Xuất khẩu gạo vẫn giữ nhịp ổn định
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo rằng xuất khẩu gạo năm 2021 sẽ duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán do hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tiếp tục ký hợp đồng mua gạo và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
Đại dịch COVID-19 đã khiến toàn thế giới lao đao, tăng trưởng kinh tế suy giảm nghiêm trọng, các hoạt động kinh tế, đầu tư, kinh doanh đều bị gián đoạn, các chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt gãy và không thể hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nhờ các nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều chính phủ, một số nước và khu vực đã dần lấy lại được nhịp hoạt động của mình, dù không thể trở lại mạnh mẽ như thời kỳ trước khi đại dịch xảy ra, nhưng cũng đã có những dấu hiệu lạc quan, tích cực.
Trong loạt bài khởi đăng từ thứ Hai, 22/3/2021, tạp chí điện tử nhadautu.vn mong muốn mang đến cho độc giả, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà quản lý và những người quan tâm đến thị trường hàng hóa những thông tin cập nhật nhất trong một số ngành, lĩnh vực chính, có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam để có thể có cái nhìn toàn cảnh, đúng đắn nhất góp phần giúp quí độc giả đưa ra những quyết định chính xác và tốt nhất trong bối cảnh thương trường đang dần phục hồi thời kỳ hậu đại
Triển vọng thị trường gạo thế giới trong ngắn hạn vẫn sẽ còn căng thẳng nguồn cung do thiếu container cũng như việc nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch của Việt Nam là không đáng kể so với nhu cầu chung của thế giới. Chính vì vậy, giá gạo trong thời gian sắp tới được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Giá gạo toàn cầu năm 2020 đã tăng hơn 20% trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh từ nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… khi sản lượng của một số nước xuất khẩu mạnh như Thái Lan và Việt Nam sụt giảm do các yếu tố thời tiết cực đoan.
Vào năm 2021, giá gạo tại nhiều thị trường lớn vẫn đang tăng theo thời gian. Trong quý I/2020, giá gạo ở Bán cầu Tây đã tăng cao hơn nhiều so với mức giá gạo Châu Á.
Theo đó, giá gạo Mỹ cuối tháng 1/2021 là 625 USD/tấn, gạo Uruguay 620 USD/tấn, gạo Thái Lan tiếp tục tăng lên khoảng 527 USD/tấn do đồng baht mạnh lên, gạo Pakistan tăng lên 438 USD/tấn và gạo Ấn Độ lên 388 USD/tấn….
Đặc biệt, giá gạo ở cả ba nước xuất khẩu hàng đầu thế giới (Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ) đều tăng khá mạnh. Xu hướng này được thúc đẩy bởi nhu cầu cao trong khi đó, nguồn cung ở nhiều nơi trên thế giới lại thiếu hụt cũng như việc thiếu container đẩy cước phí vận tải tăng lên.
Đến thời điểm đầu tháng 2/2021, giá gạo Việt Nam đạt cao nhất gần 10 năm, gạo Thái Lan cao nhất 10 tháng và gạo Ấn Độ cao nhất 3 năm.
Vào đầu năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã bắt đầu tăng bởi nhu cầu cao từ các khách hàng tại khu vực châu Á và châu Phi, khi đồng rupee của nước này tăng giá so với USD, trong bối cảnh nguồn cung nội địa dồi dào.
Yếu tố khiến gạo Ấn Độ trở nên hấp dẫn đối với khách hàng quốc tế chính là nhờ giá rẻ hơn khoảng 20 USD/tấn so với các đối thủ trong khu vực và sự đa dạng của các chủng loại gạo.
Tuy tăng giá, nhưng gạo Ấn Độ hiện vẫn có giá cả phải chăng, qua đó thu hút được nhiều khách hàng có thu nhập không cao, như các nước châu Phi. Dù vậy, việc xuất khẩu gạo vẫn gặp nhiều khó khăn do tình trạng tắc nghẽn ở cảng biển, thiếu phương tiện vận chuyển và thiếu nhân lực do đại dịch COVID-19.
Tại Trung Quốc, dịch COVID-19 và thời tiết cực đoan đã gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung gạo. Do đó, Trung Quốc đã và đang tăng cường nhập khẩu gạo. Đáng chú ý, Trung Quốc đã bắt đầu mua gạo Ấn Độ trở lại, lần đầu tiên sau khoảng 3 thập kỷ gián đoạn.
Trong giai đoạn 2020-2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng gạo toàn cầu sẽ đạt mức 496,4 triệu tấn, giảm khoảng 1 triệu tấn so với giai đoạn 1 năm về trước. Sự sụt giảm này được thúc đẩy chủ yếu tại thị trường Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar, mặc dù sản lượng tăng ở Ấn Độ và Ai Cập.
Triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán do hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
Thị trường gạo khu vực châu Á cũng sôi động trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng như Trung Quốc và Bangladesh đang tích cực mua vào. Nhiều nước khác có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp là những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm tăng nhu cầu sử dụng lương thực ở nhiều quốc gia, là cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới.
"Nỗ lực tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chuyển mạnh từ lúa phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao khiến gạo Việt Nam dễ dàng cạnh tranh hơn với những đối thủ lớn trên thị trường như Thái-lan, Cam-pu-chia - những quốc gia vốn nổi tiếng là có nhiều loại gạo ngon nhất thế giới", ông Nam nhấn mạnh.
"Lực đẩy" của hoạt động xuất khẩu gạo còn đến từ việc nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới liên tục được thực thi, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA), tạo cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam "cập bến" thị trường châu Âu.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dù ban đầu, hạn ngạch mà Liên hiệp châu Âu (EU) cam kết cho Việt Nam chỉ 80 nghìn tấn, song việc chúng ta vào được thị trường này sẽ là bước đầu để các mặt hàng của Việt Nam có chỗ đứng tại châu Âu, là cơ sở để thâm nhập các thị trường khó tính khác. Việc được EU mở cửa thị trường cũng gián tiếp giúp gạo Việt khẳng định chất lượng bởi EU là một trong những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhất thế giới.
Nhờ "lực đẩy" từ EVFTA, chúng ta đã liên tục có nhiều đơn hàng xuất khẩu với khối lượng lớn, giá trị cao hơn.
Đơn cử, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã ký hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn gạo ST20 và Jasmine sang EU. Trong đó gạo thơm ST20 (gạo 5% tấm) được bán với giá hơn 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá hơn 600 USD/tấn. Hoặc, Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã xuất khẩu thành công gạo VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc với giá lên đến 1.040 USD/tấn.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) tự tin khẳng định: Năm 2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam có khả năng cao hơn năm 2020 cả về số lượng và giá trị.
Nguyên nhân bởi thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam không ngừng được mở rộng và hướng tới các thị trường cao cấp; ngành nông nghiệp đang tái cơ cấu toàn diện, chất lượng gạo của Việt Nam không ngừng nâng lên và Việt Nam đang chuyển mạnh mẽ từ xuất khẩu gạo có phẩm cấp thấp sang gạo có phẩm cấp cao, đáp ứng các thị trường cao cấp như Mỹ, Châu Âu, Úc…
"Dịch bệnh COVID-19 hoành hành từ đầu năm 2020 đến nay và thời gian tới khả năng còn phức tạp hơn, đã làm cho nhiều quốc gia trên thế giới bị khủng hoảng thiếu về lương thực thực phẩm do các chuỗi cung bị đứt gãy, khả năng khôi phục không dễ trong thời gian ngắn", ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao