Tôm thẻ chân trắng Vài nét về tình hình nuôi tôm chân trắng trên thế giới và Việt Nam

Vài nét về tình hình nuôi tôm chân trắng trên thế giới và Việt Nam

Publish date Monday. June 8th, 2015

Vài nét về tình hình nuôi tôm chân trắng trên thế giới và Việt Nam

Ngay khi đạt kích cỡ 35g trở lên, tôm đã dễ dàng bắt cặp và sinh sản trong điều kiện nuôi nên rất thuận lợi cho khâu kiểm soát, lựa chọn giống. Hiện sản lượng tôm thế giới có tốc độ tăng bình quân là 20%/năm - đạt 3,2 triệu tấn với giá trị 11 tỷ USD. Các nước phát triển rất ưa chuộng mặt hàng tôm chân trắng vì sức hấp dẫn về giá. Trong tương lai, tôm chân trắng có khả năng trở thành đối tượng nuôi chủ lực của Việt Nam.

Một số đặc điểm sinh học nổi trội ở tôm chân trắng 

Tôm thành thục sau 6-7 tháng, tôm đực thành thục trên 20 g/con, tôm cái trên 28 g/con. Sức sinh sản là 100-140 nghìn trứng với tôm cái cỡ 30-35g hoặc 150-200 nghìn trứng với tôm cái cỡ 40-45g. Tôm chân trắng có tốc độ tăng trưởng nhanh, đạt 3g/tuần.

Trong điều kiện nuôi thâm canh với mật độ 150 con/m2, kích cỡ thương phẩm của tôm chân trắng là 20 g/con, sau đó, giảm tốc độ tăng trưởng còn 1g/tuần. Tại châu Á, tôm được nuôi thương phẩm bằng ao đất. Thái Lan và Inđônêxia nuôi thâm canh với mật độ 60-150 con/m2 đạt tốc độ tăng trưởng 1-1,5g/tuần, tỷ lệ sống 80-90% (trong khi tốc độ tăng trưởng của tôm sú chỉ là 1-1,2g/tuần và tỷ lệ sống chỉ khoảng 45-54% ). Philippin nuôi thâm canh với mật độ cao hơn 100-200 con/m2, hệ số thức ăn 1,3-1,5, tỷ lệ sống đạt 65-85%, năng suất đạt 7-12 tấn/ha/vụ sau 90-120 ngày nuôi.

Tôm chân trắng chịu được độ mặn trong khoảng rộng, từ 0,5-45%o (đặc biệt thích nghi với độ mặn 7-34%o) nhưng tăng trưởng tốt nhất ở độ mặn thấp (10-15%o). Nhiệt độ thích hợp là 23-30oC, tăng trưởng tốt nhất cho giai đoạn tôm nhỏ (1g) là 30oC, giai đoạn tôm lớn (12-18g) là 27oC và khoảng chịu đựng chấp nhận được là 15-33oC. So với các loài tôm khác, tôm chân trắng có nhu cầu đạm thấp hơn nhiều (chỉ 20-35%) và có khả năng sử dụng các nguồn thức ăn tự nhiên (trong khi tôm sú và tôm thẻ Trung Quốc, tôm thẻ Penaeus stylirostris có nhu cầu đạm 36-42%). Hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm chân trắng cũng tốt hơn tốm sú (tôm chân trắng là 1,2; trong khi tôm sú là 1,6). Tuỳ theo giai đoạn phát triển, nhu cầu đạm giảm dần theo kích cỡ tăng lên của tôm.

Diễn biến nghề nuôi tôm trên thế giới

Trước năm 2000, nhiều nước Đông Nam Á đã tìm cách hạn chế phát triển tôm chân trắng do sợ lây bệnh cho tôm sú. Nhưng sau đó, lợi nhuận cao và những ưu điểm rõ rệt ở loài tôm này đã khiến người dân ở nhiều nước tiến hành nuôi tự phát. Sản lượng tôm các loại tăng nhanh và ổn định ở khu vực châu Á tại thời điểm đó là do tôm chân trắng, góp phần đẩy sản lượng tôm thế giới tăng gấp 2 lần vào năm 2000.

Trước năm 2003, các nước có sản lượng tôm nuôi lớn nhất thế giới (như Thái Lan, Trung Quốc, Inđônêxia, Ấn Độ) chủ yếu nuôi tôm sú hay tôm bản địa. Nhưng sau đó, đã tập trung phát triển mạnh đối tượng tôm chân trắng. Sản lượng tôm chân trắng của Trung Quốc năm 2003 đạt 600 nghìn tấn (chiếm 76% tổng sản lượng tôm nuôi tại nước này); đến năm 2008 tôm chân trắng đạt sản lượng 1,2 triệu tấn (trong tổng số 1,6 triệu tấn tôm nuôi). Inđônêxia nhập tôm chân trắng về nuôi từ năm 2002 và năm 2005 đạt 40 nghìn tấn, năm 2007 là 120 nghìn tấn (trong tổng sản lượng 320 nghìn tấn).

