Tin nông nghiệp Vựa lúa Tây Nam Bộ vấp nỗi lo cơ chế, chính sách

Vựa lúa Tây Nam Bộ vấp nỗi lo cơ chế, chính sách

Author Huỳnh Xây, publish date Friday. November 4th, 2016

Vựa lúa Tây Nam Bộ vấp nỗi lo cơ chế, chính sách

Nhiều nhà khoa học cho rằng, 30 năm qua (1986 - 2016), lúa gạo vùng Tây Nam Bộ đã phát triển nhiều mô hình sản xuất và được hỗ trợ mạnh, nhưng, lại gặp nhiều bất cập khi triển khai.

Cánh đồng lớn vẫn chưa hiệu quả

Ông Trần Hữu Hiệp – Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Đến cuối năm 2016, cánh đồng lớn (CĐL) được nhân rộng trên 146.300ha ở nhiều tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ. Bên cạnh một số ưu điểm, mô hình này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cụ thể là liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo nên chuyện “bẻ kèo” khi thị trường biến động thường diễn ra và bên thiệt hại không thể làm gì được.

Trong ảnh: Bên cạnh một số ưu điểm, mô hình sản xuất cánh đồng lớn ở ĐBSCL vẫn còn nhiều “nút thắt” cần phải được tháo gỡ. Ảnh: H.X 

Sản xuất lúa của người dân vùng Tây Nam Bộ vẫn ở quy mô nhỏ lẻ. Tuy có có khoảng 1,1 triệu hộ trồng lúa nhưng hộ có quy mô nhỏ (dưới 2ha) chiếm khoảng 86%; số hộ trồng lúa quy mô lớn (hơn 2ha), chiếm khoảng 14%. Diện tích canh tác bình quân mỗi lao động chỉ đạt 0,34ha, bằng khoảng một nửa so với Campuchia, Myanmar, Philippines. 

“Doanh nghiệp đầu tư, cung ứng giống cho nông dân, khi bị “xé hợp đồng” thì không biết kêu ai. Ngược lại, vẫn có doanh nghiệp hô hào quyết tâm hợp tác với nông dân, nhưng khi giá gạo xuống thấp thì quay lưng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có một cơ chế pháp lý xử lý để bảo vệ các mối quan hệ trong CĐL hiệu quả. Ngoài ra, thách thức mà CĐL đang đối mặt là người dân thu nhập vẫn thấp trong khi trình độ chuyên nghiệp đang được đòi hỏi nhiều” – ông Hiệp nói.

Theo các nhà khoa học, mô hình CĐL tuy được kỳ vọng thời gian qua, nhưng cũng chỉ chủ yếu giúp nâng cao giá trị các công đoạn làm ra hạt lúa (giống, chính sách đầu vào, tổ chức sản xuất…). Công đoạn quan trọng từ hạt lúa trên đồng đến hạt gạo hàng hóa trên thương trường chưa có sự tác động tích cực. Đây là yêu cầu rất bức xúc, đang tác động mạnh mẽ đến “túi tiền” của người dân.

Cần chính sách mới can thiệp kịp thời

PGS - TS Nguyễn Văn Sánh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết: “Qua rà soát 407 văn bản liên quan đến chính sách phát triển 4 ngành hàng chủ lực trong vùng, trong đó có lúa gạo cho thấy, có nhiều yếu kém của chính sách đã dẫn đến  hệ quả là sản xuất không theo kịp thị trường, dịch vụ nông nghiệp rất yếu. Vì vậy, yêu cầu can thiệp của Nhà nước về chính sách (hỗ trợ lãi suất, thu mua tạm trữ) ngày càng nhiều hơn; lồng ghép các chính sách để nâng cao mức sống cho người dân trồng lúa”.

Ngoài ra, theo PGS Sánh, việc sản xuất lúa thời gian qua còn gặp bất cập về hỗ trợ trong phát triển công nghệ sau thu hoạch, khiến cho vùng thất thoát một lượng lớn lúa gạo ngoài đồng và trong quá trình vận chuyển, phơi sấy.

Theo các chuyên gia, hiện nay, để cải thiện những yếu kém trên, phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo theo hướng giảm dần đầu vào và tăng giá trị; chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang kinh doanh thị trường, Nhà nước phải có nhiều chính sách mới, năng động, can thiệp. Về doanh nghiệp xuất khẩu gạo, phải có sự hợp tác, hỗ trợ nhau thay vì cạnh tranh như trước.

Ngoài liên kết trong nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp, GS-TS Võ Tòng Xuân còn đề xuất chọn giống lúa ngon mang thương hiệu Việt Nam để sản xuất. Tiếp đến, tổ chức theo chuỗi giá trị sản xuất, tham gia xúc tiến thương mại và phân phối đến khách hàng.

“Phải gắn nhà nông với nhà nông trong hợp tác xã nông nghiệp hoặc cụm liên kết nông dân kỹ thuật cao và gắn hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp trong cơ chế chuỗi giá trị. Cần chấm dứt kiểu làm ăn chụp giật” – GS Xuân khuyến cáo.


Tích tụ ruộng đất - đừng để vừa làm vừa băn khoăn Tích tụ ruộng đất - đừng để vừa… Xây nhà lầu cho trâu, bò ở: Siêu hữu hiệu khi mưa lũ Xây nhà lầu cho trâu, bò ở: Siêu…