Tin thủy sản Virus SARS-CoV-2 trên cá hồi đông lạnh có thể lây lan sau hơn 1 tuần

Virus SARS-CoV-2 trên cá hồi đông lạnh có thể lây lan sau hơn 1 tuần

Author Hải Vân, publish date Monday. December 7th, 2020

Virus SARS-CoV-2 trên cá hồi đông lạnh có thể lây lan sau hơn 1 tuần

Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể tồn tại sau hơn một tuần trên bề mặt cá hồi đông lạnh, làm dấy lên lo ngại đây có thể là nguồn lây nhiễm quốc tế.

Các nhà khoa học ở Trung Quốc phát hiện virus SARS-Co-2 có thể tồn tại trên cá hồi động lạnh đến 8 ngày.

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), các nhà khoa học Trung Quốc  đã tiến hành nghiên cứu và chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 “ẩn náu” trong thịt cá hồi vẫn có khả năng lây nhiễm trong vòng 8 ngày, sau khi được bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C.  Nghiên cứu cũng cho biết virus vẫn có thể lây nhiễm trên cá hồi trong 2 ngày ở “nhiệt độ phòng thông thường” 25 độ C. 

Theo đó, cá hồi trong các khu chợ, nhà hàng và trong suốt quá trình vận chuyển, thường được bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C, có thể kéo dài khả năng sống sót của virus trong vòng 6 ngày. Trong khi đó, cá hồi chất lượng cao có thể được vận chuyển khắp thế giới chỉ trong vài ngày. Chẳng hạn, cơ quan đánh bắt cá của Chile năm 2019 cho biết cá hồi có thể được vận chuyển từ quốc gia này đến Thượng Hải chỉ trong 2 ngày rưỡi. 

“Trong điều kiện như vậy, cá bị nhiễm virus SARS-CoV-2  từ quốc gia này có thể dễ dàng được vận chuyển sang quốc gia khác trong vòng một tuần. Do đó, đây được coi là một trong những nguồn lây nhiễm quốc tế. Điều này đòi hỏi phải kiểm tra nghiêm ngặt, phát hiện virus trong  quy trình xuất nhập khẩu cá trước khi cho phép bán ra thị trường”, nghiên cứu do Tiến sĩ Dai Manman, Giáo sư Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc tại Quảng Châu đứng đầu, cho biết.

Hai trong số đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc - bao gồm đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán và đợt bùng phát sau đó ở Bắc Kinh vào tháng 6 – đều liên quan đến các khu chợ bán hải sản ẩm ướt. 

Đợt lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên được phát hiện tại Chợ Hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán vào cuối năm 2019. Nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy virus này xuất hiện ở những nơi khác, rất có thể là bên ngoài Vũ Hán.

Hải quan Trung Quốc đã phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, như tôm và cánh gà, nhiễm virus SARS-CoV-2. Tất cả các sản phẩm này đều được vận chuyển trong nhiệt độ thấp hơn nhiều nhiệt độ đông lạnh. 

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu cá hồi vào giữa tháng 6 sau khi virus được cho là được phát hiện trên thớt cá hồi tại chợ Tân Phát Địa, trung tâm của ổ dịch Bắc Kinh. Các nhà chức trách sau đó đã loại trừ cá hồi là nguồn lây bệnh.

Các trường hợp mắc bệnh ở Vũ Hán và Bắc Kinh khiến nhiều người “lo ngại rằng SARS-CoV-2 có trên cá hoặc thịt có thể là nguồn lây bệnh COVID-19 tiềm năng”, Tiến sĩ Dai cho biết.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn dẫn chứng các quốc gia khác tìm thấy virus SARS-CoV-2 trên thịt hoặc lây nhiễm cho các nhân viên đóng gói thịt. Đây cũng là bằng chứng có thể điều tra thời gian tồn tại của virus trên cá hồi.

Theo nhiều ước tính khác nhau từ ngành đánh bắt cá, trước đại dịch, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 40.000 đến 100.000 tấn cá hồi mỗi năm. Điều này đã khiến quốc gia này trở thành một trong những thị trường cá hồi lớn nhất thế giới. Trong đó, Chile, Na Uy, Việt Nam và Australia là những nguồn cung cấp cá hồi lớn nhất.

Tiêu thụ cá hồi và các loại hải sản nhập khẩu khác ở Trung Quốc đã giảm mạnh sau khi các đợt dịch bùng phát ở Bắc Kinh vào tháng 6, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.

Hoạt động kinh doanh tại một số nhà hàng Nhật Bản, nơi cá hồi sống là nguyên liệu phổ biến, đã giảm hơn 99%. Tuy nhiên, một chủ nhà hàng Nhật Bản cho biết thực khách đã bắt đầu quay trở lại và doanh nghiệp sẽ tiếp tục bán cá hồi nhập khẩu trong tuần này.


Đầu tư điện năng - Bí quyết giúp tôm Ecuador bật nhảy Đầu tư điện năng - Bí quyết giúp… Tinh chất diệp hạ châu và lá ổi trong nuôi trồng thủy sản Tinh chất diệp hạ châu và lá ổi…