Ứng dụng công nghệ Nhật Bản trong chăn nuôi
Công nghệ hiện đại là một trong những giải pháp quan trọng quyết định thành công của phát triển chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập. Trong đó, ứng dụng công nghệ mới cũng như các phương thức quản trị chuỗi giá trị tiên tiến của Nhật Bản trong sản xuất nông nghiệp rất đáng để chăn nuôi Việt Nam học hỏi.
Chăn nuôi Nhật Bản phát triển nhờ áp dụng công nghệ hiện đại. Ảnh: ST
Hiện đại nhất
Nhật Bản là quốc gia có nền khoa học công nghệ nông nghiệp phát triển với nhiều sáng chế, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến đã và đang được áp dụng thành công mang lại giá trị lớn cho sản xuất.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam đang chuyển nền sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng và trong quá trình tái cấu trúc đó khoa học công nghệ, công nghệ tiên tiến là yếu tố then chốt giúp chúng ta chuyển đổi nhanh chóng
Ứng dụng công nghệ không chỉ dừng lại ở công đoạn sản xuất mà cần tiếp cận công nghệ cho toàn bộ chuỗi sản xuất từ: con giống, chăn nuôi, chế biến cho đến thương mại.
Song song với công nghệ trong nước, Việt Nam từng bước hợp tác với các đối tác của nước ngoài để tiếp nhận, đánh giá cũng như lựa chọn công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng phù hợp với năng lực, trình độ của Việt Nam. Nhật Bản, Hàn Quốc… là những nước có công nghệ nông nghiệp tương đối gần gũi với Việt Nam. Đặc biệt, Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc trao đổi, tiếp nhận các khoa học công nghệ vào Việt Nam, đồng thời góp phần trao đổi thương mại giữa hai nước.
Những công nghệ tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp từ Nhật Bản như: chế phẩm sinh học, thủy canh trong thủy sản; phân bón hữu cơ, giống cây trồng, vật liệu kiểm soát nhiệt độ, thuốc trừ sâu hữu cơ… trong trồng trọt và công nghệ khí sinh học trong chăn nuôi.
Ứng dụng trong sản xuất
Trong chăn nuôi, công nghệ Nhật Bản được đánh giá cao bởi sản phẩm chất lượng cũng như tính bền vững - chăn nuôi sạch. Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi Việt Nam dần tiếp thu những công nghệ này để áp dụng vào sản xuất.
Điển hình, trại nuôi heo của ông Nguyễn Hữu Hoàng Dương, ở thôn 16, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) rộng gần 500 m2, nằm sâu trong rẫy cà phê, cây ăn trái, tách biệt với khu dân cư. Hơn 200 con heo thịt được nuôi với quy trình tương tự nhiều trại heo công nghiệp khác. Tuy nhiên, theo chủ trại heo, điều khác biệt làm tăng giá trị cho heo nuôi ở đây là thức ăn cho heo được làm theo công nghệ của Nhật Bản - cám vi sinh tự sản xuất mang tên Fukoku. “Nguyên liệu chế biến cám Fukoku từ bắp, đậu nành, bột lúa mạch, gạo tấm, cá cơm khô được xay nhỏ và ủ lâu vài chục ngày bằng men vi sinh nhập từ Nhật, hoàn toàn không có các loại kháng sinh, thuốc tăng trọng. Nhờ vậy, loại cám này có nhiều vi sinh vật giúp heo tiêu hóa tốt, mau lớn, chất lượng thịt sạch, thơm ngon”, ông Dương lý giải.
Theo ông Dương, mỗi ngày cho heo ăn bao nhiêu phải đong đếm kỹ, ghi chép đầy đủ; thức ăn luôn được đậy kín, không cho bay hơi hoặc côn trùng xâm nhập. Ngoài ra, còn theo dõi từng con heo ăn ít hay ăn nhiều để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Đây cũng là những phần việc trong quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP mà trang trại đang áp dụng.
Hay tại tỉnh Long An, Công ty TNHH Huy Long An là doanh nghiệp lớn trong chăn nuôi. Hiện nay, Công ty sở hữu một trong những hệ thống chuồng trại khép kín lớn nhất cả nước với quy mô nuôi nhốt cùng lúc khoảng 30.000 con bò, có thể đáp ứng các điều kiện khắt khe về chăn nuôi.
Vừa qua, Công ty TNHH Huy Long An và Công ty Sawai Ranch (Nhật Bản) cũng đã hợp tác chăn nuôi bò Waguy theo quy trình và công nghệ Nhật Bản. Theo đó, việc chăn nuôi bò Waguy được thực hiện tại các trang trại của Công ty TNHH Huy Long An theo quy trình chặt chẽ, từ khâu tuyển chọn giống, khẩu phần dinh dưỡng, chế độ chăm sóc cho đến khi giết mổ. Các chuyên gia đến từ Nhật Bản sẽ thường xuyên có mặt tại trang trại để hướng dẫn và giám sát chặt chẽ quy trình chăn nuôi, đảm bảo chất lượng thịt bò đạt các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản. Các loại thịt bò sẽ được tiêu thụ một phần ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản thông qua các đối tác phân phối.
Để sản phẩm xuất khẩu
Mặc dù sản xuất chăn nuôi của Việt Nam đã có những bước phát triển. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, khi Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản thì công nghệ cũng phải tương đối tương thích với công nghệ của bạn để tạo ra sản phẩm đáp ứng chất lượng hàng hóa và được thị trường bạn thừa nhận.
Theo ông Koichiro Abe, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Raycean Việt Nam, các mặt hàng nông sản Nhật Bản có chất lượng, giá trị cao dựa trên các công nghệ nông nghiệp có giá thành rất cao ở Nhật Bản. “Công nghệ, bí quyết và chiến lược maketing có thể nâng cao giá trị nông sản gấp rất nhiều lần”, ông Koichiro Abe nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, việc tiếp nhận các công nghệ như: giống, chế phẩm sinh học, chất cải tạo đất, thuốc bảo vệ sinh học… cũng như kiểm soát chất lượng của Nhật Bản giúp Việt Nam tiến gần hơn với hệ thống chất lượng của bạn, góp phần thúc đẩy tiến trình xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam sang Nhật Bản...
Ngày 29/5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Công ty Raycean Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ mới phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt Nam - Nhật Bản”. Đây là cơ hội kết nối các viện - trường - doanh nghiệp - nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy cơ hội đầu tư và thương mại nông sản giữa hai nước.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao