Tin thủy sản Xử lý phèn trong ao mùa mưa

Xử lý phèn trong ao mùa mưa

Author Hải An, publish date Friday. November 15th, 2019

Xử lý phèn trong ao mùa mưa

Tại khu vực đất bị nhiễm phèn quanh ao nuôi thủy sản, sau những trận mưa, nước sẽ rửa trôi phèn xuống làm pH trong ao giảm đột ngột, có thể khiến tôm, cá chết hàng loạt. Xử lý ao nuôi bị nhiễm phèn là rất cần thiết.

Dùng vôi hòa loãng té đều xuống ao để xử lý phèn

Biểu hiện ao bị nhiễm phèn

Nền đất bị phèn thường ở những khu vực rừng ngập mặn, bãi bồi và những nơi có độ mặn thấp, nền đáy ao có nhiều lá cây mục và đất sét. Sau những trận mưa, ao có những biểu hiện nhiễm phèn như nước ao trong hơn hoặc chuyển màu trà nhạt, có váng vàng nhạt nổi trên mặt nước, kiểm tra không có tảo phát triển.

Đối với ao nuôi cá, khi độ phèn cao, da cá chuyển màu đen, cá gầy đi và chậm lớn, nếu pH xuống quá thấp cá có hiện tượng chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.

Đối với ao nuôi tôm, quan sát thấy toàn bộ thân tôm chuyển từ màu sáng trong sang màu vàng nhạt đến vàng đậm, màu nước trà, sờ vào vỏ tôm có cảm giác cứng hơn bình thường, đồng thời, mang tôm chuyển sang màu vàng và sơ cứng lại. Tôm khó lột xác và bắt đầu bỏ ăn sau những trận mưa kéo dài, nếu ao bị phèn nặng tôm sẽ dạt bờ và chết rải rác, do ngạt thở bởi phèn bám nhiều vào mang tôm cản trở quá trình hô hấp của tôm.

Cách xử lý

Đối với những ao nuôi có đất bị nhiễm phèn, khi cải tạo cần dùng giấy quỳ để kiểm tra pH của đáy ao hoặc nhai trầu rồi nhổ xuống bùn đáy ao, nếu nước trầu vẫn đỏ tươi chứng tỏ pH trong ngưỡng phù hợp (7 - 8); nếu nước trầu chuyển từ màu đỏ sang màu thẫm hoặc tím chứng tỏ nền đáy bị xì phèn cần tăng lượng vôi nông nghiệp CaO bón xuống ao, liều lượng 15 - 18 kg/100 m2.

Cần dùng bạt phủ kín và từ đáy ao lên mặt bờ xung quanh ngăn không cho nước mưa thấm qua bờ tràn xuống, hoặc đắp gờ đất ngăn không cho nước mưa chảy trực tiếp xuống ao. Sau khi trời mưa, cần nhấc cánh phai phía trên của cống thoát để tháo bớt lượng nước ở tầng mặt tránh sốc pH cho tôm, cá.

Đầm nén bờ chắc chắn và giữ mực nước ao cân bằng với mương nước hoặc ao xung quanh, tránh mực nước thấp, xì phèn sẽ rò rỉ, thẩm lậu theo nước vào ao. Trong quá trình nuôi, sử dụng vôi bột hoặc vôi tôi hòa loãng với nước té đều xuống ao, liều lượng 0,5 - 10 kg/1.000 m2, định kỳ 20 ngày/lần, trước khi trời mưa nên rải vôi quanh bờ ao với liều lượng 10 kg/1.000 m2. Thường xuyên dùng hộp giấy quỳ đo pH của nước, mức thích hợp cho tôm cá sinh trưởng và phát triển 6,5 - 7,5, nếu thấp hơn ngưỡng cho phép thì phải té vôi ngay liều lượng 1 - 2 kg/100 m2.

Với ao bị xì phèn nước có độ trong cao, ao nghèo dinh dưỡng, tảo không phát triển, do vậy, nên thay nước cũ thêm nước mới vào hoặc dùng vôi dolomite liều lượng 20 - 30 kg/1.600 m2, bón 2 ngày 1 lần, trong vòng 20 ngày đầu để gây và giữ màu nước cho ao nuôi.

Đối với ao nuôi tôm, khi pH hạ thấp ngoài dùng vôi, người nuôi còn có thể sử dụng sản phẩm Sitto Thio 5000, liều lượng 1 lít/300 m3 nước và kết hợp thêm Zeolite 10 kg/1.000 m3 nước để ổn định môi trường nước.

Tôm, cá sống trong ao nhiễm phèn, quá trình hô hấp tăng cao, tiêu tốn nhiều năng lượng cho hô hấp. Mặt khác, ao nhiễm phèn sẽ làm tăng độc tính của H2 S đối với vật nuôi gấp nhiều lần, đồng thời, nguyên tố sắt và nhôm sẽ kết hợp với phốt pho tạo nên hợp chất khó tan hạn chế sự phát triển của tảo.


Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ… Vì sao thủy sản khó cạnh tranh tại Hàn Quốc Vì sao thủy sản khó cạnh tranh tại…