Xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc đến hẹn lại ách tắc
Quá 700 xe là tắc
Tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ dưa hấu do Bộ Công Thương tổ chức hôm 28.12, bà Dương Phương Thảo-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, vụ dưa hấu 2015-2016, TQ sẽ tiếp tục chỉ nhận hàng tại cặp cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)-Pò Chài.
Trong khi, điều kiện cơ sở hạ tầng, bến bãi kho chứa… từ TP.Lạng Sơn đến khu vực cửa khẩu Tân Thanh vẫn chỉ có năng lực tiếp nhận và giải phóng hàng tối đa khoảng 300 xe/ngày.
Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi (Bộ Công Thương) ông Nguyễn Văn Hội cũng cảnh báo, Việt Nam xuất nông sản qua Pò Chài rất lớn, không chỉ có dưa hấu mà còn nhiều nông sản khác.
Hạ tầng cửa khẩu cả hai nước dù liên tục được nâng cấp song đều không còn đáp ứng kịp với nhu cầu tăng lên này.
“Lượng dưa hấu của ta xuất sang TQ không tăng lên đáng kể, nhưng do là mặt hàng mang tính thời vụ lớn nên nếu vụ dưa tới đây chúng ta cứ đưa lên quá 700 xe/ngày như mọi năm là sẽ lại tắc”-ông Hội nói.
Thực tế, trong nhiều năm, khi vào thời điểm cận Tết Nguyên đán (cuối tháng 1 đầu tháng 2) và chính vụ thu hoạch dưa hấu (trung tuần tháng 3 đến giữa tháng 4), dưa hấu của ta xuất sang TQ liên tục bị ùn tắc tại cặp cửa khẩu này.
Có thời điểm, lượng ùn tắc lên tới hơn 1.000 xe, mỗi xe phải chờ 3-7 ngày mới có thể giao hàng làm dưa hấu xuống cấp dẫn đến bị ép giá và phải đổ bỏ.
Theo ông Nguyễn Thành Nam-Thứ trưởng Bộ NNPTNT, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo các địa phương trồng dưa hấu rải vụ, tránh tập trung thu hoạch cùng lúc nhưng không hiểu tại sao riêng dưa hấu năm nào cũng xảy ra ách tắc.
Ông Nam nói: “Chúng ta xuất chỉ khoảng 20% lượng dưa hấu/vụ, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường TQ mà ách tắc là điều rất khó hiểu?!”.
Ông Vũ Hồng Thủy-Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn thì lý giải rằng, việc dưa hấu xuất sang TQ tắc, có thời điểm xe ùn kéo dài hơn 70km không phải là quá khó hiểu.
TQ chỉ chọn 10 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu dưa hấu của Việt Nam tại cửa khẩu, sau đó cấp hạn ngạch cho các đơn vị này trong khi phía ta ai cũng buôn được dưa hấu đưa lên cửa khẩu.
“Nhiều khi, thương lái chỉ nghe thông tin dưa hấu xuất sang TQ ở Tân Thanh được giá là xuất xe lên, không biết sẽ bán cho ai, như thế nào.
Dưa lên đến cửa khẩu đưa sang TQ mới được phân loại đóng gói, trung bình mất 3-7 tiếng/xe, làm sao không gây ảnh hưởng đến tiến độ và hàng đưa lên ách tắc là điều khó tránh”-ông Thủy nêu thực tế.
Chỉ Trung Quốc có lợi…
Tổng sản lượng dưa hấu dự kiến mùa vụ 2015-2016 đạt khoảng 1,5 triệu tấn, trong đó sản lượng vụ đông xuân ước đạt 550.000 tấn.
Hiện dưa hấu xuất khẩu chiếm 20% tổng lượng sản xuất chủ yếu sang các nước như TQ, Lào, Campuchia; trong đó xuất khẩu sang TQ chiếm khoảng 85-90%.
Ông Thủy cho biết, năm nào Lạng Sơn cũng lập Tổ tránh ùn tắc, ưu tiên phân luồng cho hàng tươi trước, khô sau, nhưng dưa hấu của ta phân loại chưa tốt nên mất thêm thời gian thông quan và khó tránh việc bị TQ ép cấp ép giá.
Càng ùn tắc phía TQ càng có lợi vì càng dễ dàng ép giá chúng ta.
Nếu không sớm có giải pháp điều tiết thì dưa hấu vụ tới đưa lên biên giới, ông Thủy lo ngại sẽ lại vẫn có nguy cơ đổ bỏ, không xuất nổi giống như mọi năm.
“TQ ít đầu mối thu mua, họ lại bảo nhau được còn ta thì tranh nhau bán, tự cạnh tranh nhau để xuất khẩu ồ ạt nên chính ta hại ta.
Có thời điểm dưa hấu bán sang TQ chỉ có 3.000 đồng/kg nhưng hàng đã đưa lên đành bán tống bán tháo, trong khi trong nước thời điểm đó, người dân vẫn phải mua 15.000 đồng/kg, thiệt đơn thiệt kép”-ông Thủy phân tích.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam ông Nguyễn Quang Thử cũng băn khoăn, trong sản xuất và tiêu thụ dưa hấu hiện nay chưa có liên kết nào giữa địa phương với địa phương, doanh nghiệp với địa phương, doanh nghiệp với người nông dân.
Chúng ta vẫn mạnh ai nấy trồng, mạnh ai nấy bán nên thiệt hại là khó tránh.
Ông Thử cho rằng, phải có giải pháp nào tháo gỡ tiêu thụ sản phẩm cho bà con bởi như hiện nay, chính thương lái thu mua dưa cho bà con cũng đang phải chịu cảnh chi phí dọc đường vô tội vạ, làm giá thành sản phẩm đội lên cao, khó xuất khẩu cũng như nâng giá cho bà con.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, để tránh ách tắc dưa hấu tới đây khâu điều tiết, thông quan vô cùng quan trọng.
Ông Tuấn Anh đề nghị thiết lập một cơ chế phối hợp thông tin chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ ngành và địa phương trong việc cập nhật thông tin về sản lượng, tiến độ thu hoạch, số lượng dưa hấu dự kiến đưa lên biên giới, tổ chức khoanh vùng để xác định những vùng trồng dưa nên đưa lên biên giới, những vùng khác để tiêu thụ trong nước để có kế hoạch điều tiết lưu lượng hàng lên các tỉnh biên giới.
“Dứt khoát một mặt chúng ta phải phân loại đóng gói ngay tại nơi sản xuất, mặt khác rút ngắn tối đa thời gian thông quan.
Dưa hấu với 80% tiêu thụ trong nước nên không nhất thiết phải ùn ùn đưa lên biên giới mà cần tích cực tìm kiếm thị trường trong nước để tiêu thụ cho nông dân với giá phải chăng”-ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao