Mô hình kinh tế Xây Dựng Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Ở Tân Thịnh (Nam Định)

Xây Dựng Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Ở Tân Thịnh (Nam Định)

Publish date Wednesday. September 17th, 2014

Xây Dựng Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Ở Tân Thịnh (Nam Định)

Xã Tân Thịnh (Nam Trực - Nam Định) có 697ha đất canh tác; trong đó HTXDVNN Nam Thịnh được giao quản lý 275ha. Thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML), năm 2011, xã Tân Thịnh là một trong 3 đơn vị được huyện Nam Trực chọn làm điểm xây dựng CĐML với diện tích ban đầu 30ha. Đến nay, qua 3 năm triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả và mở rộng ra toàn xã với tổng diện tích 125ha.

Để xây dựng thành công mô hình CĐML, xã Tân Thịnh đã lựa chọn khu vực cánh đồng Đồng Quan của HTXDVNN Nam Thịnh để triển khai thực hiện. Với diện tích 30ha, mô hình CĐML với sự tham gia của 145 hộ thuộc 5 đội sản xuất. Trao đổi về các giải pháp thực hiện tại địa phương, đồng chí Phạm Văn Coóng, Chủ nhiệm HTXDVNN Nam Thịnh cho biết: để đảm bảo các tiêu chí mô hình CĐML “cùng giống, cùng thời vụ, cùng phương thức canh tác”, Ban chỉ đạo của xã đã họp với 5 cơ sở đội sản xuất có diện tích thuộc khu Đồng Quan để triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện. Phòng NN và PTNT huyện Nam Trực, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tập huấn quy trình sản xuất trên CĐML cho toàn bộ xã viên tham gia mô hình.

HTX đã chủ động mua và hỗ trợ toàn bộ lượng giống Bắc thơm số 7 nguyên chủng của Cty CP Giống cây trồng Nam Định và phân bón Đầu trâu do Cty Phân bón Bình Điền cung ứng cho xã viên theo phương thức chậm trả. Toàn bộ giống và phân bón được cấp cho bà con nông dân đầy đủ, kịp thời trước khi vào vụ sản xuất, bình quân mỗi sào được hỗ trợ 40 nghìn đồng.

Bà Phạm Thị Hoa, xã viên HTXDVNN Nam Thịnh, một trong những hộ dân canh tác theo mô hình CĐML ở xã Nam Thịnh cho biết: Ban đầu tôi còn lạ lẫm với mô hình CĐML, nhưng khi được cán bộ Ban Nông nghiệp và HTX hướng dẫn, tôi tự nguyện tham gia canh tác và thấy trồng lúa bớt vất vả hơn hẳn mà năng suất lại cao hơn trước, nhất là không phải tự xoay xở tìm giống lúa phù hợp, không phải nợ tiền phân, thuốc và không phải lo “đầu ra”.

Theo đồng chí Phạm Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND xã: Do đồng đất của xã Tân Thịnh có đến 30% diện tích là đồng trũng, còn lại chủ yếu là sử dụng máy bơm nên việc chủ động nguồn nước, giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, sản lượng sẽ giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Vì vậy, việc xây dựng CĐML cũng góp phần thúc đẩy xây dựng NTM, hoàn thành các tiêu chí về thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.

Sau thành công của mô hình CĐML ở HTXDVNN Nam Thịnh, đến nay, Ban chỉ đạo xây dựng CĐML của xã cũng đã chỉ đạo HTXDVNN Nam Tân tiếp tục xây dựng CĐML với diện tích 55ha, đưa tổng số diện tích CĐML toàn xã lên 125ha. Nhiều hộ xã viên đã tự nguyện tham gia.

Trồng lúa theo mô hình CĐML, xã viên được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn gieo sạ theo lịch thời vụ hợp lý để tránh sâu bệnh, tận dụng được nguồn nước thủy lợi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả và an toàn với môi trường.

Bên cạnh đó, xã viên được hỗ trợ giống lúa, phân bón. Với việc xây dựng thành công mô hình CĐML, giá thành sản xuất lúa đã giảm, năng suất lúa toàn xã đạt 60 tạ/ha ở vụ xuân, 54-55 tạ/ha ở vụ mùa, tăng 10-15% so với trước khi xây dựng.

Từ việc xây dựng mô hình CĐML ở xã Tân Thịnh đã góp phần hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến trên 20ha đất canh tác để mở rộng đường giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho việc phục vụ sản xuất. Đến thời điểm này, xã Tân Thịnh đã hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng NTM. Xã phấn đấu hoàn thành thêm 2/19 tiêu chí trong năm 2014 và các tiêu chí còn lại trong năm 2015.


Sa Pa (Lào Cai) Sản Lượng Rau Các Loại Đạt Hơn 12 Nghìn Tấn Sa Pa (Lào Cai) Sản Lượng Rau Các… Bình Phước Thiếu Thị Trường Cho Cao Su Giống Bình Phước Thiếu Thị Trường Cho Cao Su…