lan toả kỹ thuật sản xuất theo “1 phải 5 giảm”. Cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2020, đã tổ chức được 44 hội thảo truyền thông về Dự án VnSat và kỹ thuật “1 phải 5 giảm” với 2.340 người tham dự.

Tiết kiệm chi phí bơm nước, lúa tăng năng suất

Tham gia dự án VnSat, nhiều nông dân trong các tổ hợp tác sản xuất, HTX nông nghiệp chuyên canh cây lúa tại TP Cần Thơ thừa nhận hiệu quả, lợi nhuận thu được gia tăng sau mỗi vụ. Trong đó nhờ áp dụng những kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và tưới nước tiết kiệm IoT để quản lý nước trên đồng ruộng là minh chứng cụ thể nhất giúp nhà nông tiết giảm chi phí cho canh tác, cuối vụ lúa lại cho năng suất cao.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Thông qua sự hỗ trợ của Dự án VnSat, năm 2014, tất cả 40 hộ nông dân thành viên trong HTX đã bắt đầu áp dụng kỹ thuật tưới nước ngập - khô xen kẽ trên toàn bộ diện tích 340 ha. Qua mấy vụ đầu thử nghiệm, bà con thấy dễ làm, áp dụng đơn giản trong việc điều tiết nước, giảm lượng nước cung cấp cho cây lúa khoảng 50% so với trước đây.

Nhưng thật ngạc nhiên, quan sát cây lúa sinh trưởng vẫn tươi tốt bình thường. Lợi ích thấy được là năng suất lúa từ ngang bằng và cao hơn trước do lúa cứng cây, không đổ ngã. Các đơn vị khách hàng đặt hàng lúa rất ưng ý vì lúa chất lượng, chắc hạt. Kỹ thuật tiết kiệm nước, xiết nước còn giúp cây lúa ít sâu bệnh, rễ ăn sâu hơn nên ít dùng phân, thuốc BVTV.

Từ khi HTX áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm cho cây lúa, chi phí bơm tưới giảm rất nhiều cho cả 3 vụ lúa ĐX, hè thu và cả vụ thu đông. Hiện mỗi vụ HTX Khiết Tâm chuyên sản xuất lúa giống xác nhận theo tiêu chuẩn đặt hàng của các đơn vị như giống OM5451, OM18 và Đài Thơm 8… với sản lượng khoảng 2.500 tấn/vụ.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Cần Thơ, toàn Thành phố có 31 HTX nông nghiệp thuộc quận Thốt Nốt và 3 huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh tham gia Dự án VnSat với tổng diện tích sản xuất lúa 28.000 ha.

Kỹ thuật tưới nước tiết kiệm được phổ biết rộng rãi, nông dân nhận ra hiệu quả, lợi ích vì giảm được chi phí bơm tưới khoảng 30% so với trước đây. Trong khi đó, về mặt hiệu quả sản xuất vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng lúa.

Canh tác lúa áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” của Dự án VnSat đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và chính nông dân sản xuất lúa.


Bọ trĩ và cách phòng trị Bọ trĩ và cách phòng trị Tỷ phú công nghệ châu Á ra mắt hai siêu phẩm flycam trồng trọt Tỷ phú công nghệ châu Á ra mắt…