Tôm thẻ chân trắng Xử Lý Tôm Nuôi Khi Có Những Trận Mưa Trái Vụ

Xử Lý Tôm Nuôi Khi Có Những Trận Mưa Trái Vụ

Publish date Thursday. February 27th, 2014

Xử Lý Tôm Nuôi Khi Có Những Trận Mưa Trái Vụ

Theo dự báo, thời gian tới sẽ có những trận mưa trái vụ. Để có được vụ nuôi tôm hiệu quả việc hạn chế sự biến đổi các yếu tố môi trường nuôi cần được đặt lên hàng đầu.

Môi trường dễ biến đổi

Ông Nguyễn Trung Hưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh dự báo: "Tình trạng nắng nóng như hiện nay sẽ làm môi trường nuôi dễ biến đổi đột ngột, nhất là độ pH và nhiệt độ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của tôm nuôi. Đó là chưa kể, nếu có những trận mưa trái vụ thì sự biến đổi của môi trường càng nhanh hơn, tôm nuôi dễ bị chết do sốc nhiệt độ, pH, độ mặn…".

Nắng nóng làm nước vuông tôm bốc hơi nhanh, từ đó nhiệt độ tăng cao, độ mặn trong vuông nuôi cũng tăng theo ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của tôm nuôi. Ngoài ra, nắng nóng cùng với độ mặn tăng cao làm các loại cây cỏ thủy sinh trong vuông nuôi bị chết và phân hủy nhanh. Đây là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, kéo theo sự biến đổi về độ trong, đục của nước trong vuông.

Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng do thiếu oxy, nếu nặng sẽ chết hàng loạt. Nước trong vuông nuôi cạn cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi pH của môi trường nuôi.

Đối với những vùng đất có nhiều phèn như U Minh, Thới Bình thì pH xuống thấp do phèn từ trong đất của các bờ bao rút ra vuông.

Những yếu tố môi trường nuôi càng thay đổi giảm đột ngột hơn khi xuất hiện những trận mưa trái vụ hay những cơn mưa đầu mùa. Nước mưa cuốn trôi phèn từ bờ vuông xuống ao nuôi làm pH giảm thấp, nhiệt độ thay đổi đột ngột, dẫn đến hiện tượng tôm chết do bị sốc nhiệt và pH hay tôm nuôi yếu đi, mất khả năng đề kháng, dễ mắc bệnh.

Cần chủ động

Theo ông Hưởng, để có được những vụ nuôi đạt hiệu quả cao, hạn chế rủi ro, ngoài việc thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường trong vuông nuôi, gia cố đê bao, người nuôi tôm cần có khu lắng riêng để chủ động được nguồn nước và xử lý trước khi lấy vào ao nuôi. Xây dựng ao lắng nhằm tạo các yếu tố môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của tôm cũng như hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài.

Để khắc phục tình trạng tăng cao của nhiệt độ, độ mặn, cần chủ động duy trì mực nước trong vuông cao (mặt trảng trên 0,4 m và mương bao từ 1,2-1,5 m), thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ bao tránh tình trạng nước rò rỉ. Nếu nước trong vuông có màu đậm, pH cao tiến hành thay nước (khoảng 20% lượng nước trong vuông) hoặc lấy thêm nước.

Khi lấy thêm nước cần kết hợp sử dụng thêm vôi nông nghiệp (CaCO3) từ 10-15 kg/1.000 m3 nước, bón vào lúc tối từ 21-22 giờ và có thể lập lại 2-3 lần cho đến khi các yếu tố trở lại ngưỡng thích hợp.

Người dân cần thường xuyên chú ý khi thấy có dấu hiệu mưa, dùng vôi với liều lượng 10-15 kg/100 m2 bón xung quanh bờ vuông, để hạn chế phèn rửa trôi xuống ao nuôi.

Sau những trận mưa phải kiểm tra các yếu tố môi trường trong vuông nuôi để có những biện pháp khắc phục kịp thời. Ngoài ra, để hạn chế sự biến đổi đột ngột các yếu tố môi trường nuôi trong mùa mưa hay mùa hạn, người nuôi cần sử dụng các chế phẩm sinh học theo định kỳ

Trong nuôi tôm, việc quản lý tốt các yếu tố môi trường nước trong vuông là rất quan trọng. Nếu giữ được sự ổn định các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm, oxy hòa tan… trong ngưỡng thích hợp sẽ giúp tôm phát triển tốt. Khi xuất hiện những trận mưa đầu mùa cần tiến hành xả bớt lớp nước mặt, hay dùng quạt, xuồng máy chạy đảo trong vuông để phá vỡ sự phân tầng nước.


Tăng Cường Phòng Ngừa Dịch Bệnh Tôm Nuôi Tăng Cường Phòng Ngừa Dịch Bệnh Tôm Nuôi Sản Xuất Con Giống Tôm Thẻ Chân Trắng Sản Xuất Con Giống Tôm Thẻ Chân Trắng