Mô hình kinh tế Tỷ Phú Nhà Nông

Tỷ Phú Nhà Nông

Publish date Saturday. March 26th, 2011

Tỷ Phú Nhà Nông

Với cách làm năng động, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp (V.A.C) năm 2010 anh được công nhận là thanh niên làm kinh tế giỏi của tỉnh, đại diện thanh niên khối nông nghiệp tham dự hội nghị biểu dương “Tài năng trẻ toàn quốc năm 2010” do T.Ư Đoàn tổ chức và được T.Ư Đoàn Thanh niên tặng danh hiệu “Tuổi trẻ xuất sắc toàn quốc” cùng với giải thưởng Lương Định Của… Đó là đoàn viên Vũ Trung Học, 32 tuổi, HTX NN tư nhân Ánh Dương, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường).

Bỏ “thương” về với “nông”

Hơn 4 năm về trước, nhiều người dân ở thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) không khỏi ngạc nhiên khi thấy chàng thanh niên trẻ Vũ Trung Học, đang làm nghề kinh doanh bán hàng tạp hoá có uy tín tại chợ Thổ Tang bỏ nghề “thương” về với nghề “nông” để nhận thầu 5 ha đất trũng thuộc khu vực Đầm Sung giáp với xã Lũng Hoà đầu tư làm V.A.C. Đây là khu vực đất chiêm đầm cấy một vụ không ăn chắc “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn”, vì vậy khi thấy Vũ Trung Học trúng thầu, gia đình và bạn bè rất lo lắng. Vài người còn ác ý nói “Rồi Thằng Học sẽ sớm bỏ trang trại, đập áo vào cột rồi lại về chợ bán hàng cho mà xem”. Điều lo lắng ấy càng có lý khi năm 2008 do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, lại chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi quy mô lớn đã làm cho hơn 4.000 con vịt, 2.000 gà mái không đẻ cộng với gần một nửa đàn lợn nái không sinh sản được. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch cúm A/H1N1, A/H5N1 đã làm cho một số gà, vịt, lợn chết… thua lỗ hơn 200 triệu đồng.

Từ trong cái “khó” đã ló cái “khôn”, được sự động viên của người thân và bạn bè, Vũ Trung Học tìm đến những người đi trước học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, đồng thời liên hệ với cán bộ khuyến nông của thị trấn Thổ Tang và Trung tâm Khuyến nông huyện Vĩnh Tường, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Là người thông minh, chịu khó, ham học hỏi, Vũ Trung Học nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản trong xây dựng chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông; chế độ dinh dưỡng cho gà, vịt theo từng tuần tuổi, tháng tuổi cùng với cách tiêm phòng dịch bệnh và điều trị bệnh cho đàn gia cầm, thuỷ cầm và đàn lợn lai đúng kỹ thuật. Từ nguồn vốn của ngân hàng cùng với vốn của gia đình thành lập HTX NN Ánh Dương, đầu tư mở rộng thêm 2 ao cá, xung quanh bờ ao lát mái xi măng cùng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, vịt, lợn sinh sản với 2.000 gà đẻ siêu trứng, 200 con lợn thương phẩm, 100 lợn nái trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư nuôi cá Nheo, cá Trình, cá Chuồn theo hướng bán công nghiệp thả xen canh; trên bờ ao trồng chuối, xoài, nhãn, cam, bưởi và hàng chục loại cây hoa quả khác. Để chăn nuôi đảm bảo đúng kỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp, anh thuê 3 nhân công quản lý trang trại làm việc với thù lao hơn 4 triệu đồng/người/tháng và 7 công nhân lao động kỹ thuật với số tiền công thoả thuận từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Do có kỹ thuật, chủ động vốn đầu tư thức ăn, thuốc phòng dịch, vì vậy năm 2009, Vũ Trung Học đã bán được 13 tấn cá, 30 tấn thịt lợn thương phẩm, hơn 5 tấn lợn giống thu lãi hơn 300 triệu đồng, tiền bán chuối thu được gần 100 triệu đồng.

"Tỷ phú nhà nông”

Dẫn tôi thăm quan khu trang trại Đầm Sung, Vũ Trung Học cho biết: Đến nay khu trang trại của anh có 7 ao cá quy mô từ 500-1000 m2/ao; 3 khu nhà nuôi gà; 3 khu nuôi lợn. Hiện gia đình anh đang nuôi 3.000 gà đẻ siêu trứng, 200 con lợn thịt thương phẩm, 50 con lợn sinh sản giống lợn móng cái 3 máu; 1 nhà hàng ăn uống tận dụng nguồn nguyên liệu thuỷ sản tại chỗ đảm bảo phục vụ cho hàng trăm khách ăn cùng lúc với giá cả hợp lý với tổng số vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn nhận thầu 17 ha đất đầm chiêm của thị trấn, xây 3 ao nuôi trồng thuỷ sản chuẩn bị hoàn thành đưa vào sản xuất với tổng đầu tư vật tư, con giống gần 2 tỷ đồng. Thấy việc làm của Học giải quyết việc làm cho lao động trẻ; dự án cho vay vốn “Hỗ trợ thanh niên giải quyết việc làm” của tỉnh đã cho HTX Ánh Dương vay thêm 50 triệu đồng lãi suất thấp để anh đầu tư thêm con giống. Cách làm của Vũ Trung Học là tận dụng phân lợn, phân gà làm thức ăn cho cá, tận dụng cây cỏ cải tạo đất bờ ao trồng cây ăn quả và rau nuôi lợn.

Bên cạnh đó, anh Học mở thêm 1 xưởng sản xuất cửa nhôm kính cung cấp cho thị trường. Từ năm 2009 đến nay, thu nhập của gia đình anh tăng từ 300 triệu đến trên 500 triệu đồng/năm. Đến nay, tổng số vốn đầu tư xây dựng, mua con giống cho 2 khu trang trại lên tới hơn 5 tỷ đồng, trong đó vốn của gia đình gần 4 tỷ đồng.

Tôi bước theo dáng đi nhanh nhẹn của người Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thời mới Vũ Trung Học trong chiếc áo “Thanh niên Việt Nam” màu xanh lẫn giữa khu liên hoàn chuồng trại đan xen với ao thả cá, trên bờ ao bạt ngàn cây cối hoa quả. Vũ Trung Học cho biết “Hiện nay, cả 2 khu trang trại của HTX NN Ánh Dương của anh thu hút 14 lao động làm việc thường xuyên (chủ yếu là thanh niên). Thời gian tới, khu trang trại 2 hoàn thành sẽ thu hút từ 3-8 lao động làm việc thường xuyên. Ngoài ra, anh còn hợp đồng lao động thời vụ từ 20-30 người với mức tiền công từ 100-150 ngàn đồng/ngày.

Anh Học cho biết sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ thanh niên muốn học hỏi kinh nghiệm làm V.A.C. Ngoài công việc sản xuất kinh doanh, Học rất tích cực tham gia phong trào Đoàn của thị trấn và tích cực giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó.


Trầy Vẩy Nuôi Cá Rô Đầu Vuông Trầy Vẩy Nuôi Cá Rô Đầu Vuông Nuôi Tôm Theo Quy Trình Sinh Học Nuôi Tôm Theo Quy Trình Sinh Học