Mô hình kinh tế Tỷ phú nuôi bò công nghệ cao

Tỷ phú nuôi bò công nghệ cao

Author Khánh Phúc, publish date Wednesday. August 7th, 2019

Tỷ phú nuôi bò công nghệ cao

Từ 2 con bò sữa ban đầu, đến nay, ông Lê Minh Tuấn, Tổ dân phố 13, phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) đã có trong tay đàn bò gần 150 con và mang lại nguồn lợi nhuận từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm.

Ông Tuấn đang chăm sóc đàn bò tiền tỷ của gia đình. Ảnh: K.Phúc

Trước đây, với 2 ha đất nông nghiệp trồng cà phê, thu nhập của gia đình ông Tuấn cũng thuộc diện khá giả ở địa phương. Song, để vươn lên làm giàu chừng ấy diện tích cà phê là chưa đủ nên ông luôn trăn trở tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2013, từ nguồn vốn tích góp bấy lâu, ông Tuấn quyết định đầu tư 120 triệu đồng mua 2 con bò sữa về nuôi để chuyển hướng gây dựng cơ nghiệp. “Với 2 con bò sữa, sau 1 năm chăm sóc thì ngoài số tiền hơn 100 triệu đồng thu được từ bán sữa, tôi còn lời thêm 2 con bê. Nhận thấy nuôi bò là hướng đi đúng, tôi đã quyết định cầm cố đất đai, nhà cửa vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng để đầu tư nuôi bò”, ông Tuấn cho biết.

Nói là làm! Ông Tuấn bắt tay chặt bỏ 2 ha cà phê chuyển qua trồng cỏ voi nuôi bò. Cùng với đó, ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại khép kín. Hệ thống chuồng trại được ông xây dựng trên diện tích hơn 2 sào, thiết kế thoáng mát, với các trang thiết bị chiếu sáng, hệ thống làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa lạnh. Đặc biệt, xung quanh trang trại đều được ông đầu tư lưới bắt ruồi, muỗi để bảo vệ đàn bò. Ngoài ra, ông còn đầu tư thêm hệ thống âm thanh, máy cắt cỏ, máy nghiền phối trộn thức ăn, máy vắt sữa... và đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng mua 28 con bò sữa về nuôi. Để chắc chắn đầu ra, ông Tuấn đã chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm sữa với Công ty Vinamilk.

Theo ông Tuấn: “Bất kể nghề gì, để có được thành công thì đòi hỏi mình phải kiên trì, chịu khó, thậm chí phải nếm cả “trái đắng” vì thất bại. Lúc đầu mới nuôi, tôi cũng gặp không ít khó khăn, bởi bò sữa là loại động vật khá kén thức ăn. Đặc biệt, nếu không có các biện pháp phòng, chống thì bò hay bị bệnh viêm vú, ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Song, chính sự kiên trì học hỏi đã giúp tôi nhận ra bò sữa cần phải duy trì các chế độ ăn hợp lý theo các thời kỳ lấy sữa và nuôi thai. Đồng thời, chăn nuôi bò sữa cũng đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao, có tính công nghiệp cao, quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, phải cho ăn đúng giờ, đầy đủ chất dinh dưỡng, nắm chắc các loại bệnh để khống chế, đặc biệt là các bệnh về vú và sinh sản”. 

Nhờ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và chăn nuôi đúng quy trình, đến nay, đàn bò sữa của ông Tuấn đã tăng lên hơn 70 con. Nhờ vậy, đều đặn luân phiên hàng tháng, ông luôn có từ 25 - 30 con bò cho sữa, với năng suất đạt từ 25 - 30 lít sữa/ngày/con. Hiện tại, toàn bộ sữa từ trang trại của ông Tuấn đều được Công ty Vinamilk ký hợp đồng bao tiêu, với mức giá 15 ngàn đồng/lít.

Ngoài đàn bò sữa, ông Tuấn còn đầu tư mở rộng trang trại nuôi thêm hơn 80 con bò chuyên lấy thịt, nâng tổng số đàn bò lên hơn 150 con. Đàn bò thịt của ông Tuấn chủ yếu nuôi các giống bò ngoại nhập siêu thịt như 3B (BBB), Brahman và Red angus thuần chủng của Úc và bò Chorolais của Pháp. Để vỗ béo đàn bò siêu thịt, ông Tuấn đã chọn cách chăm sóc bò theo quy trình TMR - Total Mixed Ration (quy trình phối trộn thức ăn hỗn hợp cho bò). Với quy trình này, hàng ngày, đàn bò thịt được cung cấp đầy đủ các chủng loại thức ăn cần thiết (thô, tinh và bổ sung…) có đầy đủ chất dinh dưỡng (năng lượng, prôtein, khoáng và vitamin…). Tất cả đều được ông Tuấn trộn lẫn với nhau và cho bò ăn cùng lúc. Ông Tuấn cho biết: “Với quy trình TMR mà tôi áp dụng để vỗ béo đàn bò thịt, sau 10 - 12 tháng, đàn bò có thể đạt trọng lượng từ 600 - 700 kg/con. Sau khi xuất bán mang lại cho tôi nguồn lợi nhuận từ 13 - 15 triệu đồng/con. Hiện nay, sau khi trừ các chi phí thì trang trại chăn nuôi bò sữa và bò thịt mang lại cho gia đình tôi nguồn lợi nhuận từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm; đồng thời, tạo việc làm cho 5 lao động, với mức thu nhập từ 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện, tôi đang tập trung vốn để mở thêm trang trại nuôi bò sinh sản, với quy mô khoảng 30 - 40 con bò nái”.

Ông Trần Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân phường Lộc Phát cho biết: “Ông Lê Minh Tuấn là một trong những hội viên tiêu biểu về tăng gia sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ nắm vững kiến thức, ông Tuấn còn rút ra được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa, bò thịt để phổ biến cho các hộ chăn nuôi khác ở địa phương. Từ mô hình của gia đình ông Tuấn, đến nay, toàn phường đã có thêm 3 mô hình nuôi bò sữa và nhiều mô hình nuôi bò thịt với quy mô từ 15 - 40 con/mô hình”.


Thu tiền tỉ từ vườn mãng cầu xiêm Thu tiền tỉ từ vườn mãng cầu xiêm Nữ tỷ phú khởi nghiệp thành công từ hoa kiểng Nữ tỷ phú khởi nghiệp thành công từ…