Mô hình kinh tế Vụ cà phê 2015 nỗi lo nhân đôi

Vụ cà phê 2015 nỗi lo nhân đôi

Publish date Friday. November 27th, 2015

Vụ cà phê 2015 nỗi lo nhân đôi

Lo hụt sản lượng

Bây giờ đã là cuối tháng 11.

Ở những vườn cà phê Tây Nguyên, đến đâu cũng rộn ràng không khí thu hái.

Tuy nhiên từ chủ vườn đến những người hái thuê, mỗi người đều có tâm trạng khác nhau.

Gia Lai với khoảng 78.000 ha cà phê đang vào mùa thu hoạch, nhưng những chủ vườn lại đang đối mặt với thực trạng cà phê giảm năng suất, lại vừa giảm giá.

Tại vườn cà phê 9 sào của ông Đào Công Hiếu (tổ 3, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai, Gia Lai), không khí làm việc rất khẩn trương của các công nhân đang hái cà phê.

Năm nay, ông Hiếu thuê 6 nhân công từ Quảng Ngãi lên hái cho ông, cũng là những người làm cho ông từ những mùa trước.

Ông cho biết, do thời tiết khắc nghiệt, nước tưới khó khăn nên năng suất, sản lượng tụt hẳn so với năm trước.

Theo tính toán của ông thì vườn cây bị giảm năng suất khoảng 10% so với năm ngoái.

Vợ ông Hiếu- bà Trịnh Thị Quyên thì buồn rầu: “Vườn cà phê nhà tôi nhận khoán để cải tạo vườn từ năm 2008.

Năm rồi do ít mưa nên trái nhỏ, không đạt năng suất bằng mấy năm trước.

Chỉ trông sao được huề vốn là tốt rồi".

Cũng ở vựa cà phê Ia Grai này, vườn cà phê hơn 2 ha của gia đình bà Đặng Thị Lê (làng Mèo, xã Ia K'rái) mỗi năm thu hoạch được 9 tấn cà phê, nhưng năm nay sản lượng chỉ còn khoảng 6 - 7 tấn.

Không những thế mà chất lượng hạt giảm đáng kể, chính do hạt nhỏ dẫn đến sản lượng thấp.

Theo ông Đào Lân Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai thì, năm nay do hạn hán kéo dài nên nhân cà phê nhỏ hơn so với mọi năm, do đó ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng cà phê toàn huyện.

Nếu năm trước, cứ 4,5 kg tươi thì được 1 kg nhân thì năm nay, phải 4,7 kg tươi mới được 1 kg nhân.

Bà Lê cho biết: “Niên vụ này, do thiếu nước nên không tưới được đầy đủ, muốn bón phân cũng không bón được dẫn đến sản lượng bị hụt so với các vụ khác.

Bà con trong đây ai cũng vậy, thu hoạch sản lượng thấp, nhân nhỏ, bị hụt đi mất gần 1 tấn nhân.

Nhà tôi có hơn 2 ha, năm nay chỉ đạt khoảng 7 tấn nhân thôi, giảm hơn 2 hai tấn so với mọi năm”.

Lo hạ giá

Ngoài việc cà phê năm nay giảm năng suất, chất lượng thấp, người trồng cà phê ở Tây Nguyên còn đứng ngồi không yên theo giá cả thị trường.

Cà phê đang ở mức 39 - 40 ngàn đồng thì đến thời điểm đầu vụ xuống còn khoảng 34 - 35 ngàn đồng/kg nhân.

Nhiều nhà vườn cà phê ở Tây Nguyên như có gai châm trong lòng khi nhiều thông tin cho biết, giá cà phê vẫn còn tiếp tục xuống trong thời gian tới.

Ở vựa cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum, nông dân Đào Anh Tuấn có hơn 2 ha cà phê kinh doanh.

Anh cho biết: "Những năm trước, việc mất mùa được giá, hay được giá thì mất mùa, bà con chúng tôi đã quen lắm rồi.

Nhưng năm nay vừa mất mùa lại vừa mất giá nên khó khăn chồng thêm khó khăn.

Không biết đến khi nào, người trồng cà phê chúng tôi mới hết nỗi lo về mất mùa, mất giá!".

Ở vườn cà phê gần 2 ha của chị Nguyễn Thị Hiếu (thôn 5 xã Ea Kiết, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đăk Lăk) thì lại khác.

Do áp dụng đúng các quy định về chăm bón, tưới tiêu, thu hoạch...

nên vườn cà phê 1,8 ha của chị, năm nay cho thu được 6 tấn nhân.

Không phải lo nỗi lo mất mùa, chị Hiếu cũng không phải gánh nỗi lo mất giá bởi vườn cà phê của chị tham gia vào HTX, mà sản phẩm của HTX lại được Cty TNHH Đăk Man Việt Nam thu mua nên đầu ra ổn định, giá lại luôn cao hơn thị trường ít nhất 2.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, những trường hợp như chị Hiếu cũng chỉ là cá biệt, so với hàng vạn hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên đang phải đối mặt với chồng chất khó khăn trong niên vụ cà phê này.

Người làm thuê là được

Không như những chủ vườn với chồng chất những nỗi lo mà năm nay, những người đi hái thuê cà phê vẫn cứ vui vẻ như mọi năm, bởi ngày công của họ vẫn cố định, mặc cho cà phê có hụt sản lượng hay xuống giá.

Cũng ở vườn cà phê 1,8 ha của chị Hiếu nói trên, do nhà có lao động nên năm nay, chị chỉ thuê thêm ba nhân công thu hoạch.

Chị cho biết, họ đều là những người đến từ các tỉnh Bắc Trung bộ.

Ngoài việc chị lo ăn uống, lo chỗ ở, mỗi ngày chị trả cho một nhân công 170 ngàn đồng.

Bình quân mỗi tháng, một nhân công hái cà phê cho chị cũng nhận được 4 triệu đồng.

Còn tại vườn cà phê của ông Đào Công Hiếu nói trên, mặc cho nỗi lo của chủ vườn thì anh Đinh Văn Dũng (đến từ tỉnh Quảng Ngãi) vẫn đều đặn nhận được 250 ngàn đồng mỗi ngày (với giá như thế thì tất nhiên, anh và các nhân công khác phải tự lo việc ăn).

Anh Dũng cho biết: "Bình thường ở quê tôi làm...

"thợ đụng" (đụng đâu làm đấy, ai thuê gì làm việc nấy- PV).

Nhưng cứ đến mùa hái cà phê là tôi lại lên làm cho ông Hiếu.

Nhiều năm như vậy rồi".

Trừ ăn uống và những chi phí khác thì đến cuối vụ, anh Dũng cũng có một khoản tiền kha khá cho hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học dưới quê.

Ở một vườn cà phê thuộc vùng cà phê Ia Sao (Ia Grai, Gia Lai), anh Trần Văn Tuấn đang miệt mài với công việc hái cà phê.

Anh đến từ xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định).

Bình thường anh ở nhà làm nông, nhưng đến mùa cà phê, anh lại được chủ vườn ở đây điện thoại, vậy là khoác túi đi ngay.

"Tôi đi hái cà phê vừa kiếm tiền nhân lúc nông nhàn, vừa đi chơi cho biết thêm chỗ này chỗ khác", anh Tuấn vui vẻ nói.

Tuy mất mùa mất giá, những không thể không thu hoạch mỗi khi vào vụ.

Theo đó năm nào cũng vậy, lao động từ các tỉnh đồng bằng miền Trung, Bắc Trung bộ lại đổ về Tây Nguyên.

Có trường hợp cò lao động tuyển mộ tận quê rồi "bán" lại cho chủ vườn.

Cũng có trường hợp chủ vườn có người quen ở quê, nhờ tuyển giúp.

Nhiều chủ vườn phải ứng tiền trước, trả tiền xe đi về cho nhân công...

Nói tóm lại, mặc cho vườn cà phê như thế nào, giá cà phê ra sao thì người hái thuê vẫn là người vui vẻ sau mỗi vụ thu hoạch cà phê.


Thủy sản héo hon vì hạn Thủy sản héo hon vì hạn  Lận đận phận tôm Lận đận phận tôm