Xây khu ươm dưỡng giống kết hợp vùng sản xuất tập trung
Nhằm phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, lãnh đạo ngành thủy sản chủ trương đẩy mạnh các cơ sở sản xuất giống tập trung.
Nuôi trồng thủy sản cần kế hoạch dài hơi và phát triển có định hướng.
Bộ NN-PTNT đang xây dựng chiến lược nuôi biển đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu có từ 2-3 triệu tấn hải sản nuôi biển vào năm này. Ngoài nuôi xa, ngành thủy sản còn tập trung nuôi gần với những loài như rong, tảo, rong sụn.. vừa nhằm tạo việc làm cho bà con ngư dân, vừa giảm phụ thuộc vào khai thác tự nhiên.
Trong quá trình khảo sát những mô hình nuôi biển thành công trên thế giới, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, Na Uy có hệ thống từ sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến rất phát triển, đặc biệt là cá hồi, có thể trở thành hình mẫu cho Việt Nam.
"Nước bạn có hệ thống lồng hiện đại. Họ kiểm soát từ thức ăn, vacxin, cho đến quá trình sinh trưởng bằng công nghệ hiện đại", ông chia sẻ.
Ngoài đất nước Bắc Âu, ông Cẩn thông tin, rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Chile cũng có kinh nghiệm hay về phát triển nuôi biển xa bờ. Bên cạnh đó, Hàn Quốc, Nhật bản, Ấn Độ sở hữu một số mô hình nuôi nhuyễn thể, rong biển hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao.
Chung quan điểm với ông Cẩn, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh tin rằng, cần một giải pháp đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương, thậm chí kết hợp liên ngành để giải một cách căn cơ bài toán nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Minh, những công việc cần làm ngay gồm: Cải tạo, nâng cấp, đầu tư cho 18 cơ sở sản xuất giống; Quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp ươm dưỡng giống, kết hợp với vùng sản xuất tập trung; Liên kết, hợp tác với các cơ sở trong và ngoài tỉnh để tăng chất lượng con giống; Tổ chức kiểm tra chất lượng trước khi xuất con giống cho bà con ngư dân; Tổ chức nghiên cứu, phát triển quy mô và chất lượng con giống cho nhiều vùng nuôi trồng.
Còn nhiều dư địa phát triển, nhưng ông Đỗ Đình Minh cũng thừa nhận một số khó khăn trong quá trình triển khai nuôi biển. Cụ thể, chưa có hướng dẫn cụ thể để người nuôi có thể áp dụng hiệu quả các mô hình; Việc quy hoạch vùng nuôi cần kết hợp đánh giá sức tải môi trường; Kiểm soát chất lượng con giống đi kèm xây dựng bộ tài liệu, chương trình để hướng dẫn người nuôi.
Tại Quảng Ninh, một số sản phẩm nhuyễn thế giá trị cao như: hàu Thái Bình Dương, tu hài, ngao…đang được thử nghiệm, phát triển thông qua hệ thống lồng, dàn bè trên biển. Tuy nhiên, các lĩnh vực nuôi trồng này đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao so với nuôi ở bãi, cần thời gian để khảo nghiệm, đưa ra những đánh giá chính xác.
Hướng đi sắp tới của ngành thủy sản, theo tư vấn từ Vụ nuôi trồng thủy sản, là mạnh dạn phát triển nuôi xa bờ, tiến tới việc nuôi quanh năm. Xa bờ không có nghĩa là nuôi giữa đại dương mênh mông mà là xác định vị trí đủ xa để có độ sâu và dòng chảy cần thiết, đủ gần với các hỗ trợ hậu cần trên đất liền và nên ở những vùng đã được định sẵn cho thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bộ đang triển khai xây dựng chiến lược nuôi biển, trong đó chú trọng đến một số yếu tố quan trọng như: chất lượng giống, làm chủ công nghệ, và xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp.
Thứ trưởng cũng đặc biệt quan tâm tới hệ thống thiết bị công nghệ nuôi, cụ thể là lồng, đảm bảo tích hợp nhiều công nghệ và có các hệ thống phụ trợ đi kèm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao