Xây Dựng Thương Hiệu Mủ Trôm Tuy Phong (Bình Thuận)
Cây trôm là một phát hiện thú vị của huyện Tuy Phong (Bình Thuận), một minh chứng cho nỗ lực biến khó khăn, thách thức thành lợi thế của người nông dân ở vùng đất khô hạn nhất nước này.
Tuy Phong nổi tiếng là vùng đất cát khô hạn, nhiều nắng gió, nơi có lượng mưa trung bình thấp nhất cả nước, nhưng chính vì sự khắc nghiệt ấy, mà sản phẩm mủ trôm nơi đây có chất lượng hơn hẳn so với các vùng nhiều mưa khác.
Là loại cây chịu hạn, thích nghi tốt với vùng đất khô cằn, cây trôm ban đầu chỉ là loại cây trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc ở Tuy Phong. Sau này, phát hiện cây trôm có nhiều công dụng quý, nông dân Tuy Phong tập trung đầu tư phát triển cây trôm. Toàn tỉnh có hơn 500ha trôm, thì ở Tuy Phong có hơn 400ha, tập trung ở xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, Phong Phú. Với năng suất bình quân 300 kg mủ/ha/năm, cây trôm cho thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/ha/năm, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người, nhất là lao động nữ.
Giá trị nhất của cây trôm là mủ (nhựa) trôm, là loại nguyên liệu quan trọng dùng trong công nghiệp sản xuất nước giải khát, mỹ phẩm. Mủ trôm đáng quý vì ngoài tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc, giảm mỡ trong máu, hỗ trợ điều trị bệnh gan, mụn nhọt, còn có công dụng chữa trị các bệnh về da nhờn, nhiều mụn, ngăn ngừa nhăn da, giúp da tươi sáng, làm chậm tiến trình lão hóa, rất cần cho phụ nữ.
Trôm còn là loại cây thân gỗ, sống lâu năm, trồng khai thác gỗ rất kinh tế. Gỗ trôm dùng làm bao bì, bột giấy, ván dăm, ván sợi…
Đa tác dụng, nhưng sản phẩm chế biến từ mủ trôm chưa đa dạng, chủ yếu sử dụng làm nước giải khát. Công ty mỹ phẩm Vĩnh Tân đã nghiên cứu sản xuất thành công kem dưỡng da làm từ mủ trôm (đã đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ).
Ngoại trừ sản phẩm của 2 doanh nghiệp (Công ty mỹ phẩm Vĩnh Tân và DNTN Liên Hảo) có nhãn mác, còn hầu như mủ trôm bán trên thị trường không có nhãn mác, người tiêu dùng không thể nhận biết xuất xứ của sản phẩm.
Hoạt động quảng bá mủ trôm Tuy Phong chưa nhiều, chưa rộng rãi; chỉ có 2 doanh nghiệp trên tham gia hội chợ, đưa sản phẩm bán ở nhiều nơi. Có thể nói mủ trôm Tuy Phong chưa có tên tuổi, thương hiệu rõ ràng trên thương trường, nên còn ít người tiêu dùng biết đến. Rất nhiều phụ nữ Bình Thuận không biết hình dạng cây trôm thế nào? Mủ trôm là gì? Công dụng ra sao? Mua dùng thử ở đâu?.
Nỗ lực đáng kể nhất là vào tháng 8 năm nay Sở Khoa học và Công nghiệp phối hợp Liên Hiệp hội Khoa học kỹ thuật và huyện Tuy Phong tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu mủ trôm Tuy Phong”. Hội thảo này đặt ra một số vấn đề: nghiên cứu, đánh giá chất lượng của mủ trôm Tuy Phong, kỹ thuật trồng, thâm canh cây trôm, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, quy hoạch phát triển cây trôm, đa dạng hóa sản phẩm từ cây trôm… nhưng thu hút được các doanh nghiệp, các nhà khoa học, đầu tư tiền bạc và chất xám vào cây trôm Tuy Phong, thì còn nhiều việc cụ thể phải làm.
Xây dựng và nâng tầm thương hiệu mủ trôm Tuy Phong (và nhiều sản phẩm lợi thế khác nữa của Bình Thuận), là việc phải đầu tư đúng mức, đúng tầm, để nông dân yên tâm phát triển sản xuất.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao