Mô hình kinh tế Xanh Lại Vườn Dâu Ở Lâm Hà

Xanh Lại Vườn Dâu Ở Lâm Hà

Publish date Friday. December 27th, 2013

Xanh Lại Vườn Dâu Ở Lâm Hà

Những người con của đất Hà thành khi đi khai hoang lập địa họ không chỉ mang theo tên đất, tên làng mà còn mang cả những nghề truyền thống của cha ông theo cùng. Cây dâu con tằm đã theo những bước chân của những cư dân Đồng bằng sông Hồng đến với vùng kinh tế mới Lâm Hà (Lâm Đồng) từ những thập niên 70 của thế kỷ trước bằng cách đó.

Bén rễ trên miền đất đỏ cao nguyên đã mấy chục năm nay và cây dâu con tằm đã trải qua bao nhiêu thăng trầm nhưng những cư dân nơi đây vẫn duy trì nó như gìn giữ một nghề truyền thống của tổ tiên xưa.

Thăng trầm cùng cây dâu con tằm

Trong ký ức của những người tiền trạm năm xưa vẫn chưa quên một vùng cỏ tranh xơ xác, bụi cây rậm rạp và sình lầy hoang vu khi mới đặt chân đến vùng đất mới Lâm Hà và sau đó không lâu đã biến nó thành những nương dâu xanh tốt. Cây dâu đã là cây trồng chính và tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình ở Lâm Hà một thời.

Thế nhưng, khi đất nước hội nhập, phát triển, những tấm vải được dệt bằng sợi hoá học thay thế cho những tấm lụa tơ tằm tự nhiên thì kén tằm mất giá, trong khi cây cà phê lại lên ngôi nên những nương dâu có lúc đã bị lãng quên, nhiều người đã không thương tiếc khi chặt phá những vườn dâu đang xanh lá để chuyển sang trồng cây cà phê.

Nhiều hộ tuy không chặt bỏ cây dâu nhưng cũng không quan tâm chăm sóc mà chỉ để nuôi vài nong tằm “cho vui” và giữ lại nghề truyền thống. Từ đó, trồng dâu nuôi tằm từ nghề chính đã trở thành nghề phụ và nhiều diện tích trồng dâu đã được chuyển đổi sang trồng cà phê và cây trồng khác.

Gia đình ông Đinh Trọng Hưởng vào lập nghiệp ở thôn Tiền Lâm, xã Đông Thanh, Lâm Hà từ năm 1982, đã chọn nghề trồng dâu nuôi tằm để đảm bảo cuộc sống gia đình. Cách đây khoảng 7 năm thì giá kén xuống thấp, ông đã chuyển sang trồng cà phê nhưng vẫn giữ lại hơn 0,2ha dâu để duy trì nghề nuôi tằm.

Ông Đinh Trọng Hưởng cho biết: “Nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của cha ông mình. Chính nghề này đã đem lại thu nhập và đảm bảo cuộc sống cho gia đình tôi những năm tháng mới vào lập nghiệp trên vùng quê mới. Chính vì thế mà khi nhiều hộ gia đình chuyển hẳn sang cà phê thì gia đình tôi vẫn duy trì mấy nong tằm. Giờ kén được giá tôi lại muốn phát triển thêm nữa”.

Triển vọng mới của nghề tằm tang

Có những lúc nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng chừng như dần bị phôi phai. Thời gian gần đây khi người ta quay lại với sản phẩm tự nhiên, những tấm lụa dệt từ tơ tằm lại được ưa chuộng, trong lúc diện tích dâu trên cả nước không ngừng giảm nên kén tằm được giá trở lại. Từ đó, những vườn dâu và nghề nuôi tằm lại được phục hồi trên đất Lâm Hà.

Theo thống kê của Phòng NN - PTNT huyện Lâm Hà, hiện nay diện tích vườn dâu trên địa bàn toàn huyện khoảng hơn 1.500ha. Trong đó, diện tích mới phát triển thêm là hơn 160ha và sẽ còn tăng ở các xã như Đông Thanh, Nam Ban, Tân Hà, Gia Lâm… khi giá kén tằm hiện nay đã là từ 140 - 150 ngàn đồng/1kg. Ông Đinh Thế Khanh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà cho biết: “Nghề trồng dâu nuôi tằm đang được phục hồi mạnh mẽ ở Lâm Hà. Nhiều công ty đã hợp tác đặt hàng mua kén của nông dân nên giá cả cũng tương đối ổn định.

Ngoài những giống dâu truyền thống thì nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn đưa về trồng thành công những giống dâu mới, giống dâu siêu cành, siêu lá cho năng suất cao. Không chỉ có giống dâu mới mà nhiều giống tằm mới cũng được người dân áp dụng nuôi để cho sản lượng kén cao. Nghề trồng dâu nuôi tằm cũng giúp người dân phá thế độc canh trong nông nghiệp để có thu nhập ổn định khi giá cà phê bấp bênh”.

Theo người nông dân thì hiện nay nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với cây cà phê: Với giống dâu mới, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 17 - 19 tấn lá trên mỗi hecta, đủ nuôi khoảng 1,6 tấn kén và như giá kén hiện nay là 140 - 150 ngàn đồng/1kg thì mỗi năm 1ha dâu sẽ cho thu nhập gần 250 triệu đồng. Một lợi thế nữa của nghề trồng dâu nuôi tằm là cho thu nhập và tạo công ăn việc làm quanh năm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà cũng có những cơ sở ươm tơ dệt lụa để bao tiêu sản phẩm kén cho nông dân. Tiêu biểu như Cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn (Cường Hoàn Silk) ở thị trấn Nam Ban là mô hình ươm tơ dệt lụa kết hợp tham quan du lịch, cơ sở này đã đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày và sản phẩm lụa dệt thủ công của Cường Hoàn Silk cũng được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng cơ sở này cũng đã bao tiêu cho nông dân khoảng hơn 8 tạ kén. Ngoài ra, nhiều vườn dâu và nong tằm trong các hộ gia đình cũng đang trở thành những điểm tham quan lý thú của khách du lịch khi đến với miền đất đỏ cao nguyên Lâm Đồng.

Tất cả những điều đó đã góp phần làm cho nghề trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Hà ngày càng khởi sắc. Hy vọng, người dân Lâm Hà sẽ phát triển vườn dâu một cách hợp lý để nghề truyền thống tằm tang được duy trì. Hi vọng một ngày không xa nữa, những vườn dâu sẽ được xanh lại trên đất Lâm Hà và nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ đem đến cho người dân nơi đây có công ăn việc làm, thu nhập ổn định và nâng cao đời sống.


Lần Đầu Tiên Xây Dựng Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Với Cây Mì Lần Đầu Tiên Xây Dựng Mô Hình Cánh… Vùng Rau An Toàn Sẵn Sàng Chờ Tết Vùng Rau An Toàn Sẵn Sàng Chờ Tết