Về Đâu Nghề Nuôi Tôm? Ở Quảng Ngãi
4 năm qua người nuôi tôm đã mất hẳn nụ cười. Và cũng chừng ấy thời gian, câu hỏi “vì sao tôm chết ?” vẫn còn bỏ ngỏ và bài toán đang đặt ra là làm thế nào để cứu hàng loạt ruộng tôm đang rơi dần vào cõi chết.
Bỏ thì thương, vương thì nợ
Liên tục 4 năm nay, người nuôi tôm trong tỉnh Quảng Ngãi lao đao khi mà dịch bệnh, thiên tai luôn gây khó cho nghề nuôi tôm. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, nhiều chủ hồ, trong đó có không ít triệu phú “Phất” lên từ nuôi tôm cũng trở thành con nợ của ngân hàng khi liên tiếp nuôi tôm thất bại. Đơn cử như ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) - địa phương nổi tiếng đổi đời nhờ trúng tôm với lợi nhuận lên đến cả tỷ đồng/chủ hồ/năm. Vậy mà giờ đây, những tỷ phú đã trắng tay. “Sau mấy vụ trúng, tui thừa thắng xông lên thì liên tiếp gặp…bão bệnh, khiến tôm rủ nhau chết. Vậy là hết”, một chủ hồ tôm có tiếng “mát tay” than vãn. Có lẽ, đó cũng là thảm cảnh của hầu hết những người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Dù bi thảm nhưng dường như rất hiếm chủ hồ bỏ cuộc. Cụ thể là đến thời điểm này, toàn tỉnh thả nuôi 306 ha. Nghĩa là, diện tích nuôi tôm vẫn còn khá so với mức độ “quét” của dịch bệnh. Lý giải điều này, lão nông Trần Sáu ở thôn Thạch Thang nói gọn: “Bỏ thì thương, mà vương thì nợ”. Nói đoạn, lão Sáu liệt kê những chi phí mà người nuôi đã đổ xuống, từ thuê hồ đến hệ thống quạt, máy bơm, bạt… rồi con giống, công chăm sóc ngót nghét trăm triệu đồng. Nếu may mắn trúng thì lãi gấp 2 - 5 lần vốn, còn nhỡ thất bại thì…hy vọng ở vụ sau.
Với tâm lý đó, lại tiếc tiền đầu tư hạ tầng ban đầu mà nông dân không muốn cho hồ nghỉ. Họ quan niệm, “cứ thua keo này ta bày keo khác” nên thiệt hại chồng chất. Hơn nữa, khi con tôm không chịu “đẻ” lãi, đồng nghĩa với người nuôi “khát” vốn. Vốn cạn đã đẩy họ rơi vào đường cùng là phải vay nóng; rồi cắt giảm chi phí khiến tôm giống dỏm có cơ hội “lọt” xuống ao.
Lối thoát nào cho người nuôi tôm
“Có lúc tui cũng muốn dứt khỏi tôm nhưng nếu bỏ nó thì biết làm gì, nuôi con gì trong mấy cái hồ đã ngốn không ít tiền của ấy”, anh Bùi Văn Nhân trải lòng. Không riêng gì anh Nhân mà dường như câu hỏi này đã được nhiều chủ hồ tôm trăn trở.
Có ý kiến cho rằng, lý do tôm liên tục chết là vì “nhờn” môi trường nên cần cho hồ nghỉ ngơi một thời gian, hoặc luân chuyển đối tượng nuôi. Nhưng vấn đề là ở chỗ, nếu “treo hồ” thì sẽ dẫn đến những tổn thất khác như bạt hỏng máy hư... Còn nếu đổi chủ thể thì chọn con gì? cách nuôi ra sao? Hiệu quả thế nào?. “Các ngành chuyên môn nên cân nhắc việc này vì hiện tượng tôm chết không rõ nguyên nhân cứ tái diễn. Chính quyền địa phương lẫn nông dân đã hết cách, đành phó mặc cho… may mắn”, ông Đinh Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong nhìn nhận.
Trong khi nông dân vẫn tiếp tục bị tôm “hành” mà chẳng biết rõ nguyên do, thì ngành nông nghiệp cũng chỉ dừng lại ở mức kiểm tra và khuyến cáo chủ hồ thả nuôi theo đúng lịch thời vụ; rồi triển khai những biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho tôm. Kết quả, phòng cứ phòng, tôm chết cứ chết!.
Vấn đề đặt ra hiện nay là ngành chức năng sớm có biện pháp dẹp loạn thị trường tôm giống trôi nổi, cải tiến quy trình nuôi, trả lại độ sạch cho nguồn nước. Và cũng đã đến lúc, nghề nuôi tôm cần có cơ chế bảo vệ riêng, chẳng hạn như loại hình bảo hiểm rủi ro trong sản xuất.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao