Mô hình kinh tế Vĩnh Long Nuôi Gà Nòi Mùa Tết

Vĩnh Long Nuôi Gà Nòi Mùa Tết

Publish date Monday. February 2nd, 2015

Vĩnh Long Nuôi Gà Nòi Mùa Tết

Cận tết, nhiều người đổ xô về vùng quê để “săn” gà nòi. Họ chủ yếu tìm gà nòi đá trong dịp Tết hoặc bán lại cho những tay đá gà chuyên nghiệp ở TP Hồ Chí Minh lấy lời. Nhiều người dân “thức thời” nuôi gà nòi để cận Tết “xuất chuồng” và chỉ cần vài con gà chiến là bán đủ tiền tiêu xài trong dịp Tết.

Nuôi gà nòi… hốt bạc

Vài năm trở lại đây, nhu cầu gà nòi đá ngày càng cao và giá thì cũng cao chót vót, nhiều người nuôi gà nòi đá hốt bạc. Anh Chính (xã An Bình - Long Hồ - Vĩnh Long) nhiều năm nuôi gà nòi đá cung cấp cho những tay mê gà ở TP Hồ Chí Minh.
Anh Chính chia sẻ: Nuôi gà phải có kinh nghiệm chăm sóc gà. Đặc biệt là phải biết chọn giống và mỗi bầy chỉ chọn vài con có thể đá được. Hiện gà điều, xám, ô, tía, ngũ sắc (lông 5 màu) được nhiều tay chơi gà chuyên nghiệp ưa chuộng chứ không kỵ màu nào...
Nhờ anh biết xem “tướng gà” nên nhiều đại gia ở Sài thành mê gà và tin tưởng gà của anh Chính. Những con gà anh Chính chọn “thi đấu” có giá thấp nhất cũng từ 1 triệu đồng/con trở lên và nếu may mắn đổ ra được gà dữ thì giá lên chục triệu đồng/con.
Anh Hường (xã Song Phú - Tam Bình) cũng là tay đá gà chuyên nghiệp và có thời gian anh cùng với mấy người bạn ôm gà sang tận Campuchia “chiến đấu”. “Chinh chiến” nhiều năm, anh Hường nhận ra thua nhiều hơn thắng và thắng thì tiêu xài tiền phung phí, nhưng khi thua về rút hầu bao của vợ. Sau này, anh Hường không đá gà nữa mà chuyển sang nuôi và “săn” gà nòi bán trong dịp tết thì lời nhiều hơn. Do là người từng trong giới đá gà nên anh am hiểu về gà nòi khá tường tận.
“Nuôi gà đá dễ kiếm tiền nhưng rất cực, đòi hỏi người nuôi lão luyện, phải có bề dày kinh nghiệm, nhất là khả năng nhận diện về tướng mạo hùng dũng, lông lá kỳ vĩ, cặp cán (chân) khỏe mạnh, vẩy vi đều đặn và tiếng gáy oai phong. Để có được con gà nòi hội đủ điều kiện thì người nuôi phải biết chọn được gà mái giống và phải biết phối giống mới có những gà hậu bị tốt, dữ có khả năng chịu đòn (cựa) giỏi. Mỗi con gà nòi chiến có giá 5 - 10 triệu đồng là chuyện bình thường và bán vài con gà nòi là đủ tiền xài tết…”- anh Hường chia sẻ.
Anh Thảo (xã An Bình) chuyên cung cấp gà nòi đá cho những tay mê gà đá ở TP Hồ Chí Minh và lúc nào trong nhà cũng úp bội cả chục con gà nòi đá. Số gà này anh Thảo gom gà phổi (gà thịt) ở các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh… từ khoảng giữa năm trước đó về nuôi dưỡng lại.
“Những con gà phổi này mang lên TP Hồ Chí Minh cho thuê đá, nếu thua cũng không lỗ vốn và may mắn thắng thì gà mua vài trăm nhưng giá lên vài triệu đồng...” - anh Thảo cho biết.
Những ngày giáp tết này, nhiều người săn gà nòi đá trở lên TP Hồ Chí Minh cung cấp cho tay chuyên nghiệp đá gà và họ chọn những con gà chiến sang Campuchia đánh trận lớn.
Hiện, gà đá được gắn cựasắc bén nhọn nên dù gà nuôi mới một năm mà đá vài lần thì cũng “tử trận” và có khi bại ngay trận đầu nên vào “ấp sả” làm mồi nhấm. Bởi thế nhiều người nhận định nuôi gà nòi sẽ là nghề hốt bạc.
“Cưng gà hơn… vợ”
Một lần tôi đến nhà người bạn chơi, lúc “trà dư tửu hậu” anh ta phán một câu mà nghe qua bà vợ nổi quạu. “Bỏ rượu, thuốc lá, vợ được nhưng… không bỏ đá gà”. Anh bạn lý giải: Đá gà cũng có tính hấp dẫn của nó mặc dù pháp luật nghiêm cấm.
Tính hung hăng, gan lì; tướng mạo oai phong; sáng chiều nghe tiếng gáy của gà cũng sướng tai và gà nòi trống còn… đẻ ra tiền. Còn người vợ phàn nàn anh chồng “cưng gà hơn… vợ”. Anh ấy thức khuya dậy sớm nhưng không phải phụ vợ chuẩn bị đem hàng ra chợ bán mà chăm chăm mấy con gà nòi.
Gà nòi đá được anh tẩm bổ bằng thịt bò, hột vịt lộn, thằn lằn; đêm thì đi soi nhái cho gà ăn; sáng sớm ho gà tắm sương; ban ngày thì cắt lông gà;… không còn thời gian đâu để lo cho gia đình, dạy dỗ con cái…
Không phải một mình bạn tôi mà hầu hết những người “nghiện” gà đá đều có chung cảm nhận “cưng gà hơn… vợ”. Để có được con gà nòi đá ưng ý, người nuôi mất rất nhiều thời gian chăm sóc.
Anh Hường cho biết: Gà nòi đá phải được chọn lựa từ mới tẻ bầy đến khi chúng trưởng thành (7 - 8 tháng tuổi). Gà lớn lên phải tập đá (xổ gà), luyện sức dẻo dai và phải chú ý đến chuyện ăn uống, ngủ của chúng. Gà đến tuổi “chinh chiến” (1 năm) phải úp bội hơn 1 tháng, thời gian này rất quan trọng để tỉa lông, phun rượu, tha nghệ cho thịt săn chắc và con gà phải đạt được đỉnh sung sức…
Vài năm trở lại đây, gà nòi đá rất có giá trị nên tình trạng mất trộm xảy ra khá nhiều. Vì vậy, ban đêm nhiều người mang gà vào ngủ… chung phòng. Người dân xã Hòa Ninh truyền tai nhau, trước đó có một con gà nhạn nổi tiếng “bách chiến, bách thắng”.
Mỗi lần ra trận, nhiều người biết danh con gà nhạn này nên tìm cách tránh né hay chấp nhận chạy độ và đương nhiên nó là mục tiêu của những tay trộm. Bởi vậy, ông chủ đi đâu cũng mang “gà yêu” theo cùng và tối đem vào nhà giăng mùng cho nó ngủ kế bên. Sau này, khi gà già chết thì chủ chôn, làm mả đàng hoàng…
Vào thời điểm cận tết, về vùng nông thôn hay đi dọc các tuyến đường sẽ thấy người dân nhốt gà nòi rất nhiều. Những con gà nòi được chăm sóc rất kỹ, lông mượt, mặt đỏ au, sung sức chờ ngày ra trận và nó sẽ mang về tiền triệu cho người chủ. Nghề nuôi gà nòi mang lại nguồn lợi kinh tế cho gia đình trong dịp tết đến. Tuy nhiên, mọi người không nên lạm dụng bản năng của con gà để cờ bạc mà pháp luật nghiêm cấm.
Trước đây, người dân đá gà (chọi gà) mang tính nghệ thuật, giải trí. Những trận gà sử dụng cựa của chúng và mỗi trận gà có thể kéo dài cả buổi. Tuy nhiên, về sau này nó lại biến tướng gà đá bằng cựa sắt, bén nhọn nên sau trận gà bị tổn thương nặng và thậm chí gà chết tại trường. Ngày nay, đá gà ăn thua bằng tiền là hình thức cờ bạc pháp luật nghiêm cấm và dịp tết lực lượng công an tăng cường triệt xóa các tụ điểm đá gà.


Cây Cảnh Từ Thú Chơi Đến Làm Giàu Cây Cảnh Từ Thú Chơi Đến Làm Giàu Phòng Trị Bệnh Tiên Mao Trùng Cho Đàn Trâu Phòng Trị Bệnh Tiên Mao Trùng Cho Đàn…