Tin thủy sản Xuất khẩu nghêu, sò vẫn đối mặt khó khăn

Xuất khẩu nghêu, sò vẫn đối mặt khó khăn

Author Vỹ Nguyên, publish date Monday. August 8th, 2016

Xuất khẩu nghêu, sò vẫn đối mặt khó khăn

Thông tin từ VASEP, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu nghêu, sò đạt 40,86 triệu USD, tăng 1,6% so cùng kỳ năm 2015; dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2016 sẽ đạt 83 triệu USD. Hiện, Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang 57 nước trên thế giới, tăng thêm 9 nước so năm 2015. Trong đó, EU vẫn là thị trường nhập khẩu nghêu, sò lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 64%.

Còn với thị trường Nhật, xuất khẩu đạt 4,22 triệu USD, giảm 12,4%. Trong đó, thị phần nghêu chế biến sang Nhật khá khiêm tốn, chỉ chiếm 2 – 3%; giá trung bình đạt khoảng 3 USD/kg. Riêng lĩnh vực nghêu xuất khẩu, hiện Trung Quốc vẫn đang chiếm lĩnh thị trường, còn Việt Nam xếp thứ 5 và đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ từ Chile, Thái Lan, New Zealand.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu nghêu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 2,64 USD/kg, tăng so với với mức 2,59 USSD/kg năm 2015. Với mặt hàng sò điệp, giá bán tại thị trường Mỹ đang ở mức cao nhất so với một số năm gần đây do sản lượng sò điệp cập cảng thấp. Sản lượng sò điệp toàn cầu trong năm nay cũng thấp hơn nên VASEP dự báo giá sò điệp 2016 sẽ không giảm.

Theo ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), thị trường trong nước hiện thiếu nguồn cung giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ; việc phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh diễn ra thường xuyên; vốn và chính sách hỗ trợ cũng chưa được quan tâm kịp thời.

Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2020, nghêu, sò nuôi sẽ đạt tổng diện tích 48.370ha; năng suất trung bình 8,27 tấn/ha; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 150 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,8%/năm.


Mô hình nuôi cá tra VietGAP đầy triển vọng Mô hình nuôi cá tra VietGAP đầy triển… Nuôi cá an toàn, mỗi năm bỏ túi hơn trăm triệu đồng Nuôi cá an toàn, mỗi năm bỏ túi…