Năm 2004, tôm chân trắng dẫn đầu về sản lượng tôm nuôi, đóng góp trên 50% tổng sản lượng tôm nuôi trên thế giới. Năm 2007, tôm chân trắng chiếm 75% tổng sản lượng tôm nuôi toàn cầu và là đối tượng nuôi chính ở 03 nước châu Á (Thái Lan, Trung Quốc, Inđônêxia). Ba nước này cũng chính là những quốc gia dẫn đầu thế giới về nuôi tôm.

Về giá trị, năm 1997, sản lượng tôm nuôi đạt 700 nghìn tấn, tương đương với 3,5 tỷ USD, giá trung bình khoảng 5 USD/kg. Trong 10 năm lại đây, tốc độ tăng về sản lượng tôm thế giới khoảng 20%/năm, đã đem lại cho thế giới 3,2 triệu tấn tôm với giá trị tôm nuôi hiện nay là 11 tỷ USD, giá tôm trung bình rơi vào khoảng 3,4-3,5 USD/kg.

Tại Việt Nam

Đầu những năm 2000, Việt Nam cũng đã hạn chế phát triển loài tôm này. Đến năm 2006, ngành thuỷ sản đã cho phép nuôi bổ sung tôm chân trắng tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, nhưng vẫn cấm nuôi tại khu vực ĐBSCL. Đầu năm 2008, nhận thấy thị trường thế giới đang có xu hướng tiêu thụ mạnh mặt hàng tôm chân trắng của Thái Lan, Trung Quốc… và sản phẩm tôm sú nuôi của Việt Nam bị cạnh tranh mạnh, hiệu quả sản xuất thấp, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 228/CT-BNN&PTNT cho phép nuôi tôm chân trắng tại vùng ĐBSCL nhằm đa dạng hoá sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, giảm áp lực cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của các nước trong khu vực và trên  thế giới.

Cuối năm 2012, cả nước có 185 cơ sở sản xuất giống tôm chân trắng, sản xuất được gần 30 tỷ con. Sang năm 2013 (tính đến hết tháng 5), cả nước có 103 cơ sở sản xuất giống tôm chân trắng, cung cấp cho thị trường 3,5 tỷ con. Số trại sản xuất tôm chân trắng và tôm sú chủ yếu tập trung tại các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà và Phú Yên chiếm khoảng 40% trong tổng số trại sản xuất giống tôm của cả nước (tương đương với 623 trại). Sản lượng giống tôm nước lợ ở khu vực này chiếm khoảng 70% tổng sản lượng giống tôm của cả nước.

Bên cạnh đó, các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang cũng là những địa phương sản xuất giống tôm chân trắng cung cấp lượng lớn tôm giống cho thị trường. Tuy nhiên, chất lượng tôm giống hiện nay không đồng đều. Tại những cơ sở có uy tín, con giống được tiêu thụ tốt, giá cao. Nửa đầu năm 2013, giá tôm giống nhìn chung ổn định tại các tỉnh phía Nam. Song, tại các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, do chi phí vận chuyển tăng cao, giá tôm giống cũng tăng lên. Giá giống tôm chân trắng dao động trong khoảng 80-90 đồng/con.

Từ một số mô hình nuôi thành công, tôm chân trắng đang ngày càng được các hộ nuôi trồng thuỷ sản quan tâm phát triển. Năm 2012, trong khi diện tích thả giống tôm sú đạt 619,4 nghìn ha - giảm 7,1% so với năm 2011; và sản lượng thu hoạch 298,6 nghìn tấn - giảm 6,5% so với năm 2011; thì diện tích thả giống tôm chân trắng tăng15,5% - đạt xấp xỉ 38,2 nghìn ha, sản lượng thu hoạch tăng 3,2% - đạt 177,8 nghìn tấn. 

Tình hình diễn ra tương tự với 7 tháng đầu năm 2013 (tính đến ngày 20/7), trong khi diện tích thả giống tôm sú giảm (chỉ đạt 560 nghìn ha, bằng 94,4% mức cùng kỳ năm ngoái) và sản lượng thu hoạch là 85 nghìn tấn (bằng 80% mức cùng kỳ năm ngoái) thì diện tích thả giống tôm chân trắng tăng (đạt xấp xỉ 24 nghìn ha, bằng 116% so với cùng kỳ năm ngoái), sản lượng thu hoạch là 30 nghìn tấn (gần bằng 142% mức cùng kỳ năm 2012).

Có thể thấy, ngoài lợi thế về tôm sú thì Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển tôm chân trắng, trong đó, tôm cỡ nhỏ là một lợi thế mà Việt Nam cần tích cực khai thác. Theo tính toán của các chuyên gia thuỷ sản, chi phí sản xuất tôm chân trắng nguyên liệu thông thường chỉ bằng 0,4-0,5 chi phí sản xuất tôm sú. Tuy nhiên, để có thể khai thác thành công các tiềm năng và lợi thế ở tôm chân trắng, Việt Nam cũng cần phải kiểm soát tốt dịch bệnh.

Năm 2012, cả nước có tới 106 nghìn ha diện tích tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại. Sang năm 2013 (tính đến ngày 27/4), diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng 14,6 nghìn ha; trong đó, diện tích tôm chân trắng bị thiệt hại là 666 ha (chiếm gần 9% diện tích thả nuôi). 6 tháng đầu năm 2013, 17% diện tích thả nuôi tôm chân trắng bị thiệt hại - tương đương với 3.081 ha (trong khi tôm sú thả nuôi chỉ bị thiệt hại 3,8%). So với cùng kỳ năm 2012, diện tích tôm sú thả nuôi bị thiệt hại bằng 65%, nhưng với tôm chân trắng thì con số này lên tới 125%.

Diện tích nuôi tôm bị bệnh tập trung chủ yếu ở vùng ĐBSCL và một số tỉnh khu vực Trung Trung Bộ. Theo báo cáo tại buổi Họp báo về tình hình dịch bệnh nuôi tôm nước lợ năm 2012, hội chứng hoại tử gan tuỵ xảy ra chủ yếu ở các vùng nuôi tôm thân canh và bán thâm canh, xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, nhưng mức độ dịch bệnh trầm trọng nhất từ tháng 4 đến tháng 7, chiếm 75% tổng diện tích báo cáo bị bệnh trong cả năm. Các vùng nuôi có độ mặn thấp, tỷ lệ mắc bệnh ít hơn so với vùng nuôi có độ mặn cao.

Các tháng nhiệt độ thấp, mùa mưa, tỷ lệ xuất hiện bệnh thấp hơn các tháng mùa khô, nhiệt độ cao. Hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp tính gây chết tôm ở giai đoạn 15-40 ngày sau khi thả nuôi. Tôm ngừng ăn, bơi chậm, vỏ mỏng, màu tôm nhợt nhạt. Gan tuỵ có biểu hiện sưng, nhũn, teo.

Như vậy, về nuôi trồng thuỷ sản, tôm chân trắng đang gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản, mặt hàng này lại đang khẳng định được vị thế. 7 tháng đầu năm 2013, trong khi xuất khẩu tôm sú chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2012 (đạt xấp xỉ 680 triệu USD) thì xuất khẩu tôm chân trắng đạt 609 triệu USD, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm 43,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Giá đầu tư thấp, mùa vụ nuôi ngắn, có khả năng thích ứng tốt trong điều kiện nuôi rộng muối, cho năng suất cao, kích cỡ tôm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thế giới… là những điều kiện để tôm chân trắng chiếm được vị trí ưu tiên trong nuôi trồng thuỷ sản tại Việt Nam. 

Để đạt chỉ tiêu diện tích thả nuôi tôm chân trắng là 40 nghìn ha (bằng 104,8% năm 2012), về sản lượng phấn đấu đạt 190 nghìn tấn trong năm 2013, các hộ nuôi tôm chân trắng được khuyến cáo thực hiện tốt các công việc sau: chọn giống sạch bệnh (đã qua kiểm dịch, không mang các tác nhân gây bệnh đốm trắng, đầu vàng, MBV, khuẩn Vibrio); Thả nuôi đúng vụ, không thả ở mật độ cao; Luôn đảm bảo lượng ôxy hoà tan; Theo dõi độ mặn và diễn biến nhiệt độ nước trong ao (các tháng từ 4-7 có nhiệt độ cao, phải duy trì nước ao sâu);

Định kỳ diệt khuẩn trong ao nuôi; Sử dụng chế phẩm sinh học có chất lượng; Không để thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường; Các ao bị bệnh phải tẩy trùng triệt để, khoanh vùng, cách ly; Không xả nước thải, tôm chết ra môi trường… Đối với các cơ quan quản lý thuỷ sản cần chú ý việc nhập khẩu tôm bố mẹ, ngoài yêu cầu sạch bệnh, còn phải đánh giá xuất xứ, chất lượng của đàn tôm bố mẹ từ nơi sản xuất trước khi cho nhập khẩu; Thực hiện giám sát dịch bệnh chặt chẽ để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Tags: nuoi tom the chan trang, nuoi tom the, nuoi thuy san


Related news

Cơ hội nào cho tôm càng xanh ra thế giới Cơ hội nào cho tôm càng xanh ra… Một số biện pháp phòng bệnh cho cá biển nuôi lồng bè Một số biện pháp phòng bệnh cho cá…