Tin nông nghiệp Vua tinh dầu lạc đất miền Trung

Vua tinh dầu lạc đất miền Trung

Author Ngọc Vũ, publish date Tuesday. June 21st, 2016

Vua tinh dầu lạc đất miền Trung

Tốt nghiệp cử nhân, thất bại hết lần này đến lần khác nhưng anh Từ Linh Nhân vẫn vững chí tìm hướng gây dựng cuộc sống của mình. Giờ đây, anh Nhân đã bước đầu thành công với sản phẩm tinh dầu lạc và có doanh thu 500 triệu đồng/tháng.

Tiên phong đi đầu

Vừa qua, sản phẩm tinh dầu lạc mang nhãn hiệu Super Green do anh Nhân sản xuất đã vinh dự đạt giải Nhất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị lần thứ 3 năm 2016.

Học xong THPT, anh Nhân học tiếp Trường Cao đẳng công nghiệp, trung cấp kế toán ở Đà Nẵng. Năm 2005-2009, anh Nhân học thêm bằng cử nhân chuyên ngành quản trị kinh doanh của Trường Đại học kinh tế Đà Nẵng. Trong thời gian này, anh cầm cố sổ đỏ gia đình lấy vốn kinh doanh buôn bán tôn, nhựa, đồ gỗ, nhôm, sắt… nhưng đều thất bại, thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Nhưng, khí chất chàng trai sinh ra ở miền quê nghèo thôn Ngô Đồng, xã Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị) không biết sợ là gì. Năm 2010, anh tiếp tục vay mượn tiền để mở công ty xây dựng. “Tuy là công ty nhỏ, khởi đầu từ cái cuốc, cái xẻng nhưng số vốn bỏ ra không hề nhỏ. Đúng là tôi cũng liều thật” – anh Nhân cười khi kể lại.

Cơ duyên đến với nghề sản xuất tinh dầu lạc của anh Nhân thật tình cờ, đó là lần mẹ của anh được người bạn ở Quảng Nam tặng một lít tinh dầu lạc, dùng chế biến thức ăn rất ngon. Anh mê mùi thơm của tinh dầu lạc, lại nhớ đến chuyện gia đình có thâm niên 20 năm làm nghề thu mua lạc cho bà con nông dân nên lóe lên ý tưởng chế biến. Bắt tay vào làm, gia đình ủng hộ nhưng dân làng thì nói anh là kẻ điên, chắc chắn không thể thành công. Nhưng, anh Nhân vẫn quyết tâm vào Quảng Nam, Quảng Ngãi xem chế biến dầu lạc thế nào. “Ở trong đó, người dân chỉ ép dầu lạc theo kiểu nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, không phải sản xuất hàng hóa” – anh Nhân cho hay.

Khi đã nắm khá rõ kỹ thuật, năm 2014 anh Nhân bắt tay xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu lạc với mức đầu tư giai đoạn một là 4 tỷ đồng và lấy tên Công ty TNHH MTV Từ Phong. Tháng 8.2015, Công ty Từ Phong đi vào hoạt động.

Liên kết với nông dân

Lạc sau khi thua hoạch phải phơi khô, bóc vỏ lấy nhân xay thành bột, sau đó hấp cách thủy khoảng 2 tiếng đồng hồ. Tiếp đó đem đóng gói lạc, cho vào máy ép lấy tinh dầu thô, sau đó phải cho tinh dầu thô qua màng lọc cặn rồi chiết xuất vào chai, dán nhãn mác. Đó là quy trình sản xuất dầu lạc của Công ty Từ Phong.

Anh Nhân cho biết, mỗi năm công ty chế biến 1.000 tấn lạc (trong đó 600 tấn hàng thô xuất khẩu, còn lại sản xuất tinh dầu lạc). Trung bình, 2,3 kg lạc khô sẽ cho ra 1 lít dầu lạc. Mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… 5.000 lít dầu lạc, doanh thu 500 triệu đồng. Ngoài ra, xác (sau khi ép lấy dầu), vỏ, thân và lá cây lạc đều được tận dụng để sản xuất phân bón, phục vụ trở lại việc trồng lạc.

“Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được quan tâm. Cho nên, tới đây công ty sẽ liên kết với nông dân, cung cấp giống, phân bón, hệ thống tưới tiết kiệm nước… để sản xuất lạc hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Lạc sau khi thu hoạch sẽ được công ty bao tiêu sản phẩm, đưa về chế biến dầu lạc an toàn” – anh Nhân chia sẻ.

Công ty của anh Nhân không chỉ tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng và 40 lao động thời vụ, mà còn giải quyết đầu ra cho hơn 800ha cây lạc trên địa bàn huyện Cam Lộ, nâng cao đời sống nhân dân.


Lợi ích khi xây dựng vùng chăn nuôi an toàn Lợi ích khi xây dựng vùng chăn nuôi… Nông nghiệp tìm kế vượt khó Nông nghiệp tìm kế vượt khó