Mô hình kinh tế Vụ lùm xùm bán lúa dự trữ nhà nước: Đòi khiếu nại tới cùng

Vụ lùm xùm bán lúa dự trữ nhà nước: Đòi khiếu nại tới cùng

Publish date Monday. October 26th, 2015

Vụ lùm xùm bán lúa dự trữ nhà nước: Đòi khiếu nại tới cùng

Trả lời về những phản ảnh bán 2.335 tấn lúa dự trữ không minh bạch, bà Thới Kim Bình – Phó Chi cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung bộ khẳng định rằng đã làm đúng luật dự trữ, đúng quy trình, bán đúng giá được Bộ Tài chính phê duyệt.

Nói thêm về việc đăng ký mua lúa, bà Bình cho biết không có quy định về hình thức đăng ký.

“Việc những người kia có đăng ký ở Chi cục Dự trữ nhà nước Phú Yên vào ngày 14.10, tôi không biết.

Họ gặp tôi vào chiều 15.10 nhưng trước đó, ngày 14.10 bên tôi đã tiếp nhận sự đăng ký của một số người khác.

Người thì gọi điện thoại, người thì fax.

Khi gặp tôi để đăng ký mua lúa vào ngày 15.10, nhóm người khiếu nại này đã yêu cầu tôi cho họ xem danh sách, ngày giờ những người đăng ký trước họ, nhưng tôi nói rằng họ không có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước phải cung cấp theo ý họ…” – bà Bình nói.

Trụ sở Cục dự trữ nhà nước khu vực Nam trung bộ.

Cũng theo bà Bình, kết thúc ngày 16.10 (ngày bắt đầu mở bán), Chi cục Dự trữ nhà nước Phú Yên chỉ bán được 1 hợp đồng là một ô 335 tấn lúa.

Ngày 19.10, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung bộ xin chỉ đạo và được Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho phép bán nốt 2.000 tấn còn lại.

“Trong ngày 19.10, Chi cục Dự trữ nhà nước Phú Yên ký được 3 hợp đồng và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung bộ ký được 4 hợp đồng.

Ngày 20.10, ký nốt hợp đồng cuối cùng bán 335 tấn.

Đây là số thóc cuối cùng của lô 2.335 tấn xuất bán đợt này” – bà Bình nói.

Trước đó, trả lời phóng viên , ông Tạ Văn Chùm - Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ nhà nước Phú Yên nói: “Chi cục chúng tôi chỉ được giao nhiệm vụ bán một số lúa nhất định (335 tấn – PV).

Lượng lúa còn lại cơ quan cấp trên bán cho ai tôi không được rõ”.  

Được biết, vào sáng 21.10, khi nghe thông tin có một người mới được mua 335 tấn lúa vào ngày 20.10, bà Nguyễn Thị Mai Tố Ngọc cùng hai người khác từ Phú Yên đã vào Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung bộ khiếu nại.

“Từ khi bắt đầu đăng thông báo bán số lúa này cho đến ngày mở bán (16.10) chúng tôi chạy đôn đáo xin mua thì nói là hết lúa.

Ngày mở bán đầu tiên, ông Chùm - Chi cục trưởng còn bắt chúng tôi phải ghi giấy thì mới bán 335 tấn cuối cùng mà sao ngày 20.10 vẫn còn lúa để bán, ngày 19 lại bán cả ngàn tấn cho những người khác?”  - bà Ngọc đặt câu hỏi.

Bà Nguyễn Thị Ánh (huyện Đông Hòa, Phú Yên) bày tỏ: “Chúng tôi đi đi, về về giữa 2 tỉnh mà chỉ được mua vài chục tấn.

Còn những người không thấy mặt mặt mũi đâu thì được dành cho 2.000 tấn? Tại sao một khối tài sản hơn chục tỷ đồng của nhà nước mà lại có thể thuộc quyền quyết định của mỗi cá nhân bà Bình? Bà Bình hứa bán cho ai thì người đó được mua là lý gì? Tại sao không đấu thầu cho công khai minh bạch?”.

Bà Đặng Thị Cúc (Nha Trang, Khánh Hòa) - một người tham gia mua lúa, nói: “Họ thông báo là bán trực tiếp cho mọi đối tượng nhưng ngay từ đầu chúng tôi đăng ký thì bảo đã hết.

Nghi ngờ có tiêu cực, chúng tôi yêu cầu được xem danh sách ngày giờ, số lượng đăng ký thì họ nói chúng tôi không có quyền coi.

Đến ngày mở bán công khai, chúng tôi chực chờ từ 6 giờ 30 phút sáng đến tối mịt mà không có ai đến mua ngoài 6 người chúng tôi.

Chúng tôi đề nghị được mua toàn bộ số lúa đã thông báo bán nhưng tại sao nhất quyết không bán? Phải chăng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung bộ cố tình giữ 2.000 tấn lại cho “sân sau” của họ? Chúng tôi sẽ khiếu nại việc này cho tới cùng”.


Ở quê giờ cái gì cũng đủ chỉ thiếu người Ở quê giờ cái gì cũng đủ chỉ… Nhiều nước Đông Nam Á thiếu gạo Nhiều nước Đông Nam Á thiếu gạo