Tin nông nghiệp Xu hướng nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Xu hướng nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Author Hà Chi, publish date Thursday. October 3rd, 2019

Xu hướng nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Trồng trọt theo hướng hữu cơ đã được áp dụng nhiều tại Việt Nam, giúp bà con nông dân nâng cao giá trị nông sản.

Người dân tại huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.

Theo quy định của IFOAM (tổ chức bảo vệ quốc tế về nông nghiệp hữu cơ), sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ khi giống trồng do con người chọn lọc, bảo quản mà có, không phải là giống chuyển gen. Ngoài ra đất trồng không sử dụng bất cứ loại phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ, diệt sâu bệnh thuộc dạng hóa học và sử dụng nước sạch. Tại Việt Nam, phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ đang phát triển.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện toàn quốc hiện có 40 tỉnh thành có trồng trọt hữu cơ với gần 23.400 ha. Diện tích chủ yếu là sản xuất theo các tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản... chiếm 97,5% diện tích trồng trọt hữu cơ; sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè.

Hiện nay, có khoảng 12 tỉnh thành chăn nuôi lợn hữu cơ với 64.200 con, sản lượng thịt hơi gần 6.000 tấn; chăn nuôi gà hữu cơ có ở 6 tỉnh với 273.000 con, sản lượng thịt hơi 922 tấn; chăn nuôi bò hữu cơ có 2 tỉnh là Nghệ An và Lâm Đồng được các tổ chức quốc tế công nhận với tổng số 3.500 con.

Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm thì trên cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển 1.261 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, 1.456 sản phẩm và 3.177 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Các chuỗi cung ứng có sự tham gia của 100 hợp tác xã, 250 công ty, một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop...)

Tại Bắc Giang, sản phẩm vải thiều hữu cơ được bán lên tới 600 nghìn một kg, quả vải thiều hữu cơ được bao gói trong các hộp giấy lót lụa sang trọng mà năm nay lần đầu tiên được bán ra thị trường. Loại đóng túi giấy 1kg có giá bán 85 nghìn đồng, loại đóng hộp 12 quả có giá bán 200 nghìn đồng, tương đương khoảng 600 nghìn đồng một kg.

Vườn vải thiều được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ. Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ về kỹ thuật để sản xuất an toàn, bền vững còn có hệ thống camera lắp đặt giám sát tại vườn, quy trình chăm sóc theo dõi bằng nhật ký điện tử.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam hiện mới chỉ chú trọng vào một số sản phẩm chất lượng cao nên giá thành sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ hiện vẫn cao gấp 2 - 4 lần thông thường và có trường hợp cao đến 12 -13 lần như Vải thiều hữu cơ của Bắc Giang mới xuất hiện năm nay. Điều này đã tạo động lực hơn để người nông dân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.

Cùng với đó, trong thị trường nội địa, số đông người tiêu dùng trong nước vẫn chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ nên chưa hình thành được thói quen tiêu dùng và thị trường tiêu thụ tại chỗ. Riêng tại phân khúc thị trường cao cấp - nhóm người có điều kiện kinh tế đang hướng tới tiêu dùng các mặt hàng nông nghiệp sạch thì chủ yếu sử dụng các mặt hàng hữu cơ nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Phân bón hữu cơ được sử dụng để diệt trừ sâu bệnh.

Với những lợi thế là đất nước nông nghiệp cùng với xây dựng định hướng cho thời gian tới, ngày 5/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo "Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam", tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã khẳng định: "qua khảo sát nông nghiệp hữu cơ đã có trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp. Việt Nam có lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên tùy thuộc vào lợi thế mỗi vùng, miền" .

Theo Tiến sỹ Tống Khiêm - Nguyên GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT: "Để sản xuất được tiêu chí đạt chứng nhận là hữu cơ thì đất là một yếu tố rất quan trọng. Tất nhiên đất chỉ là một tiêu chí nhưng phải nói là đất sạch, đất ko bị ô nhiễm và đất ít bị thoái hoá".

Đồng tình với Tiến sỹ Tống Khiêm, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp Hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng cho rằng, đất đai của chúng ta sau nhiều năm bón quá nhiều phân hoá học khiến cho bị ô nhiễm. Đến nay, chúng ta cần có thời gian và điều kiện để cải tạo đất này. Để cải tạo đất, chi phí ban đầu là rất lớn và khi chuyển đổi từ phân bón hoá học sang phân bón hữu cơ thì năng suất không thể nào vượt lên được ngay được. Thế nhưng, đối với sản xuất hữu cơ qua giai đoạn ban đầu khoảng 5 năm thì năm suất sẽ tốt hơn và hiệu quả cũng sẽ tốt hơn. Để nắm bắt cơ hội, người nông dân cần phải kiên trì, nhất là trong giai đoạn đầu.


Xuất khẩu sắn đối mặt cạnh tranh khốc liệt từ Thái Lan Xuất khẩu sắn đối mặt cạnh tranh khốc… Trồng ớt bằng màng phủ nông nghiệp thắng lớn Trồng ớt bằng màng phủ nông nghiệp thắng…