Xây Dựng Chuỗi Rau Thịt An Toàn Cho Hà Nội
Trước vấn đề cấp bách liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, chiều 23/10, Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội cho biết sẽ thành lập Ban Điều phối thực hiện 2 đề án xây dựng chuỗi rau và thịt an toàn cho Thủ đô giai đoạn 2015-2020.
* Thành lập Ban điều phối thực hiện Đề án
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Hiện nay hầu hết nông sản ngoài thị trường qua xét nghiệm mức độ đảm bảo tương đối cao (trên 90%), song vẫn chưa được người tiêu dùng thật sự yên tâm, tin tưởng. Vì vậy, việc xây dựng thành công chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn, hai mặt hàng quan trọng nhất hiện nay cho Hà Nội có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, bình quân Hà Nội tiêu thụ khoảng 1.500-2.000 tấn thịt, 2.000-2.500 tấn rau/ngày. Trong đó, tự cung ứng được khoảng 60%.
Những năm qua, TP Hà Nội đầu tư rất mạnh mẽ cho phát triển các chuỗi rau, thịt an toàn hơn bất cứ địa phương nào khác, song phải thừa nhận thực tế là các chuỗi liên kết đều rất lỏng lẻo, thiếu bền vững. Việc Bộ NN-PTNT bắt tay giúp đỡ TP Hà Nội xây dựng đề án về rau và thịt an toàn chính là bước ngoặt tháo gỡ các vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách.
Với chuỗi cung ứng rau an toàn (RAT), Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, hiện TP Hà Nội đã quy hoạch cấp giấy chứng nhận được 5.000 ha vùng SX RAT.
Mặc dù có rất nhiều chính sách dành cho hạ tầng, kỹ thuật, tập huấn, chuyển giao, vật tư, thiết bị… song cái cần nhất với RAT Hà Nội hiện nay là cơ chế cho khâu phân phối, tiêu thụ lại không có, khiến RAT không bứt phá lên được, vô hình chung không tạo ra động lực với người SX.
Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan sớm ban hành Thông tư liên tịch có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho phát triển RAT theo chuỗi tại Hà Nội, đặc biệt là khâu phân phối, tiêu thụ.
Với Đề án chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm đảm bảo ATVSTP, theo Chi cục Thú y Hà Nội, thịt tại các lò mổ công nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ rất thấp trên thị trường (hiện mới được 27%).
Ngoài các chính sách của TƯ, TP Hà Nội đã hỗ trợ rất nhiều cho khâu giết mổ tập trung như hỗ trợ lãi suất 50% với năm đầu tiên, 40% năm thứ 2 và 30% năm thứ 3, nhưng chuyển biến rất chậm do không cạnh tranh được với giết mổ nhỏ lẻ.
Theo các đơn vị chức năng của TP Hà Nội, cần phải rà soát lại các chính sách hỗ trợ về chăn nuôi, giết mổ và thành lập các chợ đầu mối chuyên bán các sản phẩm thịt an toàn cùng cơ chế chính sách hỗ trợ, giám sát đi kèm để từ đó rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng mô hình.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Qua kiểm tra 12 loại rau có nguy cơ cao nhất tại Hà Nội, tỉ lệ mẫu không an toàn khoảng gần 3%, trước đây có thời điểm 8%, như vậy là có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, RAT SX ra được chứng nhận rất ít, theo thống kê chỉ 5-7%.
Chính vì vậy, người tiêu dùng không biết nhận biết thế nào là RAT. Về truy xuất nguồn gốc, theo ông Hồng, không nhất thiết phải đến tận người trồng mà chỉ cần đến DN và HTX.
“Để có thể dán tem, nhãn nhận diện và từ đó truy xuất nguồn gốc nhất thiết phải hình thành nên các DN, HTX chứng nhận, tập kết rau tại vùng đã được quy hoạch. Rau phải qua chỗ sơ chế, dán nhãn mới được đưa ra thị trường.
Sau đó, từ cơ sở sơ chế, đóng gói đưa ra thị trường, có thể đưa đến cửa hàng, bếp ăn tập thể lớn. Rau an toàn đó cũng có thể đưa đến chợ đầu mối, song phải đưa vào khu được quy hoạch, kiểm soát bán rau an toàn. Trước mắt, Bộ NN-PTNT và TP Hà Nội nên phối hợp làm chuỗi một số loại rau có số lượng lớn rồi chúng ta nhân rộng ra theo từng năm”, Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng góp ý.
Với quyết tâm thực hiện cho bằng chuỗi rau và thịt an toàn, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Trần Xuân Việt đề nghị Bộ NN-PTNT thành lập Ban Điều phối để thực hiện 2 đề án, trong đó Bộ NN-PTNT là đơn vị chủ trì, TP Hà Nội là cơ quan thường trực bởi hiện có tới trên 40% sản phẩm được tiêu thụ hiện nay đến từ các tỉnh lân cận.
Thứ 2 là Bộ giúp TP về khâu đào tạo, tập huấn cán bộ. Tiếp đến là hỗ trợ rà soát các chính sách hỗ trợ bởi khâu hỗ trợ cho phân phối, tiêu thụ hiện chưa có. Cuối cùng, Bộ NN-PTNT hỗ trợ kết nối TP Hà Nội với các tỉnh trong đề án.
Đồng ý với đề xuất trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các đơn vị liên quan nhanh chóng chỉnh sửa, kiện toàn đề án để xác định lại cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ. Trong đó, phân công rõ nhiệm vụ, công việc của Bộ NN-PTNT, TP Hà Nội cũng như các tỉnh có liên quan.
Bộ trưởng nhất trí việc thành lập Ban Điều phối để thực hiện, song phải có quy chế hoạt động, phối hợp, chỉ đạo rõ ràng chứ không thể thích thì làm không thích thì thôi. Hơn nữa, trong trường hợp cần thiết, Bộ NN-PTNT, UBND TP Hà Nội cùng các ban ngành sẽ có buổi làm việc với Chính phủ xin ý kiến cũng như xây dựng Thông tư liên bộ thực hiện nhiệm vụ này.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao