Tin nông nghiệp Tỷ phú vùng rau xứ đạo

Tỷ phú vùng rau xứ đạo

Author THANH DƯƠNG HỒNG, publish date Thursday. July 21st, 2016

Tỷ phú vùng rau xứ đạo

Đi qua những năm tháng khó khăn

Cổ nhân dạy “đất lành chim đậu” quả không sai đối với bất cứ ai di cư đến vùng đất Lâm Đồng lập nghiệp. Tuy nhiên, buổi đầu lập nghiệp trên quê mới dường như với nhiều gia đình đều gặp khó khăn, chật vật; bởi vốn liếng, tài sản các gia đình mang theo trong cuộc hành trình mưu sinh không có gì ngoài những đôi bàn tay trắng với đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó… nên cứ quẩn quanh đói nghèo!

Nông dân Bùi Văn Cung cũng vậy; cả gia đình anh rời quê cũ - tỉnh Hải Hưng (nay được chia tách thành tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) vào Lạc Lâm (Đơn Dương) lập nghiệp từ những năm 1954 của thế kỷ trước. Qua gần ba đời cần cù, gắn bó với vùng đất trồng rau nổi tiếng đứng thứ hai (sau Đà Lạt); song, với phương thức sản xuất truyền thống lạc hậu; cùng với giá cả nông sản lên, xuống bấp bênh nên kinh tế gia đình anh nhiều năm qua cứ trầy trật, không khá lên được!

Vừa học hết lớp 7, anh Cung thôi chuyện đèn sách để ở nhà gánh vác gia đình; anh lấy vợ, sinh con và tiếp tục sản xuất trên chính phần đất của ông, cha bao năm gây dựng để lại. Dù cật lực gieo trồng, chăm bón, chắt chiu; nhưng nông sản của gia đình anh cũng như nhân dân trong vùng khi được mùa thì mất giá và ngược lại, thu nhập gia đình cũng chỉ đủ cái ăn, cái mặc qua ngày…

Những năm gần đây, khi chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được triển khai đem lại thu nhập vượt trội cho người nông dân ở Đà Lạt - xứ sở rau, hoa nổi tiếng của cả nước được triển khai, nhân rộng. Nông dân vùng rau Đơn Dương, nói chung, bà con nông dân xã Lạc Lâm - nói riêng nhanh chóng tiếp cận để nắm bắt cơ hội; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vươn lên làm giàu; trong đó, hộ nông dân trẻ Bùi Văn Cung là những hộ đi đầu…

Làm giàu nhờ áp dụng CNC

Với tính cách của một nông dân trẻ năng động và chịu khó tìm tòi, học hỏi; Bùi Văn Cung đã tìm đến một số chủ nhà vườn ở Đà Lạt để học tập kinh nghiệm, cách thức làm nhà kính, nhà lưới, kỹ thuật tưới nhỏ giọt tự động và tham khảo một số giống rau, hoa mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Đơn Dương. Trở về lại địa phương, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, nhất là kỹ thuật sản xuất rau, hoa ứng dụng CNC.

Gia đình có 2 ha đất sản xuất, nhưng ban đầu gia đình anh Cung chỉ chọn vài sào đất trồng thử (thí nghiệm) một số loại rau, hoa giống mới của nước ngoài và áp dụng quy trình sản xuất CNC. Kết quả cho thu hoạch rất khả quan, giá trị nông sản vượt gấp 3, 4 lần so với trước đó trên cùng một diện tích. Đúc rút kinh nghiệm những lần thất bại trước và học hỏi thêm kiến thức một số lão nông trong vùng, những năm sau, nông dân Bùi Văn Cung tiếp tục mạnh dạn đầu tư thêm vốn mở rộng diện tích sản xuất rau và hoa bằng kỹ thuật CNC. Đặc biệt, anh cũng đã loại bỏ dần một số giống hoa, cà chua cũ năng suất thấp, kém chất lượng và thay thế bằng các giống mới thị trường đang ưa chuộng.

Năm năm trở lại đây, nhờ thành quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo sự chuyển biến khá rõ nét trong đời sống, lao động của nhân dân huyện Đơn Dương, nhất là khi UBND huyện triển khai Chương trình nông nghiệp CNC giai đoạn 2011-2015, nhiều hộ gia đình ở Lạc Lâm, trong đó có gia đình anh Cung đã tích cực hưởng ứng. Đến nay, toàn bộ diện tích đất sản xuất của gia đình đã được anh Cung đưa vào canh tác rau, hoa theo quy trình CNC và đã cho những mùa bội thu.

Một phần diện tích đất vườn, anh Cung trồng hoa hồng môn cắt cành hiện bán rất chạy; diện tích còn lại anh trồng ớt ngọt và các loại cà chua cao cấp trên giá thể. Anh Cung dẫn chúng tôi tham quan khu vườn trồng cà chua với 3 loại giống mới ngoại nhập (được anh đồng loạt xuống giống vào ngày 21/3/2016), hiện đang cho thu hoạch có giá bán rất cao. Anh Cung cho biết, thương lái đến mua tại vườn, anh không phải mất tiền vận chuyển mà giá lại cao: cà chua giống Doagug giá 14.000 đồng/kg; cà chua giống Messina giá 16.000 đồng/kg; đặc biệt, cà chua giống Cheesysocola có giá cao nhất 25.000 đồng/kg. Nhẩm tính, trung bình mỗi gốc cà chua cho khoảng 3 kg quả và theo giá bình quân 18.000 đồng/kg (giá bán 3 giống cà chua cộng lại, chia đều) thì chỉ riêng vụ cà chua này (11. 790 cây), gia đình anh Cung thu về trên 600 triệu đồng.

Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư (phân, giống, công lao động…), gia đình nông dân Bùi Văn Cung thu nhập từ 700 triệu đến gần 1 tỷ đồng từ sản xuất rau, hoa. Do đất rộng, công việc nhiều và phải quen việc nên anh Cung đã thuê 4 người làm việc thường xuyên quanh năm (4 lao động này đã gắn bó với vườn rau nhà anh 12 năm qua); còn vào những vụ thu hoạch nông sản cao điểm, thường có từ 7 đến 10 lao động làm việc và được anh Cung trả công 200.000 đồng/người/ngày.

Anh Cung phấn khởi tâm sự, những năm qua, nhờ địa phương triển khai Chương trình xây dựng NTM, hệ thống đường giao thông trong thôn được bê tông hóa thoáng rộng rất thuận lợi trong việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và thương lái đã đến tận vườn tìm mua nên giá cả nông sản của nông dân trong vùng nâng cao, đủ sức cạnh tranh; nhờ đó, thu nhập của nhân dân khấm khá nhiều so với trước.

Nhờ thu nhập cao và ổn định, gia đình anh Cung đã xây cất nhà mới, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt gia đình; đặc biệt, 2 đứa con trai của vợ chồng anh có đủ điều kiện ăn học, không phải thất học như cha mẹ. Hiện con trai đầu đang học năm thứ ba khoa Kiến trúc Trường ĐH Yersin Đà Lạt và con trai út học lớp 4 trường làng. Cuộc sống giàu có, hạnh phúc đang đến với gia đình nông dân cả đời chăm chỉ lao động, chắt chiu này.

Chia tay gia đình nông dân Bùi Văn Cung ở xứ đạo Lạc Lâm lúc trời chập choạng khi tiếng chuông chiều từ nhà thờ vọng lại; ngoái sau lưng và hai bên đường làng, ánh đèn điện vừa bật lên sáng lung linh trên những vườn rau, hoa xanh bạt ngàn, tít tắp…


Phân bón giả gây thiệt hại 2,6 tỷ USD mỗi năm Phân bón giả gây thiệt hại 2,6 tỷ… Lợn tiêm an thần, cá nuôi biến thành cá đồng Lợn tiêm an thần, cá nuôi biến thành…