Vụ mía thắng lợi
Nhiều bà con nông dân trồng mía ở Hậu Giang, tỉnh có diện tích mía lớn nhất khu vực ĐBSCL, đều rất phấn khởi.
Họ nói vui rằng: “Niên vụ này cây mía đã ngọt trở lại sau 3 năm liên tiếp mang vị đắng do giá xuống quá thấp”.
Những ngày này, về huyện Phụng Hiệp, địa phương có vùng mía nguyên liệu gần 8.000 ha, lớn nhất của tỉnh Hậu Giang, nhà nhà trồng mía ai cũng háo hức, do trúng mùa, được giá.
Người chưa thu hoạch thì tất bật kêu thợ, chờ thương lái thua mua.
Hộ đốn rồi thì chuẩn bị vệ sinh liếp mía, tái đầu tư lại.
Đang cân mía cho thương lái ở bờ kênh trước nhà, ông Nguyễn Văn Khải, ở thị trấn Búng Tàu, Phụng Hiệp phấn khởi nói: “Năm nay, nông dân trồng mía ở đây ai cũng thắng lợi.
Gia đình tôi có 2 ha, thu hoạch được 215 tấn mía, bán với giá 1.150 đ/kg, sau khi trừ hết chi phí còn lãi gần 70 triệu đồng.
Nhờ vậy, mà tôi đã trả xong những khoản nợ còn tồn đọng năm trước, cũng như thanh toán chi phí đầu tư, còn lại chuẩn bị tiếp tục tái sản xuất cho vụ sắp tới”.
Niềm vui của gia đình ông Khải cũng là niềm vui chung của hàng ngàn hộ nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp.
Ông Lê Phước Mạnh, ở xã Tân Phước Hương, vừa thu hoạch xong 2,5 ha mía vui vẻ cho biết: “Khi mới xuống giống, ai cũng mong không bị thua lỗ đã là mừng nhưng không ngờ đến cuối vụ giá mía tăng vọt, lãi 30-35 triệu đồng/ha.
Riêng gia đình tui bỏ túi được hơn 80 triệu đồng.
Phải giữ được mức giá này thì người nông dân mới mạnh dạn đầu tư, gắn bó lâu dài với cây mía”.
Nếu như nông dân trồng mía bình thường vui một thì các thành viên CLB trồng mía 200 tấn mía/ha vui gấp đôi.
Ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm CLB 200 ở Hậu Giang cho biết, năm nay các thành viên đều có lãi cao từ cây mía, trung bình đạt 50 triệu đồng/ha, cá biệt có những hộ đạt 100 triệu đồng/ha.
Theo ông Hiền, năm nay không có lũ nên nông dân không bị áp lực thu hoạch mía chạy lũ, đợi mía chín mới thu hoạch nên chữ đường cao.
Hơn nữa, thời gian thu hoạch không gấp gáp nên không bị thương lái ép giá, công thu hoạch cũng giảm, khoảng 120.000 - 130.000 đ/tấn, thấp hơn so với năm ngoái khoảng 40.000 đ/tấn.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Phụng Hiệp cho biết, toàn huyện năm nay có tổng diện tích trồng mía 7.805 ha, trong đó hai xã chiếm diện tích nhiều nhất là Tân Phước Hưng (2.300 ha) và Hiệp Hưng (2.000 ha).
Đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch xong khoảng 4.000 ha, chủ yếu là giống mía chín sớm ROC 16, còn lại giống chín trung bình, chín trễ cũng đã vào vụ (các giống K và Quế đường).
Với tốc độ thu hoạch trung bình khoảng 100 ha/ngày như hiện nay, dự kiến đến đầu tháng 12 là bà con thu hoạch dứt điểm, để chuẩn bị cho vụ mía mới.
Năng suất mía trung bình ở Phụng Hiệp niện vụ này ước đạt khoảng 110 tấn/ha, thu về cho người nông dân lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha.
Còn ở CLB 200 năng suất đạt từ 180 - 210 tấn/ha, lợi nhuận 60 - 80 triệu đồng/ha.
Giá mía từ đầu vụ đến nay dao động từ 900 - 1.200 đ/kg, cao nhất trong 3 năm qua.
Niên vụ này cây mía đã ngọt trở lại sau 3 năm liên tiếp “mang vị đắng” do giá xuống quá thấp
Trước khi vào vụ, nhiều nông dân trồng giống chín sớm ROC 16 đã tranh thủ bán mía chục (12 cây) cho thương lái chở đi các tỉnh thành ép nước mía, được 313 ha.
Với giá trung bình 37.000 đ/chục, tính ra tương đương 1.500 đ/kg, lợi nhuận cũng rất khá.
Thu hoạch sớm, bà con có thời gian làm thêm vụ lúa liếp, tăng thu nhập.
Theo ông Tự, một nét mới trong công tác thu mua mía năm nay là phần lớn các chủ ghe đều trang bị máy test nhanh chữ đường tại ruộng, khá chính xác (về nhà máy đo chênh lệch rất ít).
Vì vậy, cả nông dân và thương lái đều yên tâm về chữ đường, giá cả thu mua, không còn tình trạng hoài nghi nhà máy gian lận khi tính chữ đường.
“Hiện tại đã có 5.000 ha mía của huyện được tỉnh đầu tư hệ thống đê bao khép kín, cộng với việc năm nay không có lũ, chúng tôi khuyến cáo bà con nên để mía lưu gốc, nhằm giảm chi phí đầu tư.
Theo tính toán, nếu lưu gốc nông dân sẽ giảm được chi phí đầu tư khoảng 20% và thời gian thu hoạch sẽ sớm hơn khoảng 1 tháng so với trồng bằng hom mới”, ông Tự khuyến cáo.
PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang Lê Văn Đời cho biết, niện vụ 2014 - 2015, toàn tỉnh xuống giống được 11.485 ha mía, đến nay đã thu hoạch được 4.700.
Nhờ trúng giá nên nông dân rất phấn khởi, trung bình lợi nhuận ròng khoảng 30 triệu đồng/ha.
Nhờ sự phối hợp tốt giữa ngành nông nghiệp và các nhà máy, chủ động vào vụ đúng thời điểm khi mía đã đạt chữ đường, nên hiệu quả kinh tế đạt cao.
Hơn nữa, do nước lũ đổ về ít nên bà con có thời gian, không chịu áp lực thu hoạch nên giá thuê nhân công không bị đẩy lên cao như năm ngoái.
Nhờ vậy mà hạ được giá thành, tăng thêm lợi nhuận.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao