Tin thủy sản Xử lý môi trường nước bằng công nghệ tuần hoàn

Xử lý môi trường nước bằng công nghệ tuần hoàn

Author Lê Khánh - Mai Phương, publish date Wednesday. July 7th, 2021

Xử lý môi trường nước bằng công nghệ tuần hoàn

Với công nghệ nuôi tôm tuần hoàn nước, người nuôi không chỉ hạn chế được cao nhất nguy cơ dịch bệnh mà còn giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nước trong ao nuôi tôm được tuần hoàn sau khi xử lý và luôn giữ ổn định các chỉ số đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho tôm. Ảnh: L.K.

Hạn chế được nhiều nguy cơ xuất hiện mầm bệnh

Nhiều năm trở lại đây, các loại bệnh xuất hiện trên tôm đang khiến cho nhiều hộ nuôi chịu nhiều thiệt hại. Một trong số những nguyên nhân dẫn đến tôm bệnh, chết có thể kể đến là việc ô nhiễm nguồn nước, môi trường nuôi tôm. Do đó, những công nghệ tiên tiến được áp dụng để xử lý nước, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho con tôm là vô cùng cần thiết.

Trên cơ sở đó, vào năm 2020, dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ quản lý ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm siêu thâm canh ở huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) được triển khai đã cho thấy những kết quả tích cực bước đầu. Điều này đang kỳ vọng sẽ góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm không chỉ ở Quảng Ngãi mà nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

Đề tài do Cty TNHH Khoa học nuôi trồng Thủy sản và Môi trường SAEN chủ trì. TS. Nguyễn Nhứt, Phó Trưởng phòng Sinh học Thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 làm chủ nhiệm đề tài. Dự kiến, đề tài sẽ thực hiện trong vòng 2 năm, bắt đầu từ tháng 7/2020 trên 2 đối tượng là tôm thẻ chân trắng và tôm sú.

Mô hình được triển khai tại xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức) trên quy mô 700m2. Tôm nuôi sẽ được chia làm 3 giai đoạn trong 3 bể nuôi khác nhau. Ở giai đoạn đầu tiên tại bể nuôi 100m2 được thả với mật độ 1.020 con/m2. Khi tôm bước qua tháng thứ 2 sẽ được chuyển qua 1 bể nuôi khác có diện tích 200m2. Đến giai đoạn cuối cùng sẽ được nuôi trong bể có diện tích 400m2.

Theo công nghệ này, toàn bộ diện tích nuôi đều sử dụng khung sắt lót bạt. Đặc biệt, trong quá trình nuôi hầu hoàn toàn không phải thay nước mà môi trường nuôi sẽ được xử lý liên tục qua 2 hệ thống xử lý chất thải rắn bằng màng lọc và chất thải hòa tan bằng vi sinh.

Nuôi tôm tuần hoàn nước sẽ được chia làm 3 giai đoạn ở các bể nuôi khác nhau. 

Nước trong ao nuôi luân chuyển liên tục, sau khi qua xử lý, nguồn nước nuôi tôm được trả về hồ đảm bảo các tiêu chí sạch, an toàn để cho tôm phát triển, hạn chế tối đa dịch bệnh và hoàn toàn không sử dụng các chất kháng sinh.

Theo TS. Nguyễn Nhứt, thông thường, 1 con tôm ăn và tích tụ trong cơ thể khoảng 30% còn lại sẽ thải ra các dạng chất rắn và các chất hòa tan không lắng lại gây ô nhiễm ở mức độ sẽ giết lại con tôm. Bên cạnh đó, con tôm sẽ thải liên tục trong vòng 24 giờ. Do đó, trong quá trình xử lý nguồn nước theo công nghệ này sẽ có 1 máy tách chất thải rắn riêng. Còn các chất thải không thể lọc được bằng vật lý sẽ dùng bể chứa vi sinh để lọc sinh học.

“Trong vật liệu lọc sinh học mà tôi nghiên cứu bằng vi sinh thì sẽ kích thích vi sinh phát triển để hấp thụ các chất hòa tan gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, các vi sinh lọc sinh học còn là nơi phát tán ra các enzim để chống lại các vi khuẩn gây mầm bệnh. Với các công nghệ khác thì khi thực hiện thay nước ao nuôi rất dễ mang virus, vi khuẩn, ký sinh trùng vào mà dù có xử lý như thế nào cũng không hết được.

Vì công nghệ này không thay nước nên sẽ ngăn chặn con đường lây lan từ nguồn bệnh đi theo dòng nước thay vào. Ngoài ra, khi nuôi theo mỗi giai đoạn 1 tháng thì mầm bệnh chưa kịp phát triển, chúng ta đã vệ sinh và thả tôm vào lại. Còn nuôi 1 bể trong thời gian dài thì mầm bệnh sẽ xuất hiện nhiều hơn”, ông Nhứt nói.

Hướng đi trong tương lai

Theo TS. Nguyễn Nhứt, với công nghệ tuần hoàn nước, ông đã được học ở Hà Lan từ năm 2003. Trong thời gian từ năm 2003 đến 2016, ông đã thực hiện luận văn tiến sĩ về công nghệ này, đồng thời thực hiện nhiều đề tài cấp nhà nước trong đó khá thành công với đối tượng khác là cá tra. Ngoài ra, công nghệ cũng như áp dụng cho đối tượng tôm nuôi ở các trại giống để làm sạch bệnh ở các trại giống tại ở Viện Thủy sản 2.

Tôm nuôi được sống trong môi trường nước sạch nên hạn chế tối đa được dịch bệnh và không sử dụng thuốc kháng sinh. 

“Các thành phố lớn ở Mỹ hay Hà Lan đã áp dụng công nghệ này và cho thấy sự hiệu quả khi liên tục trong vòng 3 năm không phải thay nước. Không những vậy, công nghệ này cũng cho năng suất rất cao, chẳng hạn như ở Mỹ năng suất lên đến 700 tấn/ha/năm. Hoặc ở Italia, công nghệ này còn thể hiện được ưu điểm như tiết kiệm được nhân công khi 1 trại cá chỉ có 2 người vận hành nhưng đạt sản lượng lên đến 250 tấn/năm”, ông Nhứt cho hay.

Tại Việt Nam, mô hình được triển khai tại xã Đức Chánh là mô hình đầu tiên triển khai trên quy mô nông hộ. So với áp dụng trong Viện Thủy sản, nuôi nông hộ sẽ có những điều chỉnh để đơn giản hóa hơn về tất cả các quy trình, lược bỏ 1 số công đoạn nhằm giúp người dân dễ dàng thực hiện.

“Bên cạnh đó, công nghệ tuần hoàn nước khắc phục được những nhược điểm mà các công nghệ khác hiện nay chưa làm được đó là gần như tự động hoàn toàn. Người nuôi không phải xuống ao hồ, vệ sinh và chất lượng nước lúc nào cũng duy trì ở mức độ ổn định về các chỉ số, không gây ô nhiễm. Hiện nay công nghệ tiên tiến được biết đến tương đồng với công nghệ này là công nghệ Biofloc. Nhưng Biofloc điều khiển rất khó”, TS. Nhứt nói.

Hệ thống xử vi sinh xử lý sinh học sẽ loại bỏ những chất thải hòa tan, trả lại nguồn nước sạch về bể nuôi. 

Cũng theo TS. Nhứt, sở dĩ, ông lựa chọn miền Trung để thực hiện mô hình là vì khu vực này đất ít. Nếu áp dụng tốt công nghệ sẽ mang lại năng suất cao trên 1 diện tích nhỏ. Còn hiện nay, như tại Đồng bằng sông Cửu Long, để nuôi được 1ha thì người nuôi cần 11ha. Trong đó 1 ha để nuôi còn 10ha sử dụng để chứa nước phục vụ bơm thay. Đối với công nghệ tuần hoàn nước, nuôi theo từng giai đoạn, chỉ 1 diện tích nhỏ nhưng trên lý thuyết lại có thể nuôi được tới 10 vụ/năm.

Nói về khả năng áp dụng rộng rãi mô hình khi chứng minh được hiệu quả của công nghệ, ông Nhứt cho rằng, để người nông dân hiểu được và đưa vào thực hiện sẽ mất khoảng 6 tháng để đào tạo. Bởi hệ thống tuần hoàn này đang vướng ở chỗ là người thực hiện hệ thống tuần hoàn thì lại không biết nuôi tôm còn người nuôi thì không hiểu hệ thống như thế nào.

“Đây vẫn là thất bại lớn nhất của công nghệ tuần hoàn. Để vận hành được hệ thống phải nắm rất nhiều kiến thức từ nuôi, cơ khí, chất lượng nước cho đến hóa học, sinh học… Do đó, mặc dù công nghệ này mật độ nuôi có thể là cao nhất nhưng mình đang chọn mật độ vừa phải cho người nông dân vừa học hỏi. Trong quá trình đào tạo, họ sẽ dần nắm được kiến thức và nâng cao mật độ nuôi lên để tăng hiệu quả kinh tế”, ông Nhứt chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi - đơn vị tham mưu thực hiện dự án cho biết, qua gần 1 năm triển khai thực hiện mô hình tại địa phương, công nghệ tuần hoàn nước đã cho thấy được những hiệu quả bước đầu, tôm nuôi sinh trưởng, phát triển tốt và không xuất hiện dịch bệnh.

“Tôm nuôi trong mô hình sau khi thu hoạch cho chất lượng rất tốt, thịt thơm, ngọt hơn nuôi theo các phương pháp khác. Do vụ nuôi vừa qua, địa điểm nuôi bị ảnh hưởng của bão và chịu một số thiệt hại nên chưa thể tính được chính xác về năng suất. Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy công nghệ này rất có triển vọng.

Trong thời gian tới, khi kết thúc dự án, chúng tôi sẽ đánh giá lại tính hiệu quả. Trên cơ sở thực tiễn, sẽ mở một lớp đào tạo cho khoảng 50 nông dân để họ tiếp cận với công nghệ. Từ đó áp dụng vào thực tiễn, tăng hiệu quả kinh tế cũng dần dần nhân rộng nhằm nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm của tỉnh”, ông Thành nói.


Nuôi tôm hiệu quả nhờ công nghệ xử lý nước nhanh Nuôi tôm hiệu quả nhờ công nghệ xử… Hạn chế ô nhiễm môi trường nhờ nuôi xen ghép các đối tượng thủy sản Hạn chế ô nhiễm môi trường nhờ nuôi…