Tôm thẻ chân trắng Vận chuyển và thả giống thủy sản

Vận chuyển và thả giống thủy sản

Publish date Wednesday. July 1st, 2015

Vận chuyển và thả giống thủy sản

Thông thường,  trước khi vận chuyển giống thủy sản đi xa, nếu không tiến hành công đoạn thuần, luyện giống, thì sự hao hụt xảy ra trong quá trình vận chuyển chắc chắn rất lớn, giống sau khi được thả ra ao, hồ nuôi thường yếu, hao hụt nhiều,chậm lớn, phân đàn, giảm sức đề kháng. Vì thế, trước khi vận chuyển cần phải tiến hành công đoạn luyện giống kỹ, cho đối tượng giống nuôi quen dần với mật độ cao trong không gian chật hẹp, thiếu oxy, nhiệt độ cao, chịu sự va đập do quá trình vận chuyển trong một thời gian dài, con giống cần được nhốt riêng vài ngày trước khi vận chuyển.

Chọn thời điểm vận chuyển vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát là thích hợp và an toàn nhất; vì, nhiệt độ môi trường, oxy trong bao lúc này khá ổn định, các cơ quan trong cơ thể cá, tôm làm việc trong trạng thái bình thường. Không nên đóng mật độ quá dày, vì như vậy sẽ đặt cá, tôm trong tình trạng phải thường xuyên điều tiết, liên tục thay đổi rất dễ bị sốc. Chỉ nên chứa 1/3 nước trong bao, 2/3 còn lại để chứa oxy.

Không nên cho cá, tôm ăn quá no vào ngày hôm trước hoặc cho ăn trước khi đóng cá, tôm vài giờ, vì như vậy bắt buộc cơ quan tiêu hóa phải làm việc liên tục, hoặc làm việc trong điều kiện môi trường đang có những thay đổi bất lợi đối với cá, tôm. Sử dụng ½ nguồn nước cũ được lấy từ môi trường cá, tôm đang sinh sống, pha với ½ nguồn nước mới, không sử dụng nguồn nước mới hoặc nguồn  nước cũ hoàn toàn, dễ tạo phản ứng sốc đối với cá, tôm nuôi. Thêm một chút muối ăn khoảng 1-2g/15 lít nước nhằm sát trùng các vết thương do trầy xước trong quá trình vận chuyển.

Các bao chứa cá,tôm chỉ nên đóng giới hạn ở trọng lượng không quá 2kg/bao. Có điều kiện nên dùng xe bảo ôn, xe lạnh để vận chuyển giống là tốt nhất, đặc biệt là khi vận chuyển quảng đường dài trên 200 km. Trong quá trình vận chuyển thường xuyên kiễm tra bao, đóng lại những bao bị thoát hơi, xì, bể...Nên chèn lót kỹ, hạn chế tối đa sự va đập, ép nén. Đến địa điểm không nên thả giống ra ngay, vì như vậy rất dễ gây sốc cho giống nuôi do chênh lệnh khá lớn các thông số kỹ thuật giữa 2 môi trường trong bao và ngoài ao, hồ, bể.

Trong thời gian ngắn, vật nuôi thủy sản không đủ thời gian để điều tiết theo sự thay  đổi bất ngờ này, và hậu quả là cá, tôm nuôi hao hụt ngay sau đó vài giờ hoặc vài ngày. Nên ngâm bao chứa giống xuống ao dự kiến thả trong thời gian từ 30- 40 phút, cho giống có thời gian thích ứng từ từ với môi trường mới và điều tiết các hoạt động cơ thể cho phù hợp với môi trường mới. Chọn địa điểm cách bờ từ 1.5-2.0m để thả giống, không chọn vùng gần cống, vùng ô nhiễm trong ao, vùng nước cạn để thả giống. Không thả giống tập trung một khu vực nhất định, nên thả đều các khu vực để giống phân bố đều trong ao.

Khi thả, mở bao oxy tạt nước bên ngoài từ từ vào bao chứa giống cho giống bơi từ từ ra ngoài ao nuôi. Vận chuyển, bảo quản, và thả giống là kỷ thuật người nuôi cần nắm, nhằm hạn chế tối đa sự hao hụt giống. Mục tiêu và các thao tác trên thực sự có ý nghĩa khi người nuôi kết hợp với việc chuẩn bị tốt những công đoạn trước khi vận chuyển, công đoạn cải tạo và xử lí ao nuôi. Có như vậy mới đạt được kết quả cao, hạn chế rủi ro trong khi vận chuyển và thả giống.

Tags: van chuyen, tha giong thuy san, ky thuat nuoi tom, nuoi ca, san xuat giong thuy san, nuoi thuy san


Related news

Quy trình kỹ thuật nuôi cua biển Quy trình kỹ thuật nuôi cua biển Sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực Sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực