Khoai tây Ưu nhược điểm của giống Khoai tây KT4

Ưu nhược điểm của giống Khoai tây KT4

Author Phương Nguyễn, publish date Thursday. January 17th, 2019

Ưu nhược điểm của giống Khoai tây KT4

Giống khoai tây KT4 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ (Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm) chọn lọc từ tổ hợp hạt lai khoai tây nhập nội từ Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP), được Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử từ tháng 10/2018.

Đặc điểm chính: Khoai tây KT4 có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe. Dạng cây nửa đứng. Thời gian từ trồng đến thu hoạch khoảng 85-90 ngày. Năng suất trung bình đạt 25-30 tấn/ha (cao hơn giống đối chứng Solara 17-19%). Củ hình oval, mắt củ nông, vỏ củ vàng, ruột củ vàng, số lượng củ/cây từ 6-9 củ. Chất lượng củ tốt, tỷ lệ chất khô trung bình 20,2%, hàm lượng đường khử 0,46%, tỷ lệ tinh bột 16,7%. Đặc biệt giống khoai tây KT4 có nguồn gen chống chịu bệnh virus. Nhược điểm, bị nhiễm nhẹ một số sâu bệnh hại chính như rệp, nhện, bọ trĩ, bệnh mốc sương và héo xanh do vi khuẩn.

Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:

Vụ xuân trồng cuối tháng 12 đến 15/1. Vụ đông trồng từ 25/10 đến 15/11. Các địa phương miền núi phía Bắc có thể trồng tới cuối tháng 2).

Chọn chân đất nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt. Cày bừa làm nhỏ đất, thu dọn sạch cỏ. Lên luống cao 20 - 25 cm, luống đôi rộng 1,2-1,4 m (luống đơn rộng 90-100 cm).

Trước khi trồng 1-2 ngày, nếu củ giống to có nhiều mầm nên bổ thành miếng bằng dao sắc, mỗi miếng có từ 2-3 mầm (cần nhúng dao vào nước xà phòng đặc hoặc cồn 90 độ sau mỗi lần bổ xong 1-2 củ để tránh lây lan bệnh), sau đó chấm mặt cắt của miếng khoai vào bột xi măng khô, rồi xếp một lượt lên sàn.

Phân bón (cho 1ha): Phân chuồng hoai mục 15 tấn (hoặc phân hữu cơ vi sinh 1,0-1,2 tấn). Đạm urê 150kg, Lân supe 150kg, Kali Clorua 150kg. Bón lót 100% phân chuồng + 100% phân lân + ½ lượng phân đạm + ½ lượng phân kali. Bón thúc hết số phân còn lại khi cây mọc cao 20-25 cm, kết hợp xới xáo, làm cỏ và vun luống lần 1. Vun luống lần 2 sau lần 1 khoảng 10-15 ngày.

Chú ý, tuyệt đối không để củ giống tiếp xúc với các loại phân hóa học. Đất phải được giữ ẩm thường xuyên để cây khoai sinh trưởng phát triển thuận lợi. Giai đoạn trước thu hoạch 15-20 ngày không được tưới nước cho ruộng khoai tây.

Phòng trừ sâu bệnh: Trừ sâu xám, sâu ăn lá bằng thuốc Superfoss. Trừ rệp, nhện và bọ trĩ sử dụng Sherpa hoặc Bassa (kết hợp phun Minkhada).

Để phòng trừ các bệnh hại trên cây khoai tây cần cử dụng củ giống sạch bệnh, thu dọn sạch tàn dư thực vật trên ruộng trước trồng và sau kết thúc thu hoạch, thực hiện luân canh khoai tây với lúa nước, không trồng lại khoai tây (ít nhất từ 2 - 3 năm) trên các chân ruộng đã bị nhiễm khuẩn.

Phun phòng bệnh mốc sương trước khi cây khoai tây khép tán bằng một trong các loại thuốc Mancozeb, Zineb, Daconil, Acrobat, Aliette, Curzate M8 (có thể phối trộn Curzate M8 và Acrobat với Mancozeb). Sử dụng thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Thu hoạch: Khi 50% số lá trên cây đã chuyển màu vàng. Chọn ngày nắng ráo, cắt dọn 10cm thân lá trên mặt luống trước khi thu hoạch. Hạn chế làm xây xát, giập vỡ củ trong quá trình cuốc xới thu gom và vận chuyển. Trường hợp chưa thể tiêu thụ ngay, phải lưu giữ bảo quản khoai trong điều kiện thoáng mát và tối để tránh lục hóa và thối củ. Tốt nhất nên bảo quản khoai tây thương phẩm trong kho lạnh 12-14 độ C, ẩm độ không khí 90%.

Địa phương đã áp dụng thành công: Thanh Trì, Thạch Thất, Gia Lâm (Hà Nội), Quế Võ (Bắc Ninh), Vụ Bản, Ý Yên (Nam Định)...


Một số lưu ý khi trồng khoai tây vụ đông Một số lưu ý khi trồng khoai tây… 4 giống khoai tây tốt 4 giống khoai tây tốt