Mô hình kinh tế Tỷ phú lan mokara vùng đất thép

Tỷ phú lan mokara vùng đất thép

Author Trần Hoàn, publish date Tuesday. November 12th, 2019

Tỷ phú lan mokara vùng đất thép

Hoa sẽ rực rỡ khắp vùng đất thép Củ Chi, người nông dân vươn lên làm giàu ngay trên quê hương của mình... Ước mơ của Lê Dũng, chàng kỹ sư đam mê trồng lan đã dần trở thành hiện thực. Anh không chỉ thành công với vườn lan của mình mà còn hỗ trợ nhiều người cùng trồng hoa, tạo cuộc sống mới trên vùng đất thép.

Chúng tôi tìm đến vườn lan Lộc Phát của ông chủ Lê Dũng (ảnh). Vườn rộng thênh thang, hoa lan đua nhau khoe sắc. Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn, anh Dũng vui vẻ cho biết: vườn rộng đến 100.000 m2, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu 5.000 - 6.000 cành mỗi ngày.

Lê Dũng học xây dựng nhưng bén duyên với hoa lan vì lẽ đam mê nông nghiệp, anh kể: “Đất Củ Chi khô cằn nhưng làm nông bằng sự quyết tâm, đất sẽ không phụ người”. Câu chuyện trồng lan của anh bắt đầu hơn 15 năm trước, khi đó anh mạnh dạn trồng thử nghiệm 3.000 m2 giống lan mokara trong khi nhiều người tập trung vào lan dendrobium đang tạo sức hút. Thời điểm đó, trồng lan mokara còn khá mới mẻ ở Củ Chi, anh như người đi ngược hướng. Vì thế từ kiến thức đến kinh nghiệm đều không có, anh Dũng ngày chăm sóc vườn lan, đêm mày mò tìm hiểu. Như bắt tay vào trò chơi thí nghiệm, anh ghi chép lại từ việc chăm sóc, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh cho từng giai đoạn của cây, từng loại thuốc, liều lượng qua mỗi lần sử dụng. Nhật ký trồng lan dày lên nhưng thành công vẫn chưa đến. Có khi tìm được tài liệu hướng dẫn nhưng lại không áp dụng được với điều kiện khí hậu khắt nghiệt ở Củ Chi.

Những bài học từ thất bại ban đầu của việc trồng lan khiến anh thua lỗ nặng, thế nhưng anh không nản chí, vợ chồng anh lại đồng lòng vượt khó, quyết tâm gầy dựng lại. Anh Dũng chia sẻ: “Do ban đầu thiếu kiến thức nên khi giống nhập không chuẩn, cây ra hoa không đúng với giống, hoa không đạt chất lượng. Thế là mất thêm một năm để học hỏi và tìm hiểu”. Gian khó không nản lòng, cuối cùng những cành lan mokara trổ hoa đạt chuẩn, khoe sắc thắm trong nắng mai.

Cái khó về kỹ thuật trồng lan đạt đã qua, khó khăn khác lại đến. Đó là tìm nơi tiêu thụ, lại một hành trình nan giải. Lúc đầu bán cho thương lái, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào họ, những lúc hoa nở rộ thương lái không chạy được hàng, không thu mua khiến anh mất ăn mất ngủ. Anh trăn trở làm sao để những cành hoa lan đạt chuẩn được tiêu thụ tốt, được nhiều nơi đặt hàng, không phụ thuộc nhiều vào thương lái… Vợ chồng anh Dũng bắt đầu công việc tiếp thị, chạy khắp nơi từ Nam ra Bắc quảng bá hoa lan. Vất vả nhưng thành công, anh bắt đầu có đơn đặt hàng và giao trực tiếp cho chợ đầu mối số lượng lớn như chợ hoa Hồ Thị Kỷ (TP.HCM), chợ hoa Quảng An, chợ hoa Nghi Tàm (Hà Nội).

Nắm vững kỹ thuật, có nơi tiêu thụ tốt, cây lan mokara cho hiệu quả kinh tế cao nên vợ chồng anh Dũng bắt đầu có ý định mở rộng quy mô vườn lan, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Vấn đề lại là nguồn vốn đầu tư vì chi phí đầu tư cho lan mokara khá lớn. Quyết tâm làm lớn, vợ chồng anh gom vốn tích lũy, đồng thời tìm hiểu chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố. Anh Dũng quyết định làm hồ sơ vay vốn mở rộng vườn lan, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa.

Hiện tại, vườn lan của anh Dũng đã mở rộng diện tích lên đến 100.000 m2, tổng chi phí đầu tư 45 tỷ đồng (bình quân khoảng 450 triệu đồng/1.000 m2). Ứng dụng công nghệ mới, chất lượng tăng cao đã tạo nên uy tín và khẳng định thương hiệu “Vườn lan Lộc Phát” trên thị trường. Vườn lan của anh Dũng trồng chuyên giống mokara với 10 màu sắc khác nhau. Giá hoa mokara tùy thuộc theo mùa, theo màu sắc, trung bình bán được 8.000 đồng/cành, có những dịp lễ tết cao điểm có thể lên tới

12.000 đồng/cành. Số lượng giao mỗi ngày 5.000 - 6.000 cành. Vườn lan của vợ chồng anh Dũng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động, hỗ trợ cho 10 công nhân làm việc toàn thời gian.

Tỷ phú hoa lan Lê Dũng trở thành điển hình đột phá làm nông nghiệp thành công trên vùng đất thép Củ Chi. Anh cho rằng, trồng lan nếu áp dụng kỹ thuật và chăm sóc đúng cách thì cho hiệu quả kinh tế cao. Cây trồng khoảng 8 tháng ra hoa, để có vườn lan mokara đẹp, hiệu quả cao cần chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây hàng ngày, chú ý đến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, các loại dịch bệnh cũng như các loại dinh dưỡng cần cung cấp cho cây. Giống lan mokara không chịu được nắng 100%, sử dụng màng lưới chống nắng 50% và điều này cũng giảm tác động ảnh hưởng đến cây khi thời tiết vào những mùa mưa và sương nhiều.

Từ kỹ sư xây dựng, anh Lê Dũng vươn lên thành ông chủ một nông trại lớn tại TP.HCM. Thành công ấy không phải ngẫu nhiên mà trải qua nhiều thử thách. Chịu khó học hỏi để hiểu được vùng đất và đặc tính cây trồng mới. Biết nắm bắt cơ hội đầu tư mở rộng vườn lan, anh Dũng đã biến vùng đất thép nở hoa thơm, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.


Bỏ phố ra bìa rừng trồng rau sạch thu hơn trăm triệu/tháng Bỏ phố ra bìa rừng trồng rau sạch… Cho tôm ăn tỏi, nông dân Nghệ An thu lãi nửa tỷ đồng mỗi vụ Cho tôm ăn tỏi, nông dân Nghệ An…