Vị thế tôm giống Ninh Thuận
Năm 2021, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đề ra một trong những mục tiêu phát triển thủy sản bền vững với trọng tâm là xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Nếu khai thác được tiềm năng, lợi thế, cùng với đầu tư các dự án khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, du lịch, năng lượng tái tạo, lĩnh vực thủy sản sẽ góp phần tạo đột phá về phát triển kinh tế biển.
Xứng tầm “thủ phủ” tôm giống
Tháng 3/2021, Sở NN&PTNT Ninh Thuận đã tổ chức thành công Hội thảo góp ý dự thảo Đề án Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Hội thảo nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đóng góp những ý kiến xác đáng, mở hướng cho nghề sản xuất tôm giống phát triển lên tầm cao hơn.
Để xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 – 2025 là ưu tiên đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao; thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và phát triển sản xuất tôm giống bố mẹ Sơn Hải, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam); sắp xếp, bố trí lại các cơ sở sản xuất giống thủy sản phù hợp với không gian quy hoạch chung của tỉnh; lựa chọn quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ mới vào sản xuất… Nhờ những hoạt động thiết thực, nên mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19 ngành thủy sản gặp khó khăn trong nhập khẩu tôm giống bố mẹ, nhưng sản lượng sản xuất tôm giống 8 tháng năm 2021 của Ninh Thuận ước khoảng 30.000 tỷ con, tăng 17% so cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, việc sản xuất tôm giống đã mang tính chất quy mô công nghiệp với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp lớn uy tín trong và ngoài nước như: C.P, Uni-President, Thăng Long, Việt Úc, S6… Hầu hết các cơ sở sản xuất tôm giống chấp hành đầy đủ các quy định quản lý, sử dụng tôm bố mẹ rõ nguồn gốc, thực hiện tốt việc kiểm tra môi trường, dịch bệnh và quan tâm lợi ích của người nuôi. Nhiều cơ sở giống đã kết hợp bán giống với dịch vụ thức ăn và các dịch vụ kỹ thuật cho người mua giống về nuôi có kết quả tốt.
Đến nay, Ninh Thuận xứng tầm là trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất cả nước với 489 cơ sở hoạt động, tổng công suất bể ươm 144.000 m3; được vận hành bởi đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhiều kinh nghiệm được đào tạo trong và ngoài nước đang làm chủ các quy trình sản xuất tiên tiến nhất; trong đó, có 2 cơ sở sản xuất tôm sú và TTCT giống bố mẹ duy nhất cả nước. Sản lượng con giống tăng mạnh hàng năm, đến năm 2020 sản xuất được 42,684 tỷ postlarvae, cao gấp 2,18 lần so năm 2015. Từ năm 2020 đến nay, sản lượng tôm giống của Ninh Thuận đạt gần 45 tỷ con, riêng 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 24 tỷ con, chiếm 35% tôm giống của cả nước.
Để đón đầu cơ hội phát triển, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2030 là khai thác triệt để lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm và năng động, sáng tạo của doanh nghiệp kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng tôm giống; từ đó khẳng định vai trò của Ninh Thuận trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất ngành tôm Việt Nam. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới, sáng tạo, đầu tư ứng dụng khoa học – công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, hợp tác, liên kết phát triển mở rộng thị trường, nâng cao giá trị Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”. Tập trung chuyển đổi sản xuất, toàn tỉnh có 40% số cơ sở có quy mô công suất trên 1 tỷ con giống/năm đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, 100% cơ sở được giám sát an toàn dịch bệnh. Sản lượng tôm giống toàn tỉnh đạt 60 tỷ con; trong đó, trên 70% sản lượng tôm giống chất lượng cao được sản xuất từ các cơ sở đủ điều kiện; chủ động 100% nguồn tôm sú bố mẹ, TTCT bố mẹ gia hóa.
Phát triển mô hình nuôi biển
Ninh Thuận còn được biết đến là một địa phương có nhiều lợi thế về tài nguyên biển. Vùng biển của tỉnh có diện tích trên 18.000 km2, nằm ở trung tâm vùng nước trồi và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp như Bình Tiên và Vĩnh Hy, Cà Ná. Đây cũng là môi trường sống lý tưởng của các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao: nhóm nhuyễn thể (sò, hàu, vẹm xanh…); nhóm cá biển (cá giò, cá hồng, cá mú, cá bớp…); nhóm giáp xác (tôm hùm, cua, ghẹ…); rong tảo biển (rong sụn, rong câu, rong nho, tảo biển…) và các đối tượng khác như hải sâm, sinh vật cảnh.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, các mô hình nuôi biển đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nhiều mô hình đã phát triển trở thành nghề chính của người dân. Như tại huyện Ninh Hải, tận dụng môi trường sinh thái biển thuận lợi, người dân đang tận dụng tối đa mặt nước biển ven bờ vào việc nuôi trồng hải sản. Đối tượng nuôi biển phổ biến được các hộ nuôi lựa chọn là các loài cá biển có giá trị kinh tế cao như: cá bớp, cá mú trân châu, cá chim, hàu Thái Bình Dương, tôm hùm và một số loài nhuyễn thể.
Để khơi dậy tiềm năng NTTS trên biển, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, cải tiến công nghệ nuôi biển để thích ứng với điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu. Cùng đó, tập trung phát triển các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Trong những tháng còn lại của năm 2021, Ninh Thuận tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi biển cho hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất nguồn giống các loại cá biển chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nuôi. Các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh, kịp thời thông báo cho các hộ nuôi chủ động phòng tránh. Các địa phương tăng cường quản lý về thức ăn, kiểm soát dịch bệnh, hướng dẫn thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để nghề nuôi biển ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Phát, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư S6 cho biết, hiện, tôm giống Ninh Thuận được công nhận là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh. Có đến 90% sản lượng tôm giống sản xuất trong tỉnh được tiêu thụ ở các vùng nuôi tôm thương phẩm trong cả nước, cho thấy chất lượng nguồn giống ngày càng nâng cao. S6 đã được Chi cục Thủy sản Ninh Thuận chọn triển khai thí điểm theo hướng kết hợp giữa nhãn hiệu chứng nhận và tem truy xuất nguồn gốc, giúp doanh nghiệp nâng cao tiêu chí để phát huy giá trị của nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao