Vacxin AFTOPOR Khống Chế Bệnh Gia Súc
Với sáng kiến mới về điều trị lở mồm long móng (LMLM), tai xanh, ông Lã Viết Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nam Định đã khống chế được dịch LMLM ở trâu bò, dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn tỉnh.
Về Nam Định hỏi người chăn nuôi ai cũng biết đến ông Hiển, bởi từ khi có dịch LMLM, tai xanh... ông có phác đồ điều trị tốt; gia súc không bị tiêu huỷ mà vẫn phát triển bình thường. “Thực ra phương pháp của tôi không có gì đặc biệt, người làm lĩnh vực thú y ai cũng biết phương pháp điều trị này, tuy nhiên ít người áp dụng nó”, ông Hiển nói.
Theo ông, bệnh LMLM chưa có thuốc đặc trị, chỉ có vacxin phòng bệnh. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh; xảy ra quanh năm. Qua nhiều năm theo dõi diễn biến của bệnh, ông đã tìm ra sáng kiến ứng dụng vacxin AFTOPOR khống chế dịch LMLM.
Phương pháp dùng vacxin điều trị dịch LMLM rất đơn giản. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh, phải lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tuýp virus gây bệnh. Sau đó khoanh vùng, không chăn thả, không bán chạy; đồng thời tiêu độc chuồng trại, điều trị vết thương ở phần miệng và móng.
Sau khi đã thực hiện các bước cơ bản, tiến hành tiêm phòng vacxin AFTOPOR lần thứ nhất. Khi đã điều trị lành vết thương, tiêm nhắc lại lần hai sau lần đầu 21 ngày. Sau đó duy trì lịch tiêm phòng 6 tháng/lần gia súc sẽ không còn tái phát bệnh; trâu bò vẫn phát triển bình thường.
Ông Hiển cho biết, từ năm 2008- 2011 toàn tỉnh có 214 con trâu bò mắc bệnh LMLM. Nhân với giá 9.000.000 đ/con là 1.926.000.000 đ. 150 con lợn mắc bệnh tai xanh (20 kg/con) nhân với 60.000 đ/kg là 180.000.000 đồng; tổng cộng là hơn 2 tỷ.
Tuy nhiên, khi gia súc bị LMLM, tai xanh phải tiêu huỷ, Nhà nước hỗ trợ chỉ 30.000 đ/kg trâu bò, 25.000 đ/kg lợn; công lao động 1.000 đ/kg... tổng cộng hơn 1,2 tỷ. Như vậy hộ chăn nuôi thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Trong khi áp dụng theo phác đồ tiêm phòng vacxin và công tiêm phòng cho đàn trâu bò, chi phí chỉ hết khoảng... 2,8 triệu đồng (bằng 0,21% so với tiêu huỷ).
Qua phác đồ nghiên cứu dùng kháng sinh đặc hiệu của ông Hiển kết hợp thuốc trợ lực, trợ sức để điều trị các bệnh truyền nhiễm kế phát; chỉ sau 1-2 tuần lợn đã hồi phục ăn uống trở lại bình thường. Cụ thể, tiêm thuốc hạ sốt Angin-C: 2-4 ml/con/lần trước khi tiêm thuốc kháng sinh, sau đó tiêm kháng sinh Ciptifi để diệt các loại vi khuẩn gây bệnh kế phát như tụ huyết trùng, phó thương hàn lợn, tụ cầu trùng lợn… 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều với liều lượng 1 ml/10 kg/lần.
Sau khi dùng kháng sinh thì tiêm truyền dung dịch nước muối sinh lý vào xoang phúc mạc để giải nhiệt và cân bằng điện giải bằng dung dịch Magiecanxium, Canxin-B12 vào xoang phúc mạc 50-100 ml/lần/con. Cuối cùng, sau điều trị từ 10-15 ngày lợn đã khoẻ mạnh ăn uống bình thường, tiến hành tiêm vacxin dịch tả, theo dõi 1-3 ngày nếu lợn ăn uống bình thường; đều đặn 6 tháng tiêm vacxin/lần cho lợn.
Ông Nguyễn Văn Quyết (xã Trực Phú, huyện Trực Ninh) người đã dùng phác đồ điều trị bệnh tai xanh ở lợn từ năm 2010 đến nay cho biết: “Từ khi biết phương pháp điều trị tai xanh ở lợn của, gia đình tôi không phải tiêu huỷ con nào; lợn vẫn phát triển bình thường. Năm trước, nhà tôi nuôi 2 con lợn bị bệnh tai xanh; chữa theo cách của ông Hiển chỉ tốn khoảng 40.000 đ/con, trong khi tiêu huỷ mất hơn chục triệu”.
Theo ông Hiển, nếu tiêu huỷ 1 con lợn 80 kg Nhà nước phải hỗ trợ trên 2 triệu đồng, trong khi dùng phác đồ điều trị của ông trong 3 ngày chỉ tốn khoảng 130.000 đồng. Với thành tích phòng trừ bệnh LMLM, tai xanh ở gia súc hiệu quả, ông Hiển đã được Sở KH-CN tỉnh Nam Định tặng bằng khen, kỷ niệm chương sáng kiến KHKT áp dụng thành công và được nhân rộng trên toàn tỉnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao