Vẽ đường cho thanh niên dân tộc thiểu số làm ăn
“Sau 3 năm triển khai, thành công của dự án sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số các huyện miền tây Nghệ An” là đổi mới nhận thức cho lớp trẻ, lo đầu ra cho sản phẩm để họ tiếp tục vươn lên làm giàu” – ông Trần Văn Huy – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Nghệ An cho hay.
Trong ảnh: Mô hình trồng chanh leo đang mang lại thu nhập khá cho người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: T.L
Nhân rộng mô hình
Cách đây vài năm, HTX trồng nấm xã Mường Nọc (Quế Phong) chỉ hoạt động cầm chừng với 7 thành viên, sản phẩm ít, lợi nhuận thấp. HTX đứng trên bờ phá sản, xã viên chán nản và bỏ việc tìm nghề mới. Nhưng khi được tham gia vào dự án sinh kế bền vững, các xã viên đã được tập huấn về kỹ thuật trồng nấm, kết nối đầu ra tiêu thụ. Sản phẩm nấm làm ra đúng thời gian, đảm bảo an toàn, làm ra đến đâu bán hết tới đó.
Anh Lô Thanh Bình – Giám đốc HTX trồng nấm Mường Nọc cho hay: “Từ đó đến nay, thu nhập bình quân của mỗi lao động HTX từ 25 – 30 triệu đồng/năm. Số thành viên của HTX cũng tăng lên gấp 5 lần, tạo việc làm ổn định cho 100 lao động tại các hộ gia đình. Quan trọng nhất là các xã viên đã thay đổi tư duy, hướng tới sản xuất hàng hoá.
Tương tự, trước đây, anh Lộc Văn Sơn ở bản Cỏ Ngựu, xã Châu Thôn (Quế Phong) cũng chỉ biết làm bạn với cây ngô, cây sắn. Thu nhập ít ỏi nên gia đình anh quẩn quanh với đói nghèo. Năm 2015, qua dự án, anh được tham gia đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm rơm. Anh mạnh dạn đầu tư mua giống, gom rơm rạ để sản xuất nấm rơm. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay gia đình anh đã có trên 600 bịch nấm, mỗi ngày thu hái được 5 - 6kg, thu nhập 250.000 - 300.000 đồng.
“Không chỉ gia đình tôi mà 30 hộ trong bản cũng tham gia trồng nấm, sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Nhờ đó, nhà nào cũng có đồng ra đồng vào, con cái được ăn học tươm tất hơn…” – anh Sơn chia sẻ.
Tại xã Châu Thôn còn có hơn 100 hộ tham gia trồng chanh leo với diện tích hàng chục ha. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm chanh leo của xã đều được doanh nghiệp thu mua. Trung bình mỗi hộ trồng chanh leo có thu nhập từ 70 – 80 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ thu được 200 triệu đồng/năm.
Hiệu quả dài lâu
Dự án Sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số tại các huyện miền tây Nghệ An được tổ chức quốc tế chống đói nghèo tại Việt Nam (Action Aid) phối hợp Liên minh HTX Nghệ An triển khai từ năm 2013 tại 2 huyện Quế Phong và Quỳ Châu. Kết thúc dự án, đã có hơn 3.000 thanh niên người dân tộc thiểu số tại 2 huyện tạo được việc làm, mô hình.
“Kết quả đạt được nổi bật nhất trong triển khai thực hiện dự án là việc hình thành các mô hình thanh niên sản xuất - kinh doanh hiệu quả, tạo nên hướng đi mới, sản phẩm mới có chất lượng”. Bà Nguyễn Phương Thuý – Trưởng phòng chính sách và truyền thông (Action Aid)
Theo ông Trần Văn Huy – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Nghệ An, trước khi triển khai, Liên minh HTX phối hợp 2 huyện đoàn phát phiếu thăm dò lấy ý kiến thanh niên trên địa bàn về nhu cầu đào tạo ở các lĩnh vực. Sau đó, trong 3 năm (từ 2013 - 2015), Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, Action Aid và các Huyện đoàn Quế Phong, Quỳ Châu tổ chức 16 lớp tập huấn cho hơn 440 lượt cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên, cán bộ HTX tại các xã. Nội dung tập huấn là về kỹ thuật sản xuất nấm, trồng rau, nuôi cá lồng, dưa rẫy và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm thông qua HTX...
“Tất cả các lớp tập huấn được tổ chức với phương châm “cầm tay chỉ việc”; học lý thuyết gắn với thực hành ngay tại thực địa, Qua đó thanh niên đã thay đổi nhận thức về vai trò khoa học - kỹ thuật. Từ chỗ chỉ làm theo kinh nghiệm, nay hầu hết thanh niên đã chủ động trong việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Sản phẩm làm ra cho năng suất và chất lượng cao hơn, góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình thanh niên” – ông Huy cho hay.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao