Mô hình kinh tế Xuất Khẩu Gạo Đối Mặt Nhiều Thách Thức

Xuất Khẩu Gạo Đối Mặt Nhiều Thách Thức

Publish date Saturday. October 11th, 2014

Xuất Khẩu Gạo Đối Mặt Nhiều Thách Thức

Ngày 10/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất niên vụ lúa năm 2014, triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2014-2015 tại Nam bộ.

Giá gạo xuất khẩu sẽ giảm trong đầu năm 2015

Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến 30/9/2014 các DN xuất khẩu gạo cả nước đã ký hợp đồng xuất khẩu được khoảng 6,51 triệu tấn gạo. Số hợp đồng này bao gồm cả 613.000 tấn chuyển sang từ năm 2013.

Đến nay, các DN đã giao hàng được 4,78 triệu tấn, số còn lại sẽ giao hàng từ nay đến cuối năm.

Để có đủ lượng gạo giao hàng cho các hợp đồng đã ký, các tháng tới, DN sẽ phải mua vào khoảng 638.000 tấn nữa. Đây là điều không đáng lo ngại bởi VFA dự báo lượng gạo cân đối xuất khẩu còn lại trong quý 4/2014 ước khoảng 810.000 tấn - đủ nguồn cung.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Bảy  cho rằng, giá mua lúa gạo nguyên liệu vụ Thu Đông sẽ không có cơ hội tăng vì từ nay đến cuối năm sẽ không có thêm hợp đồng tập trung lớn được ký kết.

Theo đánh giá của VFA, hiện nay Thái Lan đang chuẩn bị thu hoạch vụ chính vào tháng 11. Chính phủ nước này đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chiếm lại các thị trường truyền thống và sẵn sàng bán giá thấp cả đối với gạo tồn kho vụ cũ và gạo mới. Vì thế áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam sẽ rất gay gắt và xu hướng giá xuất khẩu sẽ giảm trong đầu năm 2015.

Ngoài ra, thông tin Chính phủ Philippines sẽ không nhập thêm gạo trong năm 2014 và hạn mức nhập khẩu trong năm 2015 mặc chưa được cơ quan lương thực nước này công bố, nhưng chắc chắn muốn bán gạo vào thị trường này các tháng đầu năm 2015, các DN Việt Nam sẽ phải hạ giá để bắt kịp động thái của các nhà xuất khẩu Thái Lan.

Sẵn sàng ứng biến

Theo VFA, vụ Hè Thu 2014 mặc dù Chính phủ không thực hiện chương trình tạm trữ nhưng giá lúa gạo ở các địa phương ĐBSCL vẫn ổn định ở mức cao do thương lái mua gom phục vụ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhưng vụ Đông Xuân tới đây tình hình thị trường và giá xuất khẩu cơ bản cho thấy đang rất khó khăn do thời gian qua các DN xuất khẩu do phải mua nguyên liệu quá cao nên cũng đang phải chịu áp lực lỗ vốn. Do đó, nếu tình hình diễn biến xấu quá trong các tháng đầu năm VFA sẽ có kiến nghị để Bộ NN&PTNT trình với Chính phủ về giải pháp thu mua tạm trữ.

Về phía các địa phương, ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, để giúp các DN tại Tiền Giang thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu và thực hiện tốt mô hình cánh đồng mẫu lớn, Sở NN&PTNT Tiền Giang đã gửi công văn kiến nghị tới Ngân hàng nhà nước tại tỉnh để cho DN được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giảm bớt khó khăn.

Tương tự, UBND tỉnh An Giang cũng đã gửi văn bản đề nghị cho phép một số DN đang thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được vay vốn tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) để liên kết với nông dân cung ứng lúa giống, phân bón thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tạo ra nguồn nguyên liệu lúa chất lượng cao, chế biến gạo xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho DN thu mua xuất khẩu, VFA đang kiến nghị Bộ Tài chính nhanh chóng giải ngân phần vốn hỗ trợ lãi suất theo chương trình tạm trữ vụ Đông Xuân 2013- 2014 để các DN có vốn thu mua lúa nguyên liệu vụ Thu Đông. Hiện nay một số ngân hàng đặt ra điều kiện DN phải có hợp đồng xuất khẩu thì mới được giải ngân vay vốn nên VFA kiến nghị NHNN xem xét để có cơ chế tháo gỡ nút thắt này.


Bến Tre Phòng Bệnh Tôm Nuôi Cuối Năm 2014 Bến Tre Phòng Bệnh Tôm Nuôi Cuối Năm… Triển Vọng Giống Lúa AP 2010 Triển Vọng Giống Lúa AP 2010