Mô hình kinh tế Úc, Mỹ sẽ thay đổi thị trường chăn nuôi Việt Nam

Úc, Mỹ sẽ thay đổi thị trường chăn nuôi Việt Nam

Publish date Friday. September 11th, 2015

Úc, Mỹ sẽ thay đổi thị trường chăn nuôi Việt Nam

Theo kết quả nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố sáng nay 9-9 tại “Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam với chủ đề Đánh giá tác động của TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lên ngành chăn nuôi tại Việt Nam”, tác động lên ngành chăn nuôi chủ yếu đến từ việc gia nhập TPP, còn từ AEC là không đáng kể.

Chăn nuôi trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước tham gia TPP, đặc biệt là đối với ngành thịt. Người tiêu dùng/nhà nhập khẩu sẽ được lợi, trong khi người sản xuất/nhà xuất khẩu phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài.

TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, nhà kinh tế trưởng của VEPR cho hay, sau TPP dòng thương mại có xu hướng thay đổi theo mức cắt giảm thuế quan, chuyển sang nhập khẩu sữa bột từ NewZealand, trâu bò sống từ Úc và các sản phẩm thịt từ Mỹ.

Thịt đông lạnh sẽ phát triển do yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng ngày một tăng lên, thịt nóng ngoài chợ sẽ không đáp ứng được.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện VEPR cho hay, mặt hàng sữa, thịt bò, thịt heo là những mặt hàng chính bị cạnh tranh nặng nề khi gia nhập TPP do nước ta không có lợi thế chăn nuôi gia súc lớn. Ngành gia cầm cũng bị ảnh hưởng nhưng ở mức độ nhẹ hơn một chút.

Theo đánh giá của ông Thành, doanh nghiệp trong những ngành này sẽ chịu ảnh hưởng lớn và tương đối đột ngột. Tuy nhiên, hộ nông dân nhỏ lẻ mới chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi TPP ký kết do họ rất “mơ hồ” và “thiếu kiến thức” về vấn đề này.

Ông Thành lấy ví dụ, doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước vừa sử dụng sữa nguyên liệu nhập khẩu và nguồn sữa tươi của nông dân.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá sữa tươi thế giới giảm mạnh thì doanh nghiệp, trong trường hợp này, sẽ hy sinh quyền lợi người nông dân để nhập khẩu sữa bột với giá thấp hơn sữa tươi trong nước rất nhiều. “Như vậy, người nông dân vẫn phải làm ra sữa, vẫn tiếp tục vắt sữa nhưng giá sữa liên tục giảm, không ký kết được hợp đồng với doanh nghiệp. Đây là những khó khăn mà họ không hiểu vì sao đến với họ” – ông Thành nói.

Ông Andrew Wells-Dang, Cố vấn cao cấp của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho hay, TPP chủ yếu tập trung lợi ích vào doanh nghiệp mà quên đi những tác động của nó tới người nông dân. “Chúng tôi lo rằng khi Việt Nam tham gia TPP sẽ xuất hiện trình trạng độc quyền, không đảm bảo được quyền lợi của người chăn nuôi nhỏ” - ông Andrew Wells-Dang nói.

Chính sách “giết chết” ngành chăn nuôi?

Thực tế, nhiều chuyên gia trong hội thảo cho rằng, ngành chăn nuôi trong nước yếu kém như vậy là do cơ chế chính sách chứ không hoàn toàn do hội nhập.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi cho hay, Thái Lan là một nước có điều kiện tương đối giống Việt Nam nhưng mỗi năm họ xuất khẩu được 4 tỉ đô la Mỹ gà công nghiệp. “Chúng ta không thể làm được như họ do nhiều yếu tố, nhưng có một phần là do lãi suất thương mại quá cao, không nước nào giống chúng ta cả.

Doanh nghiệp hưởng lãi suất ưu đãi mới được 7%/năm, trong khi Trung Quốc là 5%, Thái Lan 3%, Mỹ 0,5%.... nên doanh nghiệp chăn nuôi trong nước không cạnh tranh nổi” – ông Lịch nói.

Theo ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, rào cản lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập nói chung và TPP nói riêng vẫn là vấn đề chính sách.

Ví dụ, hiện nay gà nếu cắt rời bộ phận rồi nhập khẩu về thì thuế 20% nhưng gà để nguyên con nhập khẩu thuế lại là 40%. Các doanh nghiệp đang lách luật bằng cách chỉ cắt đầu gà để bên cạnh cả mình gà rồi nhập khẩu về để hưởng thuế suất 20%. Chỉ cần chính sách điều chỉnh siết chặt hơn thì doanh nghiệp sẽ không thể lách như vậy, gây ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước.

Bên cạnh đó, các nước có văn hóa ăn ức gà, đùi gà rẻ họ xuất khẩu sang Việt Nam. “Nhưng tại sao nước ta lại không có cơ chế chính sách khuyến khích xuất khẩu ức gà sang các nước có nhu cầu ăn bộ phận này?” – ông Khanh nói và cho hay: “Đây chính là lợi thế cạnh tranh, là thế mạnh của chúng ta”.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề khiến sản phẩm chăn nuôi kém sức cạnh tranh còn là hạn chế trong kiểm soát an toàn thực phẩm. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để kiểm soát, đảm bảo hơn nữa an toàn thực phẩm, gây dựng lòng tin cho người tiêu dùng.

Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng phải tập trung gỡ khó trong chính sách mới có thể gúp ngành chăn nuôi vững vàng hội nhập. Trong đó, quan trọng nhất chính là cơ chế tín dụng phải thay đổi.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và mức lãi suất tương đối cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Chính sách tín dụng nên thay đổi theo hướng xem xét cho ngành chăn nuôi vay với lãi suất thấp hơn, đồng thời phù hợp với chu trình và tính thời vụ trong chăn nuôi.


Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ sẽ khởi sắc nhờ POR9 giảm mạnh Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ sẽ… Nuôi cá thâm canh Nuôi cá thâm canh