Xử lý chất thải trang trại, còn nhiều bất cập
T rong khi biện pháp biogas phát huy hiệu quả tốt về kinh tế và môi trường với các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ thì các trang trại chăn nuôi quy mô vừa (trên 50 con lợn) và lớn (trên 500 con lợn) vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu liên quan đến nhu cầu sử dụng khí gas và xử lý chất thải chăn nuôi thừa, nước thải sau biogas.
NNVN xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Thế Hinh.
Về nhu cầu sử dụng khí gas: Với chăn nuôi quy mô nhỏ, một công trình biogas có dung tích khoảng 9 m3 là đủ cung cấp khí gas cho nhu cầu đun nấu sinh hoạt của một hộ gia đình.
Tuy nhiên, khí gas sinh ra từ các công trình biogas quy mô vừa và lớn hiện nay hầu như không được sử dụng hết.
Qua khảo sát của dự án LCASP, chỉ một phần nhỏ khí gas sinh ra từ các trang trại chăn nuôi lợn được sử dụng cho nhu cầu đun nấu tại trang trại, phần lớn khí gas còn lại bị đốt bỏ hoặc xả ra môi trường.
Một số trang trại đã thử áp dụng mô hình máy phát điện sử dụng khí ga nhưng không hiệu quả do một số nguyên nhân sau:
(i) Giá mua điện lưới của Nhà nước rẻ hơn nhiều so với giá thành SX điện từ khí ga;
(ii) công nghệ lọc khí ga hiện tại không tốt dẫn đến nhiều khí H2S và hơi nước vẫn còn lẫn trong khí ga gây hỏng máy phát điện;
(iii) Đa số các máy phát điện hiện tại có chất lượng thấp hoặc cải tạo lại từ các máy phát điện chạy dầu, xăng nên hiệu quả thấp, hay hỏng vặt, các máy phát điện chất lượng cao phải nhập ngoại với chi phí đầu tư rất lớn.
Trong thực tế, một số trang trại đã đầu tư máy phát điện nhưng chỉ sử dụng thời gian đầu rồi phải bỏ.
Trong khi đó, công nghệ dẫn khí gas từ các trang trại đến các hộ dân để đun nấu còn chưa được nghiên cứu áp dụng ở nước ta.
Việc xử lý phân lợn thừa và nước thải sau biogas của các trang trại chăn nuôi lợn cũng đang có rất nhiều bất cập.
Ở nhiều nơi cán bộ dự án khảo sát, nguồn nước và môi trường ở xung quanh các trang trại chăn nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Các đề xuất mô hình thí điểm nhằm tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết thực trạng ô nhiễm của các trang trại chăn nuôi lợn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên chất thải chăn nuôi tại 10 tỉnh tham gia dự án LCASP đang rất cần sự vào cuộc của các đơn vị nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Vấn đề chủ yếu gây ô nhiễm là phân lợn đưa xuống hầm biogas vượt quá công suất xử lý của hầm, phân chưa kịp phân giải đã trào ra hệ thống thoát nước, gây ô nhiễm nguồn nước mặt của các khu dân cư.
Một số trang trại chăn nuôi lợn kết hợp trồng cây ăn quả, cây công nghiệp đã tích nước thải sau biogas vào các ao chứa và sử dụng để tưới cây nhưng chưa biết cách sử dụng đúng nguồn nước thải sau biogas này nên dẫn đến cây trồng bị chết hoặc phát triển không tốt.
Ông Hùng, chủ trang trại chăn nuôi có khoảng 3.500 con lợn và hàng chục ha trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết nước thải sau biogas quá đen và nhiều bọt, tưới cây ăn quả có thể làm cây bị chết, đành phải xả xuống suối.
Trong khi chủ trang trại vẫn phải mua phân bón hóa học với số lượng lớn nhưng vẫn không thể sử dụng nguồn dinh dưỡng từ chất thải chăn nuôi để thay thế phần nào chi phí đầu tư cho phân bón hóa học.
Hiện tại, các nghiên cứu và hướng dẫn cho nông dân về sử dụng phân bón hữu cơ SX từ chất thải chăn nuôi, nước thải sau biogas để bón cho các loại cây trồng khác nhau, các loại thổ nhưỡng khác nhau vẫn còn rất hạn chế và manh mún.
Tóm lại, chất thải chăn nuôi lợn là một nguồn nguyên liệu rất lớn có thể sử dụng để tạo ra năng lượng cho đun nấu, phát điện, làm phân bón hữu cơ, nuôi cá, giun… đồng thời giúp giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi lợn, một vấn đề hết sức nhức nhối hiện nay ở nhiều vùng nông thôn.
Tuy nhiên, lĩnh vực này chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng của các nhà nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp phù hợp về công nghệ để hình thành thị trường sử dụng khí ga cho đun nấu, phát điện hoặc thị trường phân bón hữu cơ SX từ chất thải chăn nuôi.
Hàng núi khí ga sinh ra từ các hầm biogas quy mô lớn vẫn đang chờ đợi công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam để được sử dụng hết cho nhu cầu dân sinh.
Hiện phân bón hữu cơ vi sinh vẫn đang được SX quy mô lớn từ nguồn tài nguyên hữu hạn là than bùn trong khi nguồn tài nguyên tái tạo vô hạn là chất thải chăn nuôi vẫn đang bị bỏ phí, gây ô nhiễm môi trường.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao